Bí mật xé lòng đằng sau ước mơ "cầm giấy khen" của một bé gái
(Dân trí) - Nhiều lần bị mẹ chửi bới, chì chiết, đứa bé chỉ có một ước mơ duy nhất là "cầm giấy khen" để... mẹ vui.
Chị Lê Diệu Anh, hoạt động trong lĩnh vực cộng đồng về bà mẹ và trẻ em tại khu vực phía Nam kể về câu chuyện đau lòng ngay cạnh nhà mình.
Bé gái hàng xóm đang học tiểu học. Mỗi chiều người mẹ đi làm về nếu không thấy cô bé ngồi ở bàn học là lập tức chị tuôn ra hàng tràng chửi bới con rất kinh khủng. Đứa bé ấy sợ hãi và ứng phó bằng cách canh giờ mẹ sắp về liền... nhảy tót vào bàn học.
Chị Anh từng hỏi bé, vào những ngày cuối tuần hay những lúc rảnh, sao con không học bài trước, rồi khi các bạn chơi, con chơi cùng cho vui. Bé lắc đầu: "Con có học trước, có học xong bài đi nữa thì khi về, mẹ vẫn không cho chơi, vẫn bắt học tiếp thôi".
Chị Diệu Anh đánh giá bé này rất ngoan, biết làm mọi việc trong nhà, gặp bài tập khó là biết tìm sang nhờ chị hướng dẫn.
Bé học rất tiến bộ nhưng riêng môn tiếng Anh chỉ được 7 hay 8 gì đó nên không được giấy khen. Từ năm trước, cháu đã bị mẹ chửi bới, mắng mỏ thậm tệ vì không được giấy khen.
Cháu từng qua nhà khóc với chị Diệu Anh là: "Con đã cố gắng rất nhiều nhưng mẹ không nhìn vào những nỗ lực khác của con, mẹ chỉ nhìn vào điểm tiếng Anh và vào việc con không được giấy khen".
Khi chị Diệu Anh trao đổi với người mẹ về vấn đề của cháu bé, người mẹ đáp: "Biết là nó cố gắng rồi nhưng phải chửi như vậy để nó cố hơn nữa".
Trên tường trong nhà cháu bé, có dán tờ giấy ghi dòng chữ "Cầm giấy khen" đầy màu sắc cùng ít cây cỏ được vẽ trang trí xung quanh. Cháu nói rằng, cháu vẽ ước mơ của mình là một lần được cầm giấy khen để... mẹ vui.
Có lẽ cũng như nhiều đứa trẻ khác, ước mơ của bé gái ấy không xuất phát từ chính mình mà phải dựa vào sắc mặt, lời nói, kỳ vọng của bố mẹ.
Giữa làn sóng bố mẹ khoe điểm con đang rộ khắp mạng xã hội, chị Trần Hồng My, 29 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhắc lại trải nghiệm về điểm số mà chị nhớ mãi đến giờ.
Hồi bé đi học, chị vẫn nghĩ bố mẹ muốn tốt cho tương lai của mình nên luôn ép con học, ép con phải đạt nhiều thành tích. Từ tiểu học chị đã lao vào học, đi học thêm khắp nơi với nung nấu phải đạt điểm thật cao, phải đứng đầu. Khi đó chưa có mạng xã hội để khoe như bây giờ nhưng bố mẹ chị cũng đi khoe với tất cả mọi người.
Nhưng cho đến một học kỳ, do quá căng thẳng nên chị bị rớt hạng nặng. Khi đó, chị bị bố mẹ chửi rủa, xỉ nhục đủ kiểu. Chị nhớ nhất lời của mẹ: "Mày làm tao mất mặt với mọi người. Mày làm tao nhục nhã với tất cả. Mày làm nhục bố mẹ, làm nhục gia đình!".
Đó là khi chị vỡ òa nhận ra tình yêu của bố mẹ không phải dành cho chính bản thân chị. Cao hơn cả đứa con, đó là tình yêu vì thành tích, vì điểm số và vì sĩ diện với người khác...
Sau này, chị tiếp tục bị bố mẹ áp đặt, đòi hỏi và cả chê bai rất nhiều thứ khác trong cuộc sống như về công việc, về tiền bạc, về lập gia đình... Chị My phải vật lộn nhiều năm trời trong căn bệnh trầm cảm xuất phát kỳ vọng, đòi của chính đấng sinh thành.
"Bệnh thành tích đến từ nhiều phía nhưng kinh khủng và đáng sợ nhất là từ phía phụ huynh", chị My rút ra từ chính mình.
Khi đưa phong trào "Design for Change" (Kiến tạo để thay đổi) - phong trào trẻ em lớn nhất thế giới về Việt Nam, nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ, trước các câu hỏi các em bận tâm, trăn trở, mong muốn gì về các vấn đề của thế giới thì trẻ em các nước trả lời rất tự nhiên, rất hiểu biết, rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, đến cộng đồng. Nhưng trẻ em Việt Nam thì không. Hầu hết các em bày tỏ lo lắng về điểm số, chỉ muốn đạt điểm 10 hoặc lên tiếng về việc đang phải học quá nhiều, chỉ thèm có thời gian để chơi điện thoại, iPad.
Tại một chương trình về giáo dục gia đình, cố nhà giáo Trần Đình Dũng, tác giả cuốn sách "Quà của bố" chia sẻ ông từng bị sốc trước niềm tự hào, tình yêu thương của không ít ông bố mà mẹ đối với con mình.
Nhà giáo dục này từng thấy rất nhiều gia đình dán giấy khen của con khắp nơi, dán luôn dưới bàn kính uống nước... Họ đưa giấy khen của trẻ ra giới thiệu, khoe với các vị khách đến thăm với một niềm tự hào tột cùng. Tất cả tình yêu dành cho con của phụ huynh thể hiện qua tình yêu với tờ giấy khen.