10 tình huống dở khóc dở cười vì lì xì và ý tưởng chiếc “Hộp háo hức Tết”

(Dân trí) - Đưa nhầm cho trẻ bao lì xì nhưng không có ruột. Trẻ nhận lì xì xong bóc ra và nói “không nhiều bằng của…”. Bạn chuẩn bị không đủ bao lì xì vì đột nhiên đến cùng lúc đông trẻ quá… Những tình huống dở khóc, dở cười trên đây được chị Phan Thị Hồ Điệp, mẹ Đỗ Nhật Nam chỉ ra, cùng một số cách gia đình lì xì con lúc bé.

10 tình huống dở khóc dở cười vì lì xì

Bạn đã bao giờ chứng kiến hoặc chính bạn rơi vào những tình huống dở khóc dở cười dưới đây khi lì xì cho trẻ vào dịp Tết? Bà Phan Hồ Điệp (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chỉ ra 10 tình huống có thể gặp phải khi đưa lì xì cho trẻ.

Đưa nhầm cho trẻ bao lì xì không có ruột do bạn sơ ý quên không cho tiền vào. 

Vừa đưa cho trẻ bao lì xì, trẻ bóc ra ngay, cầm lấy tiền và vứt ngay cái bao lì xì xuống đất. 

Trẻ cầm xem và nói “không nhiều bằng của…”.

Bạn chuẩn bi không đủ lì xì với số trẻ vì chúng “ở đâu ra đông quá”. 

Bạn đến nhà chơi nhưng chỉ có trẻ ở nhà. Trẻ bảo: Bố mẹ cháu đi vắng rồi chỉ có cháu ở nhà với con lợn đất. 

Bạn vừa lì xì cho hai anh em, chúng lôi số lì xì có được ra đếm rồi đánh nhau vì phân tranh thắng bại xem ai nhiều tiền hơn. 

10 tình huống dở khóc dở cười vì lì xì và ý tưởng chiếc “Hộp háo hức Tết” - 1

Một trong những tình huống đó là: Bạn chuẩn bị nhưng không đủ lì xì trẻ vì “chúng ở đâu ra đông quá”. (ảnh minh họa)

Vừa lì xì xong, trẻ lập tức lấy tiền đi mua đồ chơi và bạn bị chủ nhà chê trách vì “làm hư con”. 

Bạn mắc tội nói dối vì năm nào cũng bảo con “để mẹ giữ cho” nhưng rồi trẻ không thấy tăm tích số tiền ấy đâu cả. 

Con dùng tiền lì xì để đi mua những thứ không tốt như đồ ăn ngoài cổng trường, chơi game…

Con bảo với bạn: Kiếm tiền như thế này dễ quá mẹ nhỉ, chẳng cần phải làm, chỉ cần đứng chúc và đợi người lớn cho tiền. 

Lì xì bằng thư hoặc món quà mẹ làm

Theo chị Phan Hồ Điệp, nhiều lúc chị rất ngại liên quan đến việc lì xì. Bởi lẽ, ngày càng nhiều người lớn hiểu rằng, đó là cách để chúng ta “trả nợ” nhau.

“Nam đến giờ đã 18 tuổi nhưng bố Nam vẫn giữ phong tục lì xì cho con (và cả cho vợ). Kể cả lúc Nam ở Mỹ, bao lì xì do bố Nam chuẩn bị thường là: một tờ 2 USD cộng với một tờ tiền Việt mệnh giá nhỏ, như 20.000 và một… bức thư.

Trong thư đó, bố Nam sẽ nói về những gì bố mong muốn ở con trong năm mới và lời chúc (bằng mấy thứ tiếng)”, chị Điệp cho hay. 

Cũng theo nhà giáo này, cách chị lì xì con khi còn bé thường bằng hiện vật. Đó có thể là: voucher (có thể đặt tên là Thẻ cho phép).

Trên mỗi tấm thẻ, chị sẽ ghi một đặc quyền gì đó trong năm. Ví dụ: Được bố mẹ mời đi ăn ở nhà hàng sang trọng/ Được ngủ ở nhà một người bạn thân một tối/ Được mua một món đồ chơi đắt tiền (ghi số tiền)/ Được nằm ngủ trong lều ở ngoài vườn một tối…

“Nam thích những voucher này khủng khiếp luôn và năm nào cũng chờ đợi đợt phát hành thẻ của mẹ”, chị nhớ lại. 

10 tình huống dở khóc dở cười vì lì xì và ý tưởng chiếc “Hộp háo hức Tết” - 2

Thứ hai, tặng quà nhưng được quyền lựa chọn và thay đổi. Theo đó, chị sẽ có một số món quà gói trong hộp, nặng nhẹ khác nhau. Và Nam sẽ chọn một hộp quà và mở ra.

Khi không thích món quà đó, con sẽ được quyền chọn lại một lần. Việc này khiến con thích thú, tò mò, háo hức. “Nếu nhà bạn có đông con, cách này cũng rất vui vì bọn trẻ con có thể thỏa thuận để đổi quà cho nhau”, chị Điệp nói. 

Cách thứ ba, chị thường tặng quà Tết cho con bằng thứ mẹ làm, ví dụ bánh, bưu thiếp, một cái túi mẹ tự vẽ hình… Chị tự cho mình không khéo tay nên món quà đôi khi chỉ là ngô rang, khoai luộc nhưng kèm với đó rất nhiều lời yêu thương khiến con rất thích. 

Thứ tư, tặng sách/thẻ đánh dấu sách do mẹ tự làm.

Và cuối cùng, có thể tặng một bài thơ/câu chuyện do mẹ tự sáng tác. “Đây là món quà Nam trông đợi nhất vào đêm giao thừa. Và đến giờ món quà này vẫn được duy trì.

Chị Điệp cho hay: "Câu chuyện, bài thơ mỗi năm một “nhảm nhí” vì Nam càng lớn, mình càng hiểu cách tiếp cận con dễ nhất là hài hước, thú vị. 

Nói chung chưa bao giờ mình lì xì bằng tiền và mình cũng thường quy ước với Nam là hễ có ai lì xì, em đừng bóc mà mình sẽ tổng kết sau. Toàn bộ số tiền đó sẽ dùng để đi du lịch”.

10 tình huống dở khóc dở cười vì lì xì và ý tưởng chiếc “Hộp háo hức Tết” - 3

Mỗi chiếc hộp thay cho phong bao lì xì với nhiều món quà như một kho bí mật đựng bao nhiêu là niềm vui. (Ảnh: Minh hoạ). 

"Hộp háo hức Tết"

Cùng với đó, chị Điệp đưa ra ý tưởng về Hộp háo hức Tết. Theo đó, mỗi một chiếc hộp đẹp đẽ là những món quà xinh xắn, ý nghĩa. 

Đọc danh sách quà trong hộp cho từng lứa tuổi, đủ biết là người chọn quà đã tinh tế và hiểu về các giai đoạn phát triển của trẻ thế nào.

Ví dụ, giai đoạn 0-3 tuổi thì có sách để bé khám phá thế giới xung quanh nhưng ở giai đoạn 3-6 tuổi thì lại là sách để bé có thể vừa đọc vừa làm vì có kèm cả kéo cắt phù hợp cho bé nữa. 

Giai đoạn này, các bố mẹ cũng cần dạy con về nguyên tắc và mục tiêu nên có cả bảng mục tiêu cho bé.

Mỗi chiếc hộp với nhiều món quà như một kho bí mật đựng bao nhiêu là niềm vui. Bé có thể bày ra và chơi một mình. 

“Mình thực sự thực sự mong muốn những ý tưởng "Hộp háo hức Tết" sẽ nhân rộng để với trẻ em, mùa xuân là mùa của ước mơ và ấm áp thương yêu”, chị Điệp mong mỏi.

Bảo Khê