Các nhà khoa học Việt ứng dụng Toán học trong ứng phó với Covid-19

Mai Châm

(Dân trí) - Các quá trình truy vết, xét nghiệm, phân phối vaccine, dự báo tốc độ lây lan, hậu cần trang thiết bị y tế, đánh giá tác động … đều cần đến sự hỗ trợ của các công cụ mô hình hóa Toán học.

Diễn đàn Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (FMfI 2021) là nơi các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau trong Toán học chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức liên quan tới ứng dụng Toán học trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Khởi đầu  từ sáng kiến của Trường đại học Kyushu, Nhật bản nhằm tạo một diễn đàn để trao đổi ý tưởng giữa các nhà nghiên cứu về Toán từ năm 2010.

Diễn đàn Toán trong công nghiệp đã trở thành một hội nghị thường niên, có lịch sử hơn 10 năm. Được tổ chức tại các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, gần đây nhất ở Thượng Hải, Trung Quốc (2018), Auckland New Zealand (2019) với các chủ đề trọng tâm khác nhau trong ứng dụng Toán học. Do ảnh hưởng của Covid-19, Diễn đàn năm 2020 không được tổ chức.

Năm 2021, Viện Nghiên cứu cao cấp Toán (Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản và Liên minh Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn diễn ra ngày 13-16/12/2021. Diễn đàn được tổ chức kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các nhà khoa học Việt ứng dụng Toán học trong ứng phó với Covid-19 - 1

PGS. TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán nói về Diễn đàn Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, Diễn đàn dành toàn bộ phiên buổi sáng ngày 15/12 cho chủ đề "Mathematics of Covid-19" (Toán học của Covid-19) dành cho các nghiên cứu mới nhất ứng dụng Toán học, thống kê và khoa học dữ liệu trong việc phòng và chống đại dịch Covid-19. Các quá trình truy vết, xét nghiệm, phân phối vaccine, dự báo tốc độ lây lan, hậu cần trang thiết bị y tế, đánh giá tác động … đều cần đến sự hỗ trợ của các công cụ mô hình hóa Toán học.

PGS. TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết rằng, những ứng dụng của Toán học trong cuộc sống là không có giới hạn. Ông Hà giới thiệu về việc ứng dụng Toán học về xác xuất thống kê, dữ liệu, cùng với xây dựng mô hình vào việc đối phó với dịch bệnh Covid-19 của các nhà khoa học Việt Nam.

"Trong khuôn khổ của Diễn đàn có rất nhiều chủ đề khác nhau, có các ứng dụng Toán học trong nền kinh tế số như là ứng dụng Toán học trong tài chính, nghiên cứu chế tạo robot, xe không người lái... Các đại biểu đến từ 14 quốc gia sẽ thay phiên nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng Toán học", Ông Hà nói.

Tham gia Diễn đàn này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Doanh (Đại học Thủy lợi) là một trong số các nhà khoa học về Toán tham gia lực lượng phòng và chống Covid-19. Ông cho biết công việc của ông cùng các đồng sự là thống kê, tính toán dựa trên số liệu y tế được cung cấp, qua đó đưa ra đánh giá tác động của dịch bệnh, xây dựng các kịch bản dự báo để ứng phó với Covid-19 trong những điều kiện cụ thể.

Các nhà khoa học như ông Doanh đã làm việc tình nguyện trong nhiều tháng ròng, cùng đồng hành với lực lượng y tế và các lực lượng chức năng khác, góp phần giúp đất nước chống lại dịch bệnh Covid-19.

Các nhà khoa học Việt ứng dụng Toán học trong ứng phó với Covid-19 - 2

Khai mạc Diễn đàn Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội sáng 13/12.

Bên cạnh chủ đề "nóng" được quan tâm là Toán học của Covid-19, Diễn đàn Toán trong Công nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương còn tập trung vào thảo luận, giải quyết các vấn đề thời sự của nền kinh tế số thông qua ứng dụng các giải pháp Toán học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế Chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như: công nghệ thông tin truyền thông; các ngành liên quan tới công nghệ kỹ thuật số; các ngành công nghiệp truyền thống đang chuyển đổi sang công nghệ kỹ thuật số.

Ban Chương trình của Diễn đàn do GS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán làm Chủ tịch, cùng một số các nhà khoa học hàng đầu của Nhật bản, Australia, New Zealand… Trong đó, có 3 nhà khoa học Việt Nam là GS. Nguyễn Xuân Hùng (Trường Đại học Công nghệ TP HCM), PGS. Vũ Hoàng Linh (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và GS. Vũ Hà Văn (Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Vingroup).

Các báo cáo tham dự Diễn đàn là của các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Chile, Israel, Thụy sĩ, Hungary, Nhật bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, tập trung vào một số chủ đề thời sự như học máy, khoa học dữ liệu, tối ưu hóa, an ninh thông tin, chuỗi khối, toán mô hình, tài chính, dữ liệu lớn... và các ứng dụng trong thực tế. 

Một trong những hoạt động truyền thống của Diễn đàn là phiên trình bày poster dành cho sinh viên, học viên sau đại học và các nhà khoa học trẻ. Mỗi người trình bày sẽ có một khoảng thời gian rất ngắn để tóm lược ý tưởng chính nghiên cứu của mình. Ban tổ chức sẽ có các giải thưởng dành cho báo cáo poster hay nhất.

Với thời gian 4 ngày, Diễn đàn đã thu hút được gần 30 báo cáo mời có chất lượng của các học giả có uy tín ở Việt Nam và trên thế giới và hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên quan tâm đăng ký tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn là cơ hội để các nhà nghiên cứu chia sẻ những thành tựu của Toán học trong quá trình hình thành và phát triển của nền kinh tế số, ngoài ra Diễn đàn cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Ứng dụng Toán học, thúc đẩy sự phát triển của Toán trong công nghiệp, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.