Bức tranh giáo dục đại học năm 2022

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Năm 2022, giáo dục đại học có nhiều chuyển biến tích cực trong các vấn đề tự chủ đại học, kiểm định chất lượng, hội nhập quốc tế, nghiên cứu khoa học…

Trả lời phỏng vấn Dân trí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT nhận định, năm 2022, dù vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng hệ thống giáo dục đại học đã rất cố gắng và đạt được các kết quả đáng khích lệ.

Nhiều chuyển biến tích cực

Về tự chủ đại học, theo PGS Thủy, đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%) theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Trong đó, có 36/36 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng trường.

Việc thành lập Hội đồng trường tại các trường trực thuộc Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%. Có 15 cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường.

Bức tranh giáo dục đại học năm 2022 - 1

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT (Ảnh: Mạnh Quân).

PGS Thủy cho biết, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa, nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết cơ sở giáo dục đại học.

Các trường cũng đã chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính; thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.

Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ.

Bên cạnh mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường tích cực điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.

Cũng theo bà Thủy, năm 2022, các trường đã tập trung tăng cường giải pháp quản lý để bảo đảm và gia tăng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Cụ thể, chủ động rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng của ngành và chương trình đào tạo, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu và đúng tiêu chuẩn, phù hợp với chuẩn chương trình, quy mô đào tạo.

Ngoài ra, quan tâm xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, tập trung phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

Việc kiểm định chất lượng cũng được quan tâm, số lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận tăng khá mạnh mẽ.

Tính đến ngày 31/10/2022, có 238 cơ sở giáo dục đại học đã kiểm định chu kỳ 1 (trong đó có 44 trường đã kiểm định chu kỳ 2) và 28 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. 569 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ GD&ĐT ban hành.

Xét trên chuẩn nước ngoài, có 7 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và Giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA; 368 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.

Việt Nam cũng ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới và khu vực như các bảng xếp hạng của THE, QS World University Rankings.

Về vấn đề hội nhập quốc tế và nghiên cứu khoa học, bà Thủy nhận định, các trường đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế; phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất lượng với đối tác nước ngoài, rà soát các chương trình liên kết đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy định, chú trọng lựa chọn các đối tác có uy tín tốt.

Đồng thời, tích cực hợp tác, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế và tài sản trí tuệ khác tăng nhanh qua các năm. Nhiều đề tài, nhiệm vụ đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho các ngành công nghiệp, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học trên toàn quốc dần đi vào thực chất.

Về công tác tuyển sinh, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, năm 2022, lần đầu tiên toàn bộ quy trình đăng ký tuyển sinh, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý lọc ảo chung trên hệ thống.

Bức tranh giáo dục đại học năm 2022 - 2

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các cơ sở đào tạo công bố.

"Điều này mang lại những kết quả tích cực. Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực. Các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất.

Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các trường tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố. Bộ GD&ĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả cơ sở đào tạo, phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đồng thời hỗ trợ các trường điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.

Công tác tuyển sinh là điểm sáng nổi bật đã được Chính phủ ghi nhận và báo cáo trước Quốc hội kỳ họp vừa qua", PGS Thủy cho hay.

Cũng theo bà Thủy, điểm tích cực khác của giáo dục đại học năm 2022 là chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học được Bộ GD&ĐT và các trường tăng cường mạnh mẽ.

Theo đó, chúng ta đã triển khai xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học phục vụ công tác báo cáo, thống kê, dự báo và các hoạt động quản lý giáo dục đại học; tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông; triển khai các giải pháp thu học phí không dùng tiền mặt.

Các trường chủ động tăng cường những điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Đồng thời, triển khai hệ thống quản trị cơ sở đào tạo, hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, dần kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học; tích hợp các dịch vụ trực tuyến và kết nối cơ sở dữ liệu HEMIS của Bộ.

Vẫn còn hạn chế trong thực hiện tự chủ đại học, kiểm định chất lượng

Bên cạnh những điểm tích cực, PGS Thủy cho rằng năm 2022, bức tranh giáo dục đại học vẫn còn một số điểm hạn chế.

Cụ thể, việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học còn chưa đồng bộ.

Điều này dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, đặc biệt là vấn đề thành lập Hội đồng trường, quan hệ giữa Hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GD&ĐT mới ban hành còn có lúng túng nhất định, đặc biệt là triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Vấn đề kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình triển khai cũng còn chậm; công tác tuyển sinh có những điểm mới truyền thông chưa thực sự kịp thời.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học, tổ chức tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, 2 năm khó khăn do dịch bệnh Covid-19 cũng là 2 năm giáo dục đại học triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với rất nhiều công việc.

Với những khó khăn đặt ra, hệ thống đại học đã nỗ lực, cố gắng để khắc phục khó khăn và triển khai đổi mới toàn diện.

Đặc biệt, năm học 2021-2022 là năm hệ thống đại học đã triển khai các nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả, có sự gia tăng đáng kể về cơ cấu, số lượng ngành nghề đào tạo, phát triển thêm một số trường đại học, làm cho hoạt động đào tạo phong phú, đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đa dạng của đất nước.

Ngoài ra, trong một năm khó khăn nhưng các trường đại học Việt Nam vẫn giữ vững hoặc gia tăng chỉ số xếp hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế.

"Nhìn từ góc độ chất lượng, từ những thông tin thông qua việc kiểm định trong nước, quốc tế; thông qua thanh kiểm tra, qua đánh giá của người tuyển dụng, có thể thấy hoạt động giáo dục đại học dần đi vào thực chất, thực lực ở cả đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đó là những dấu hiệu đáng mừng", Bộ trưởng nhấn mạnh.