Bà lão nhân hậu và những em bé nghèo mê đi học

Bà tên Lữ Thị Lệ Nương nhưng những đứa trẻ ở phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM quen gọi thân mật là bà Mười. Mười mấy năm nay, nhiều đứa trẻ đã khôn lớn và trưởng thành vẫn không quên bà, vì nhờ bà mà nhiều trẻ em nghèo đã được học chữ, được có cơ hội vươn lên.

Bà Mười và xấp học bạ bà làm cho các em ở lớp học.
Bà Mười và xấp học bạ bà làm cho các em ở lớp học.

Tấm lòng của một người bà  

Năm 1999, tình cờ đi qua trường học, bà Mười thấy mấy em nhỏ đi lượm ve chai đứng lấp ló nhìn vào lớp học, chạnh lòng, bà đến hỏi thăm: “ Con có muốn học không?” thì chúng trả lời: “ Tụi con muốn học lắm!”.

Lúc ấy, ở địa phương có nhóm sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh về dạy học, bà liền đem những em nhỏ này đến đăng ký. Những ngày đầu, những đứa trẻ phải ngồi ngoài đường học "ké" lớp học tình thương, trông thật tội nghiệp. Rồi bà xin cho chúng vào lớp học như các em khác.

Thế rồi, một tháng trôi qua, các bạn sinh viên trở về với giảng đường thì những em nhỏ lại bơ vơ. Đêm đêm, hình ảnh những đứa trẻ nghèo ham học làm bà thao thức mãi. Sau những đêm trăn trở, bà Mười đã tập hợp các em lại, xin một phòng học ở Trung tâm học tập cộng đồng, phường Tân Thuận Tây rồi đi thuê giáo viên về dạy. Lớp học tình thương do một bà lão sáng lập đã ra đời như thế.

Lớp học tình thương do bà Mười thành lập.
Lớp học tình thương do bà Mười thành lập.

Những đứa trẻ vào lớp học của bà Mười đa phần có hoàn cảnh khó khăn, phức tạp. Có đứa cha mẹ làm công nhân hay buôn bán nhỏ lẻ, không đủ tiền cho đến trường công học như bạn bè, có đứa mất cha mẹ hay cha mẹ là thành phần phức tạp. Hầu hết, ngay từ nhỏ, chúng đã phải ra đời sớm mưu sinh, lăn lộn hứng nắng hứng gió cuộc đời. Có em một buổi đi học, một buổi đi bán vé số.

Nhưng những khó khăn ấy vẫn không ngăn cản được lòng khao khát được đi học, được biết chữ của các em.  Em Đỗ Văn Duy- học sinh lớp 3, mỗi ngày đều lội bộ 30 phút từ nhà đến lớp học chữ, tan học lại vội vàng quảy túi đi bán vé số cho kịp. Anh trai của em là Đỗ Văn Tường cũng học lớp bà Mười, năm nay lên lớp 4, cả hai anh em đều đi bán vé số.

“Tại vì khổ quá, không có tiền mà vẫn muốn tụi nhỏ biết chữ nên đem con gửi vào lớp học. Bà Mười còn phát sách vở cho tụi nó học. Bà động viên tụi nhỏ đi học hoài, có hôm tụi nó bệnh, vắng học một buổi là bà sốt ruột chạy xe đạp tới hỏi han”, chị Trần Thị Thu Vân, mẹ của hai em Duy và Tường chia sẻ.

Ở cái tuổi 73, đã yếu với nhiều chứng bệnh già, bà Mười giờ không thể đến lớp để dạy các em học, song bất kỳ chuyện lớn nhỏ nào ở lớp bà cũng biết: Đứa nào hôm nay nghỉ học, đứa nào bệnh, nhà đứa nào đang gặp chuyện vui buồn... Rồi em nào ở đâu, hoàn cảnh ra sao bà cũng đều tường tận.

Điều đáng trân trọng là, tuy chỉ là lớp học tình thương tự phát, thế mà tất cả học sinh ở lớp của bà đều được mua bảo hiểm y tế đầy đủ, một điều mà cha mẹ chúng chưa bao giờ dám mơ tới. Đó cũng nhờ vào sự lan tỏa từ tấm lòng của bà Mười đến với những tấm lòng nhân ái khác, và nhiều người đã âm thầm góp tay cùng bà giúp đỡ các em nhỏ.

Cậu bé ve chai và khát vọng đến trường

Từ lớp học tình thương của bà Mười, các em không chỉ biết chữ, biết đọc biết viết mà còn được thầy cô dạy làm người, để biết lễ phép và yêu thương mọi người chung quanh hơn. Nguyễn Thanh Đạt là một trong số những em học sinh trưởng thành từ lớp học ấy.

Vào đời rất sớm, Nguyễn Thanh Đạt theo mẹ và các anh chị lên Sài Gòn bán vé số khi vừa mới vào lớp 2. Ở dưới quê, nhà nghèo, cha lại bỏ đi đâu biền biệt, một mình mẹ không thể nuôi ba người con tới trường, lần lượt anh rồi chị của Đạt phải lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh để đỡ đần thêm.

Rồi điểm tựa duy nhất là bà ngoại qua đời, mẹ con em cũng không còn nơi nương tựa. Căn nhà của bà để lại, là nơi tá túc nắng mưa cho hai mẹ con cũng không còn là chốn dung thân khi người cậu ruột đem bán mất. Bức bí, Đạt đang học lớp hai phải nghỉ ngang, hai mẹ con dắt díu nhau lên Sài Gòn mưu sinh. Đạt và hai anh chị khác phải đi bán vé số, mẹ em ở nhà lo cơm nước. Sở dĩ mẹ em đành để các con đi bán vì bà không được lanh lợi, bán vé số thường xuyên bị mất, bị lừa... Gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn lên vai ba đứa trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Mải miết với cuộc mưu sinh đầy khó nhọc, Đạt cũng quên mất con chữ hồi nào không hay. Một lần khi cùng cậu bạn đi nhặt ve chai, hai đứa trẻ đứng trước trụ sở trạm y tế, cậu bạn đố Đạt đọc được những dòng chữ khắc bên ngoài trạm. Thế nhưng đứng gần cả tiếng đồng hồ, Đạt vẫn không đánh vần nổi.

Năm ấy, Đạt khoảng 13 tuổi, một nỗi buồn kì lạ xâm chiếm tâm hồn cậu bé. Cuộc kiếm tiền vất vả đã khiến cậu gần như quên đi mình là một đứa trẻ, từng đến trường, học hành như bao bạn bè. Giờ đây, đứng trước những dòng chữ đã từng thân quen mà không cách nào đọc được, cậu thấy dường như mình đã đánh mất điều gì đó rất quý giá..

Buổi tối hôm ấy đã thôi thúc Đạt quay trở lại lớp học chữ. Vấn đề học phí, thủ tục nhập học không còn khiến em lo lắng vì lớp học tình thương của bà Mười đã mở ra cho em một cơ hội thay đổi cuộc đời mình. Ngay khi học và nhớ được mặt những con chữ, đọc chữ rành rọt, Đạt vui lắm, một cảm giác lâng lâng khó tả.

Nguyễn Thanh Đạt và bà Mười.
Nguyễn Thanh Đạt và bà Mười.

Thấy em siêng học và có ý chí, bà Mười gửi em tới lớp học tình thương của một dự án khác để thi tốt nghiệp tiểu học. Đậu tiểu học, Đạt tiếp tục vào học lớp 6 bên trường giáo dục thường xuyên vì đã quá tuổi học trường công lập. Vừa học vừa phải đi kiếm sống  bằng đủ thứ nghề, vậy mà cậu trò nhỏ vẫn kiên trì đeo đuổi việc học hành. Bằng sự cố gắng, sau cùng em cũng đã tốt nghiệp phổ thông.

“Bà Mười rất tận tâm, nếu học trò nào không đến lớp thì bà đi kiếm tới nhà vận động, khuyên cha mẹ cho đi học. Còn thầy cô thì luôn uốn nắn dạy học tụi em, vì lớp học toàn trẻ bụi đời, rất khó dạy. Lớp học ấy đã thay đổi cuộc đời em, khiến em đến gần hơn với ước mơ của mình, chứ lúc lên Sài Gòn kiếm sống, em không bao giờ dám nghĩ mình có ngày này....” - Đạt chia sẻ.

 Lớp học chia làm 2 ca sáng chiều, dạy các ngày trong tuần, trừ Thứ Bẩy và Chủ Nhật. Thầy cô thì thay đổi liên tục vì hiếm ai có thể kiên trì theo đuổi công viện thiện nguyện lâu dài, trong khi lương và chế độ không cao, ngoài ra dạy cho các em ở lớp học đặc biệt này đòi hỏi ở các thầy cô một sự kiên nhẫn và lòng bao dung lớn.

Chỉ có bà lão tóc bạc có khuôn mặt phúc hậu vẫn ở đó, bám trụ với lớp học tình thương để cho các em những yêu thương mà cuộc sống lăn lóc ngoài kia làm con tim chúng mỗi ngày chai sạn. Cho yêu thương rồi sẽ nhận lại, đó là khi những đứa trẻ như Đạt, Tường đã cố gắng học hành để không phụ tấm lòng của bà.

Theo Ngọc Lê
Pháp luật Việt Nam