Nhịp cầu lịch sử:

Chuyến đi sứ bất thành và bài học về sức mạnh nội lực của dân tộc

Phan Ngọc Huyền

(Dân trí) - Sau khi triều đình Nguyễn kí hòa ước năm Nhâm Tuất (năm 1862) và Giáp Tuất (năm 1874), thực dân Pháp vẫn không từ bỏ ý định thôn tính toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Tháng 4 năm 1882, quân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ 2, thành Hà Nội thất thủ. Thế nước lâm nguy, triều đình nhà Nguyễn do vua Tự Đức đứng đầu càng trở nên lúng túng trước việc lo đối phó với thực dân Pháp.

Trong bối cảnh đó, tháng 12 năm 1882, nhà Nguyễn lấy Thượng thư bộ Hình là Phạm Thận Duật làm Chánh sứ, sung chức Khâm sai đại thần cùng với Thị lang gia hàm Tham tri là Nguyễn Thuật làm Phó sứ đi sang Trung Quốc.

Chuyến đi sứ bất thành và bài học về sức mạnh nội lực của dân tộc - 1

Chân dung Chánh sứ Phạm Thận Duật (nguồn ảnh: Hopham TPCHM).

Lí do trực tiếp đưa đến việc cử sứ đoàn đi lần này được Đại Nam thực lục cho biết nhằm "để hỏi han và bàn việc đối phó với nước Pháp" (1).

Trong bối cảnh đất nước đứng trước nguy cơ bị mất vào tay thực dân Pháp, đoàn đi sứ có một sứ mệnh đặc biệt mà sự thành bại của chuyến đi này, có thể sẽ tác động lớn đến công cuộc giữ nước của vương triều Nguyễn.

Theo Vãng sứ Thiên Tân nhật kí, hành trình đi sứ của Phạm Thận Duật và sứ đoàn trải qua nhiều chặng đường: từ cửa biển Thuận An đi Hải Phòng, Hải Dương, sau hơn một tuần thì đến được Áo Môn (Ma Cao), Hương Cảng (Hồng Kông). Tiếp đó đến đất Quảng Đông, rồi lại từ Quảng Đông quay về Hương Cảng để chờ tàu đi qua Thượng Hải rồi cuối cùng mới đến Thiên Tân. Hành trình của sứ đoàn phải trải qua hơn một tháng lênh đênh trên biển, đến ngày 17 tháng 3 năm 1883 mới đến được Thiên Tân.

Sau khi đến Thiên Tân, sứ đoàn Việt Nam đã được sắp xếp để gặp Lý Hồng Chương - người được nhà Thanh giao cho phụ trách vấn đề Việt Nam (2).

Ngày 24 tháng 3 năm 1883 (theo Vãng sứ Thiên Tân nhật kí là ngày 16 tháng 2 âm lịch), Phạm Thận Duật và Nguyễn Thuật đã có cuộc tiếp kiến với Lý Hồng Chương. Hai bên đã tiến hành bút đàm và trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề.

Trong đó, Lý Hồng Chương vặn hỏi về việc triều đình nhà Nguyễn đã mấy lần lập hiệp ước với Pháp? Mỗi lần kí vào năm nào?

Sau khi nghe Chánh sứ Phạm Thận Duật trả lời về việc triều Nguyễn đã hai lần kí hiệp ước Nhâm Tuất (năm 1962) và Giáp Tuất (năm 1874), Lý Hồng Chương bắt bẻ rằng việc Đại Nam và các nước kí hiệp ước đáng nhẽ phải báo cho nhà Thanh biết (giống như các nước Triều Tiên và Nhật Bản đều phải làm như vậy!).

Việc Đại Nam tự ý kí hiệp ước với Pháp, "trước không trình lên thiên triều, sau lại không cử sứ giả đến báo lại" là không đúng. Thái độ của Lý Hồng Chương trước sau chỉ là hạch sách và trách cứ: "Việc [kí hiệp ước] cách đây đã khoảng 10 năm, bây giờ mới trình lên nội dung bản hiệp ước thì việc đó cứu giúp thế nào đây?" (3)

Khi sứ thần Phạm Thận Duật đặt vấn đề tình thế Đại Nam đang khó khăn, mong được nhờ triều đình Mãn Thanh giúp đỡ, cứu viện, viên đại thần đại diện cho nhà Thanh đã bày tỏ thái độ từ chối rõ ràng: "Trung Quốc cũng muốn trợ lực giải nguy [cho Đại Nam].

Mùa đông năm trước sứ giả của Pháp có đến Thiên Tân, hai nước đã cử phái viên bàn bạc về vấn đề của nước các ông. Nhưng mùa xuân năm nay lại nhận được điện báo rằng bộ Ngoại giao Pháp cho rằng các nội dung bàn bạc ở Thiên Tân không thể hợp thành hiệp ước mới giữa nước Pháp và nước Việt được, nên hủy bỏ việc nghị bàn.

Lại nghe nước Pháp chẳng bao lâu nữa sẽ tiến sâu thêm vào lãnh thổ nước Việt, không biết ý đó là như thế nào? Các ông nói rằng đường bộ có thể phòng thủ được, nếu quả đúng như thế thì cũng không cần phải nhờ Trung Quốc trợ giúp.

Đến như binh thuyền của Trung Quốc hiện nay đều đã chia đóng chốt phòng thủ ở các cửa khẩu, thực không thể chia ra để bố trí lại, e rằng không thể đi quá xa tới cửa biển Thuận An để trợ thủ cho kinh thành nước các ông được.." (4)

Mặc dù Phạm Thận Duật trong cuộc bút đàm đã nói rõ rằng, hiện tại thực lực của Đại Nam không thể sánh được với quân Pháp nên mới báo với nhà Thanh để xin trợ giúp nhưng đáp lại, Lý Hồng Chương kết thúc buổi gặp gỡ, bút đàm đó bằng thái độ rất thờ ơ và lấp lửng: "Hiện nay nước Pháp không sẵn lòng thương nghị với Trung Quốc về việc của nước Việt mà chỉ nghe ngóng thôi. Ta đã xin chỉ chuẩn cho việc nghỉ phép để về quê lo chuyện tang sự (5), cũng chưa biết sẽ đi bao nhiêu ngày. Các ông cứ chờ tại đây [tức Thiên Tân], chớ vội về nước" (6).

Sau lần gặp mặt trên, nhiều lần sứ đoàn Việt Nam xin tiếp kiến Lý Hồng Chương nhưng không được, mọi việc liên lạc qua lại chủ yếu phải thông qua bút đàm với thuộc cấp của Lý Hồng Chương.

Đi kèm theo thái độ lạnh nhạt đó là hành động bỏ mặc tình hình chiến sự ở Việt Nam của Lý Hồng Chương. Với chính sách "cố phòng quan biến" (phòng thủ chắc chắn, chỉ quan sát tình hình mà không động binh), chủ trương của Lý Hồng Chương là án binh bất động, mặc cho người Pháp đánh vào cửa biển Thuận An buộc triều Nguyễn phải kí hiệp ước Harmand năm 1883, thừa nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam.

Trong Vãng Tân nhật kí, Khâm sai Phó sứ Nguyễn Thuật đã bày tỏ sự thất vọng trước thái độ đó của nhà Thanh: "Việc của nước tôi và nước Pháp vốn do triều đình Trung Quốc gửi công văn muốn điều đình giúp, lại còn triệu mấy người chúng tôi tới Thiên Tân xét hỏi, rồi thì giảng giải cũng không thành, lại còn do dự sợ sệt, không chịu đem binh thuyền cứu trợ, để cho người Pháp nhân lúc nước tôi có việc, ép chúng tôi hòa. Nước tôi lần này biến cố dồn dập, cái thế không thể không theo, còn triều đình Trung Quốc thì không bảo vệ được nước phên giậu, không biết có lời nào giải thích với thiên hạ chăng? Sự tình đã đến như vậy, còn nói gì được nữa!" (7).

Trong bối cảnh không lâu sau đó Pháp đã đánh chiếm vào Huế và chiếm trọn được Đại Nam, ngày 12/11/1883, Lý Hồng Chương dựa vào lí do "Sứ thần ở Thiên Tân, nay không còn việc gì thương thuyết nữa" (8) nên đã đồng ý đề nghị của đoàn sứ giả Đại Nam về việc xin rời Thiên Tân về nước.

Ngày 23/11/1883, đoàn sứ giả Đại Nam do Chánh sứ Phạm Thận Duật dẫn đầu đã đáp thuyền về nước. Chuyến đi của sứ đoàn mang theo sứ mệnh lớn lao trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị Pháp thôn tính hoàn toàn. Sứ mệnh ấy là hi vọng của triều Nguyễn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía nhà Thanh về cả động thái ngoại giao và hành động quân sự.

Tuy nhiên, thời cuộc đổi thay, triều đình nhà Thanh mà đại diện là Lý Hồng Chương đã từ chối sự giúp đỡ và đón tiếp sứ đoàn bằng một thái độ lạnh lùng, thiếu tích cực. Kết cục của chuyến đi ấy đi ngược lại với niềm hi vọng và những nỗ lực của sứ đoàn, khiến cho sứ mệnh của đoàn sứ giả không thành hiện thực.

Sự kiện này có thể coi như một "sự giải thiêng" về vương triều Mãn Thanh - triều đại luôn tự cho mình là "thiên triều" và có vai trò bảo vệ các nước vốn được họ coi là nước nhỏ.

Việc nhà Thanh án binh bất động, thực hiện chủ trương "cố phòng quan biến" để mặc cho quân Pháp uy hiếp, đánh vào tận kinh thành Huế của Đại Nam đã thể hiện rõ việc lựa chọn sách lược "bỏ rơi" Đại Nam. Sự lựa chọn này phản ánh rõ chủ nghĩa thực dụng trong chính sách ngoại giao của triều đình Mãn Thanh.

Sau chuyến đi sứ này, đội ngũ trí thức và quan lại nhà Nguyễn đã có cái nhìn chân xác hơn về nhà Thanh (dù đó là cái nhìn được chuyển hướng muộn mằn!). Hơn lúc nào hết, khát vọng tự cường để thoát khỏi ảnh hưởng của nhà Thanh và có đủ sức mạnh nội lực để chống lại thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập dân tộc lại cháy bỏng và tự chứng minh được sự đúng đắn của nó trong thực tế đến như thế.

Từ chuyến đi bất thành của sứ thần nhà Nguyễn, thông điệp của lịch sử gửi đến hậu thế thật rõ ràng: Muốn giành, giữ và bảo vệ độc lập, chủ quyền của một quốc gia, trước tiên phải tự xây dựng thực lực và dựa vào sức mạnh nội lực của chính mình.

Chú thích:

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007. Đại Nam thực lục (bản dịch), tập 8. NXB. Giáo dục, Hà Nội, tr.551.

(2) Lý Hồng Chương (1823 - 1901): trọng thần cuối thời nhà Thanh, là một trong những lãnh đạo chủ yếu của phong trào vận động Dương vụ. Ông là người sáng lập ra lực lượng hải quân, cục đóng tàu và cục chế tạo cơ khí Trung Quốc. Lý Hồng Chương làm quan trải qua nhiều trọng chức, trong đó có chức Bắc Dương thông thương đại thần, Văn Hoa điện đại học sĩ.

(3), (4), (6) Theo: Vương Chí Cường, (2011). "Nghiên cứu nhận thức và sách lược của Lý Hồng Chương về vấn đề Việt Nam (1881 - 1886)". Luận án Tiến sĩ Sử học, Đại học Sư phạm Đông Bắc, Trung Quốc, tháng 5/2011 (tiếng Trung), tr. 61-63.

(5) Chỉ việc thân mẫu của Lý Hồng Chương qua đời. Lý Hồng Chương phải xin nghỉ để về quê chịu tang.

(7), (8) Nguyễn Thuật soạn, Trần Kinh Hòa biên chú, 1980. Vãng Tân nhật kí, NXB. Đại học Trung văn, Hồng Kông, tr. 49, 56 (tiếng Trung).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm