Cảnh báo sai lầm thường mắc phải trong ứng xử với bạo lực học đường

PGS.TS Trần Thành Nam

(Dân trí) - PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm về cách ứng xử cần thiết của nhà trường, gia đình với các vụ việc bạo lực học đường.

Nhân vụ việc đau lòng nữ sinh ở Nghệ An tự sát nghi do là nạn nhân của bạo lực học đường, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải nhìn lại trách nhiệm của các bên để phòng tránh những sự kiện tương tự có thể tiếp tục xảy ra gây ra những hậu quả không thể đảo ngược như thế này.

Người lớn cần ý thức rằng các nạn nhân của bạo lực học đường chịu rất nhiều áp lực tâm lý. Các em trải nghiệm cảm xúc tự ti, bất an, cô lập, lo lắng và ức chế.

Cảnh báo sai lầm thường mắc phải trong ứng xử với bạo lực học đường - 1

Bạo lực học đường gia tăng trong thời gian gần đây khiến dư luận lo ngại (Ảnh minh họa: C.M.H).

Những kẻ bắt nạt sẽ luôn tìm cách gia tăng áp lực và đe dọa phải giữ bí mật về hành vi bắt nạt vì vậy việc các em tiết lộ việc bị bắt nạt với cha mẹ và giáo viên, người lớn cần thể hiện sự tin tưởng và có kế hoạch hỗ trợ một cách có cân nhắc nếu không sẽ làm tình huống trở nên tồi tệ hơn.

Trên thực tế, nhiều gia đình và nhà trường đã không ứng xử với sự cẩn trọng và trách nhiệm cần thiết. Họ có thể tin rằng việc gặp kẻ bắt nạt nói vài câu hòa giải hoặc chỉ trích trừng phạt, thậm chí chuyển kẻ bắt nạt đi nơi khác là xong.

Không phải như vậy, nhiều khi cách làm nửa vời đó chỉ làm cho kẻ bắt nạt thêm ấm ức và quá trình bắt nạt đi vào bí mật với nhiều hành vi leo thang hơn. Nhà trường chỉ làm việc với kẻ bắt nạt cũng không giải quyết được vấn đề. Nếu bên cạnh người cầm đầu còn rất nhiều người a dua, hùa theo trong một nhóm thì ngay cả khi kẻ cầm đầu bị quản thúc, người bị bắt nạt vẫn tiếp tục chịu những hành vi bắt nạt của bạn bè kẻ bắt nạt.

Điều này làm cho nạn nhân cảm thấy tuyệt vọng không còn lối thoát. Thấy hối hận vì mình đã nói ra sự việc cho cả gia đình, cả nhà trường mà cũng không ai có thể giúp mình. Ngược lại, còn khiến cho tình hình của mình trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những suy nghĩ, diễn biến tâm lý như vậy có thể là những cú hích cuối cùng dẫn đến những lựa chọn rất cực đoan là kết thúc cuộc sống của mình từ các bạn trẻ.

Quy trình hỗ trợ đúng sẽ phải bao gồm việc tin tưởng vào những tiết lộ và ngay lập tức có hành động bảo vệ nạn nhân. Ví dụ cách ly nạn nhân khỏi mối nguy bị bắt nạt cho đến khi chắc chắn về việc hành vi bắt nạt sẽ không tái diễn; Lắng nghe và cung cấp các giải pháp bảo vệ cụ thể để trấn an học sinh về sự an toàn của họ.

Gia đình có thể cam kết sẽ đưa đón con tới trường trong khoảng thời gian khủng hoảng tâm lý, hỗ trợ con để đảm bảo không bị quấy rối và bắt nạt trên mạng xã hội; Khuyến khích các em đến gặp nhà tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ quản lý hành vi cảm xúc, sàng lọc nguy cơ tự sát; Báo cáo sự việc cho các nhà trường, gia đình thủ phạm, các cơ quan chức năng (nếu cần thiết) để yêu cầu sự hỗ trợ và cùng nhau thống nhất về các biện pháp hành động để đảm bảo các hành vi bạo lực không leo thang và phải được chấm dứt.

Chúng ta cần lưu ý rằng với các vụ việc bạo lực học đường, không chỉ nạn nhân cần được tham vấn hỗ trợ để hồi phục về mặt tâm lý và học các chiến lược tự bảo vệ, ứng phó phù hợp với kẻ bắt nạt mà cũng cần hỗ trợ cả thủ phạm và những người a dua. Họ cần được giáo dục tâm lý về sự thấu cảm, chiến lược lựa chọn hành vi và hậu quả của hành vi. Việc giáo dục tâm lý kết hợp với việc đưa ra những hình phạt nếu cần để kết quả là các bản cam kết về hành vi ứng xử thân thiện trong tương lai.

Không những thế, phụ huynh của những thủ phạm bạo lực cũng phải được tham gia vào các buổi thảo luận về việc làm cha mẹ và chiến lược quản lý hành vi của con. Còn đối với phụ huynh của các em là nạn nhân của bạo lực cần được trao đổi để nhận diện sớm các nguy cơ bất ổn về tâm lý, những dấu hiệu sớm của hành vi tự hại hoặc tự tử cũng như những cách lắng nghe, tiếp cận, đặt câu hỏi phù hợp để hỗ trợ con vượt qua giai đoạn khó khăn của cảm xúc.

Có lẽ, đây là một tình huống để các nhà trường một lần nữa phải lập tức rà soát, thiết lập lại một kế hoạch để phòng ngừa và ứng phó với bắt nạt và bạo lực ở trường; củng cố lại các quy tắc ứng xử quy định hành vi chấp nhận và không thể chấp nhận trong nhà trường, cũng như các biện pháp kỷ luật tương ứng; thiết lập một hệ thống gửi khiếu nại về các hành vi liên quan đến bắt nạt và bạo lực; đưa ra một quy trình chi tiết từ việc nhận khiếu nại đến xử lý người bắt nạt và hành vi bắt nạt một cách khoa học; phê duyệt một quy trình sơ cứu tâm lý và hỗ trợ nạn nhân của bắt nạt tái hòa nhập lại môi trường học tập một cách an toàn.

Chúng ta cần nghiên cứu để sớm xây dựng và đưa vào đào tạo cho giáo viên và học sinh một khóa đào tạo phòng chống bắt nạt và bạo lực học đường theo cấu trúc đã được nhiều chương trình phòng ngừa bắt nạt thành công trên thế giới.