Bộ GD-ĐT: Học sinh lớp 1 tự tin khi học chương trình giáo dục phổ thông mới

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1.

Trên đây là đánh giá nhận xét của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học.

Bộ GD-ĐT: Học sinh lớp 1 tự tin khi học chương trình giáo dục phổ thông mới - 1

Học sinh lớp 1 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: M. Hà). 

Học sinh lớp 1 tự tin, mạnh dạn

Đây là năm đầu tiên, lứa học sinh lớp 1 được áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới (hay còn gọi là CT GDPT 2018) "tốt nghiệp".

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại một số địa phương trước đó, học sinh áp dụng Chương trình mới vài tháng đầu còn gặp nhiều bỡ ngỡ nhưng sau đó, cô trò sớm bắt kịp tiến độ. Học sinh mạnh dạn và tự tin hơn.

Năm học 2020-2021 toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục phổ thông cấp tiểu học với 16.323 điểm trường, giữ ổn định so với năm học trước. Tỷ lệ phòng học/lớp đạt trung bình cả nước là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 (0,75%) phòng.

Chẳng hạn ở một số giờ học theo chủ đề, học sinh được mời lên bảng, đóng vai nhân vật để trải nghiệm, từ đó rút ra bài học.

Một số giáo viên dạy lớp 1 cho biết, khác trước đây, khi gọi lên bảng em nào cũng e dè. Ở chương trình mới, học sinh cọ xát nhiều hơn, việc thử nghiệm đóng vai nhân vật trong bài học "trơn tru" hơn.

Thay vì đọc chép như trước, việc học sinh chủ động tiếp cận bài học như thế này, là một trong những đặc điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đánh giá tổng kết của Bộ GD-ĐT, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

Trong quá trình dạy học, một số ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa, giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn đã chủ động trao đổi để lựa chọn ngữ liệu tương đương, quen thuộc, gần gũi với đời sống và giảng dạy cho học sinh.

Bộ GD-ĐT cũng kịp thời chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để hỗ trợ giáo viên khắc phục khó khăn trong quá trình sử dụng.

Theo đó, sách giáo khoa lớp 1 của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều đã có một số chỉnh sửa, được hiệu đính để chất lượng được tốt hơn.

Để đảm bảo tính liên thông giữa các lớp vẫn đang học chương trình cũ với học sinh đã học chương trình mới, Bộ GD-ĐT đã có các điều chỉnh, bổ sung các hình thức lồng ghép, tích hợp để đáp ứng chương trình lớp 6 sẽ được dạy theo chương trình mới từ năm học 2021-2022 này.

Bộ GD-ĐT: Học sinh lớp 1 tự tin khi học chương trình giáo dục phổ thông mới - 2

Thay vì đọc- chép, học sinh học chương trình mới được đóng vai các nhân vật trong bài học để trải nghiệm, tự tin hơn (Ảnh: M. Hà). 

Nhiều nơi khó khăn về nguồn tuyển giáo viên

Năm học 2020-2021 đặc biệt với giáo dục Tiểu học khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.

Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9; học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước.

Theo đó, các cơ sở giáo dục Tiểu học cũng tích cực đổi mới, đa dạng hóa hình thức dạy học như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình… nhằm khắc phục tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho học sinh học tập mọi lúc, mọi nơi.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song Bộ GD-ĐT thừa nhận một số tồn tại, hạn chế của giáo dục Tiểu học trong năm học vừa qua. Trong đó, việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến tổ chức thực hiện.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đồng đều, thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai chương trình mới.

Một số địa phương dù đã rất cố gắng nhưng vẫn gặp khó về cơ chế chính sách hoặc điều kiện kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, có nơi khó khăn về nguồn tuyển giáo viên.

Cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và nhu cầu phục vụ học tập khác.

Trong năm học mới, Giáo dục Tiểu học đã đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể cho năm học 2021-2022. Trong đó, cấp học này sẽ tiếp tục triển khai đảm bảo chất lượng chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả chương trình phổ thông cũ từ lớp 3 đến lớp 5.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ…

Rà soát, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học, vẫn là nhiệm vụ vẫn được chú trọng thực hiện trong năm học này.

Cùng với đó, các địa phương tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm