Chi tiền tỷ thu hút giáo sư về dạy ở trường THPT chuyên: Không phù hợp!

Mạc Doanh

(Dân trí) - Hòa Bình là tỉnh thứ 2 trong cả nước có ý tưởng chi tiền tỷ thu hút các GS,PGS về công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh. Có thể thấy, giữa chính sách và thực tế có độ "vênh" không nhỏ.

Chi tiền tỷ thu hút giáo sư về dạy ở trường THPT chuyên: Không phù hợp! - 1

Học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên năm học 2021 - 2022 (Ảnh: MD).

 Năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 02 về việc "Quy định một số chế độ chính sách đối với trường THPT Chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với THCS) cấp quốc gia, khu vực, quốc tế".

Theo đó, có rất nhiều chính sách nhằm thu hút giáo viên chất lượng, ưu đãi với giáo viên công tác ở trường. Đặc biệt, các thầy cô có học hàm giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) hoặc Tiến sỹ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có diện tích khoảng 70 m2).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên đến nay trường THPT chuyên Bắc Ninh chưa có GS hay PGS nào về công tác. Nguyên nhân được lý giải là do những môn học trường cần thì không có ứng viên, còn những môn học trường đã có đội ngũ giáo viên cứng thì lại có ứng viên muốn về. Chính vì sự vênh nhau giữa cung và cầu này nên dù chính sách đãi ngộ được coi là hấp dẫn nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình vừa trình lên HĐND tỉnh dự thảo nghị quyết thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường THPT chuyên với nội dung hỗ trợ 1 tỷ đồng cho Giáo sư, Phó giáo sư và 300 triệu đồng cho tiến sĩ cam kết công tác trong 10 năm lại xới lên sự quan tâm và có rất nhiều tranh luận trái chiều.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng các GS, PGS về trường THPT chuyên công tác sẽ bị vướng từ chính sách đến thực tế. Đầu tiên là quy định vị trí việc làm. Luật Giáo dục 2019 quy định GS, PGS là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đáp ứng tiêu chuẩn do cơ sở giáo dục ĐH bổ nhiệm.

Tiếp theo, khi về biên chế ở trường phổ thông thì GS đã từ bỏ chức danh được trường ĐH bổ nhiệm, trong khi trường phổ thông không có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh GS.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích GS, PGS là những người nghiên cứu chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó nên việc giảng dạy tại trường phổ thông là không phù hợp.

Nếu muốn thu hút đội ngũ GS, PGS, các địa phương có thể mời họ thỉnh giảng cho học sinh để nâng cao chất lượng đào tạo, thay vì tuyển GS, PGS về làm giáo viên.

Ngay cả các trường THPT chuyên trực thuộc trường ĐH cũng đang có xu hướng "thoát ly" dần sự phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên là tiến sĩ, PGS, GS của chính các trường ĐH "mẹ". Đơn cử  như trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội có thể nói là trường chuyên trực thuộc ĐH sớm nhất cả  nước. Nhưng đến thời điểm hiện tại, theo TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Nhà trường, đội ngũ giáo viên cơ hữu là PGS, GS từ trường ĐH không còn, chỉ có một số giảng viên thỉnh giảng.

Việc thu hút GS, PGS về trường chuyên ở các tỉnh là không phù hợp với thực tế hiện nay bởi không phải người nào khi về dạy ở trường chuyên cũng tốt hơn giáo viên phổ thông.