Bác Hồ trong suy nghĩ của một giáo sư người Việt ở Mỹ

Hơn 40 năm qua, mặc dù định cư tại nước ngoài nhưng Giáo sư Chung Hoàng Chương vẫn luôn hướng về quê hướng đất nước và dành nhiều tình cảm đối với Hồ Chủ Tịch, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Mặc dù đến Mỹ khi tuổi đời còn rất trẻ, rồi học tập, sinh sống tại đây hơn 40 năm qua, nhưng Giáo sư Chung Hoàng Chương vẫn giữ gìn được đầy đủ phong tục tập quán và bản sắc văn hóa Việt. Ông luôn trăn trở một điều làm thế nào ngay cả khi là công dân Mỹ vẫn không đánh mất bản sắc dân tộc.

 
Bác Hồ trong suy nghĩ của một giáo sư người Việt ở Mỹ - 1
Giáo sư Chung Hoàng Chương. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Bận rộn cả ngày với công tác giảng dạy tại Trường đại học San Fransisco, nhưng Giáo sư Chung Hoàng Chương luôn nhớ về những ngày lễ lớn của dân tộc. Nhắc đến sự kiện kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS. Chung Hoàng Chương bày tỏ: Là một người xa quê hương, bao năm qua tôi luôn hướng về các ngày kỷ niệm trọng đại của Việt Nam, luôn nhớ tới công của một vị lãnh tụ, một người lãnh đạo đã đem đến độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam, đó là Hồ Chủ tịch. Kỷ niệm ngày sinh của Người luôn có ý nghĩa đặc biệt với tôi, bởi Người đã cống hiến cả cuộc đời để đem đến tự do và độc lập cho Việt Nam”.

Giáo sư người Việt Chung Hoàng Chương hiện đang là giảng viên tại trường đại học San Fransisco của Mỹ. Ông đến Mỹ du học từ năm 1968, khi đất nước Việt Nam còn chưa thống nhất.

Với GS. Chương, con người Hồ Chí Minh luôn toát lên chữ Nhân. Chữ Nhân được thể hiện một cách sâu sắc, bền bỉ và có hệ thống trong mọi lời nói, hành động, trong những bài viết và tác phẩm văn chương mà Hồ Chủ Tịch đã để lại.

GS. Chương nói: “Cụ đã để lại ý tưởng của Cụ trong rất nhiều tạp chí, sách, tư liệu. Trong cách viết của Cụ luôn luôn thể hiện sự nhân văn, tình yêu quê hương đất nước. Ví dụ như trong các bài viết của Cụ ở Hồng Kông, khi Cụ bôn ba hải ngoại, hay khi Cụ sang Thái Lan để vận động sự hỗ trợ của những người Việt ở đây thì Cụ luôn đề cập tới vấn đề nhân bản, làm cách nào để quy tụ được lòng dân để có thể đem lại tự do, no ấm cho đất nước”. 

Là giáo sư trường đại học, thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực, GS. Chung Hoàng Chương là người hiểu rõ tư tưởng, những câu nói đúc kết của Hồ Chủ Tịch, những lời căn dặn thể hiện rõ tầm nhìn xa trông rộng của Người. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, Bác Hồ đã nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Mặc dù trải qua nhiều thập kỷ, câu nói này của Bác vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

GiS. Chung Hoàng Chương phân tích: “Hồ Chủ tịch đã nói: Nếu muốn tiến lên và đem lại sự tự do, no ấm thì mình phải luôn nghĩ tới tinh thần dân tộc. Người đã để lại tầm nhìn cho tất cả thế hệ sau, tức là nếu muốn đưa đến sự phồn vinh cho đất nước thì phải trồng người. 120 năm là quãng thời gian của gần 4 thế hệ, và Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong khoảng thời gian ấy. Tư tưởng Hồ Chí Minh cho đến bây giờ vẫn luôn mang tính thời sự. Sự nghiệp trồng người vẫn cần tiếp tục thực hiện theo Tư tưởng của Người”.

Học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS. Chương luôn khuyến khích sinh viên, kiều bào về nước. Ông thường động viên các con mình về tìm hiểu và học hỏi văn hóa Việt. Theo lời khuyên của ông, con trai lớn của ông hiện đang giảng dạy tại Trường đại học San Fransisco đã về Việt Nam học tiếng Việt. GS. Chương luôn tận dụng những chuyến thăm quê hương để giới thiệu với con mình về đất nước, về công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

GS. Chương tâm sự: “Trong những lần về thăm quê hương, tôi thường mang theo con cháu về. Khi thăm những địa danh, các công trình kỷ niệm, các cháu thường hỏi tôi về cuộc đời của Người. Mỗi lần như vậy, tôi vẫn kể cho các cháu nghe những tinh hoa và những đặc điểm của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Các cháu nghe đã rất hâm mộ và nể trọng trước sự hy sinh của Cụ”.

Theo Minh Hiển

VOV