Cảm phục những cô giáo luôn nhẫn nhịn, chăm sóc những "đứa con" đặc biệt

(Dân trí) - Đó là những người thầy, người cô có tấm lòng cao đẹp, đã không quản khó nhọc, kiên trì nỗ lực dìu dắt những học sinh thiếu may mắn vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.

Cô giáo như “mẹ hiền”

Đến thăm cô và trò tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (đường Lý Chính Thắng, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), chúng tôi đã cảm nhận không khí học tập, tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì những “đứa con” thân yêu của các thầy, cô giáo tận tâm với nghề ở nơi đây.

Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề và đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn lao, vất vả và gian khổ cực nhọc hơn rất nhiều. Các “mẹ hiền” ở trường chuyên biệt phải có một ý chí, nghị lực phi thường và trên hết phải có tấm lòng yêu thương cao cả thì mới có thể bám trụ được với nghề. Niềm hạnh phúc của nhà giáo dạy trẻ khuyết tật là giúp cho học sinh lạc quan, tự khẳng định bản thân, có niềm tin vào cuộc sống và có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Hơn 15 năm trong nghề dạy học cũng là từng ấy thời gian cô giáo Võ Thị Trâm (SN 1982) gắn bó với học sinh khuyết tật tại nơi đây. Nhớ lại ngày đầu dạy dỗ những “đứa con” đặc biệt này, cô Trâm cho biết khi mới bước vào giảng dạy, chị thật sự lo lắng và không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Nhiều em lớp chị phụ trách tuy đã lớn nhưng chưa biết tự đi vệ sinh, mặc quần áo, ăn uống, một số em nhận thức còn hạn chế, không làm chủ được hành vi của mình, hay chạy nhảy lung tung, la hét, không hiểu “khẩu lệnh” của cô giáo và rất chậm trong việc tiếp thu bài học…

“Khó khăn như vậy đó nên tôi đã dành thời gian tham khảo kinh nghiệm từ các đồng nghiệp khác, đồng thời xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phù hợp với từng em. Tôi phải dạy từng em cách làm chủ hành vi như thế nào cho đúng và kỹ năng “tự lực” để các em có khả năng tự phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày”, cô giáo Trâm chia sẻ.

Cảm phục những cô giáo luôn nhẫn nhịn, chăm sóc những đứa con đặc biệt - 1

Một tiết học múa đầy hứng thú trong lớp học của cô Trâm (ngoài cùng bên trái).

Trong các tiết dạy, cô giáo Trâm thường sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan, vừa dạy, vừa tổ chức trò chơi để các em thoải mái, hứng thú với việc học. Cứ như vậy, số học sinh khuyết tật được cô Trâm giảng dạy, đa phần các em đã biết tự đi vệ sinh, xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, biết ngồi yên trong lớp, hợp tác với giáo viên trong học tập... Đây chính là kết quả bước đầu, là động lực giúp cô giáo như chị Trâm gắn bó với nghề, dìu dắt những trẻ kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.

“Tôi thương các em học sinh của mình giống như thương con ruột của mình vậy thôi. Những đứa con ở đây mang đến cho tôi niềm vui và ý nghĩa để tôi càng yêu nghề của mình nhiều hơn”, cô Trâm bày tỏ.

Còn cô Hồ Thị Mỹ Dung (34 tuổi) chủ nhiệm lớp 1 KT, cho biết với mỗi em học sinh ở lớp cô, với mỗi dạng tật khác nhau thì cô lại gặp những khó khăn đặc thù khác nhau. Những em tự kỷ thì cô phải quản lý hành vi của các em chặt chẽ hơn, những em chậm thì quá trình học sẽ kéo dài hơn, còn đối với học sinh khiếm thính thì phải học cách để mình giao tiếp, trò chuyện với các em, bởi vì trở ngại với các em là vấn đề về giao tiếp.

“Công việc của chúng tôi đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, phải vừa là người mẹ, người bạn cùng học, cùng ăn, cùng chơi với trẻ và đặc biệt là phải có tình yêu thương các em, coi các em như con ruột của mình mà quan tâm, chăm sóc”, cô Dung tâm sự.

Cảm phục những cô giáo luôn nhẫn nhịn, chăm sóc những đứa con đặc biệt - 2

Một giờ học ngôn ngữ sôi nổi trong lớp của cô Mỹ Dung

Tận tâm với nghề

Qua lớp bên cạnh, chúng tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Diễm My (33 tuổi) đang miệt mài hướng dẫn các học sinh thực hiện hoạt động tự uống nước bằng ly. Hết em này chị lại cầm tay em khác để hướng dẫn, cứ thế người “mẹ hiền” chăm “đàn con” của mình từng li từng tí.

Cô My được đào tạo chuyên ngành Giáo dục đặc biệt và có thâm niên hơn 4 năm gắn bó với học sinh khuyết tật. Chị được nhà trường phân công giảng dạy lớp các em chậm phát triển.

Cảm phục những cô giáo luôn nhẫn nhịn, chăm sóc những đứa con đặc biệt - 3

Cô Diễm My đang miệt mài hướng dẫn các học sinh thực hiện hoạt động tự uống nước bằng ly

Cô My cho biết, trước đây gia đình chị luôn ngăn cản chị dạy ở đây vì sợ sau này lấy chồng sinh con sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng bằng tình yêu thương với những đứa trẻ kém may mắn, chị My đã kiên trì thuyết phục gia đình để họ hiểu ra và có suy nghĩ khác về công việc chị đang làm.

“Giờ gia đình tôi đã suy nghĩ khác đi rồi, họ còn là động lực để tôi có thể yên tâm chăm sóc những “đứa con”đặc biệt này”, chị Diễm My vui vẻ nói.

Lớp học của cô My là lớp mầm non, những đứa trẻ khuyết tật ở đây chậm phát triển hơn những đứa bình thường đồng trang lứa khác. Chỉ một kỹ năng nhỏ nhưng cô giáo My cũng phải dạy đi dạy lại mất nhiều tháng các em mới làm được. Có em đã học được cách tự ăn, nhưng cũng có em đến cách cầm ly uống nước cũng đã mất gần 1 tuần để dạy.

Với tình cảm đặc biệt với những đứa trẻ khuyết tật, cô My luôn tạo cảm giác gần gũi, nhẫn nại dạy trẻ từ những việc nhỏ nhất, đồng thời cũng biết lắng nghe, quan tâm, chia sẻ như một “người mẹ” thứ hai.

Ở ngôi trường đặc biệt này, không chỉ có những “người mẹ” mà còn có những “người cha” luôn đồng hành cùng các con trong hành trình hòa nhập với cộng đồng.

Cảm phục những cô giáo luôn nhẫn nhịn, chăm sóc những đứa con đặc biệt - 4

Cô giáo Lê Thị Kim Thoa (26 tuổi) đang kèm cặp một học sinh làm toán

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Đỗ Trọng Tư (35 tuổi, giáo viên Thể dục của trường) cho biết, khi mới đến Trung tâm, đa phần các em đều có những hoàn cảnh đặc biệt riêng. Nhiều em vì gia đình đổ vỡ mà rơi vào tự kỷ, cứ thế tới trường là lại ra góc ngồi chơi một mình, những lúc đó thầy Tư như đóng vai một người bạn chơi cùng với các em.

Tuy vất vả, khó khăn nhưng nhìn các em tiến bộ mỗi ngày, những người “lái đò” ở đây lại cảm thấy ấm lòng. Dạy học sinh bình thường tiếp thu bài học là việc khó, với những học sinh khuyết tật lại càng khó hơn gấp bội phần. Chúng tôi thật sự thấy cảm phục và biết ơn tấm lòng của các thầy, cô giáo đã quan tâm chăm sóc, dạy dỗ học sinh khuyết tật.

Mong rằng các thầy, cô giáo luôn có thật nhiều sức khỏe, luôn tận tâm với nghề, tiếp tục dìu dắt những học sinh kém may mắn vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.