Đà Nẵng:
Chuyện về những cô giáo mất cả tháng mới dạy được chữ A cho học sinh
(Dân trí) - Phải có tình yêu thương, sự kiên nhẫn, các cô giáo ở Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng mới có thể gắn bó với các em học sinh ở đây.
“Học một chữ A, mất cả tháng mới nhớ”
Một buổi sáng giữa tuần, vừa bước vào Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng cơ sở 3, chúng tôi đã nghe thấy tiếng ê a của các em nhỏ. Người đang đứng lớp cần mẫn dạy từng chữ cho các em là cô Nguyễn Thị Kim Yến (sinh năm 1969).
Cô Yến là người đã gắn bó với các em ở Trung tâm 11 năm nay. Công việc của cô Yến là chăm sóc, dạy chữ và dạy một số kỹ năng cơ bản cho các em học sinh.
“Các em ở đây là những em bị khuyết tật, trí não kém phát triển nên giao tiếp rất chậm, không biết tự phục vụ bản thân, có em 10 - 15 tuổi nhưng nhận thức như đứa trẻ 3 - 4 tuổi. Khi mới đến đây, các em hầu như không biết gì nên mình phải bày, dạy từng chút một”, cô Yến cho biết.
Trước đây, cô Yến làm công nhân cho một công ty hóa chất, một công việc chẳng liên quan gì để nuôi dạy trẻ. Vì vậy, đến làm việc và gắn bó lâu năm với các em học sinh ở Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng theo như cô Yến nói là một cái “duyên”.
Theo cô Yến, để dạy các em học được một chữ cái hay làm được một việc gì đó là cả một quá trình dài của cả cô và trò. Với một bài múa, đối với trẻ bình thường chỉ cần khoảng 1 tuần nhưng với các em ở đây cần mất 3 tháng. Để các em nhớ được chữ A, cô Yến cũng mất cả tháng trời kiên nhẫn dạy đi dạy lại.
“Muốn gắn bó với các em học sinh ở đây, các cô giáo phải là người có tâm, có tình yêu và sự kiên nhẫn mới làm được”, cô Yến chia sẻ.
Gắn bó Trung tâm đã được 5 năm, cô giáo Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1969) được giao phụ trách dạy may cho các em học sinh. Cũng giống như cô Yến, công việc của cô Lan cũng rất cần sự kiên nhẫn và tình yêu thương đối với trẻ bởi các em ở đây cứ "dạy trước" là "quên sau".
Vất vả, kiên nhẫn để dạy cho các em từng một chút, vì vậy, niềm vui của các cô giáo ở đây là khi nhìn các em học sinh tiến bộ mỗi ngày, làm được việc nọ, việc kia.
“Nhiều phụ huynh gọi điện: Cô ơi, hôm nay cháu biết nhặt rau, cháu biết quét nhà, cháu biết trông em… Thấy phụ huynh mừng mà mình cũng mừng”, cô Lan chia sẻ.
Cảm nhận được tình yêu thương nên các em học sinh rất yêu quý cô giáo và thích đi học. Hôm nào cô nghỉ ốm thì sáng hôm sau lên các cháu chạy đến ôm, rồi hỏi han đủ thứ.
Để đáp ứng được nhu cầu việc chăm sóc và dạy các em, các cô giáo ở Trung tâm thường xuyên được tập huấn chăm sóc trẻ khuyết tật. Bản thân các cô cũng tự mình nghiên cứu thêm giáo án của các trường dạy trẻ khuyết tật hay tự lên mạng Internet tìm hiểu.
Phải là người rất có tâm mới trụ lại được
Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng cơ sở 3 hiện có 60 học sinh đang theo học, chủ yếu từ độ tuổi 9 - 17.
Hàng ngày, các em được xe của Trung tâm đón từ nhà đến Trung tâm vào đầu buổi sáng và chở về nhà vào cuối buổi chiều. Ở Trung tâm, các em được học kỹ năng giao cơ bản như: chào hỏi người lớn, vệ sinh cá nhân, làm việc nhà, mùa nào thì mặc áo gì… Các em được tập thể dục, ca hát, tham gia các hoạt động văn nghệ. Ngoài ra, các em còn được học chữ và học nghề (nghề may, làm hoa và làm nhang).
“Do đặc thù công việc ở Trung tâm là chăm sóc và dạy trẻ đặc biệt nên vất vả, trong khi đó lương của các cô giáo ở đây rất thấp, bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.
Một số người vào làm việc được một thời gian thì nghỉ. Chỉ có những người tâm huyết, thật sự yêu thương trẻ mới trụ lại được đây”, ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết.
Cô Yến chia sẻ, lúc mới vào làm ở Trung tâm, cô cũng những đắn đo, suy nghĩ làm sao đủ để sống với mức lương như vậy. Tuy nhiên, gắn bó với các em, hiểu được tính cách, hoàn cảnh của từng em, cô lại không muốn rời xa. Một số trường mầm non biết cô có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ mời về nhưng cô vẫn quyết ở lại với các em học sinh nơi này.
Với suy nghĩ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, mặc dù đi làm xa hơn 10 cây số và mức lương thấp nhưng cô Lan vẫn gắn bó với Trung tâm nhiều năm để được yêu thương, chỉ bảo, dạy dỗ cho những học sinh đặc biệt ở nơi này.