Xích lô, chọi trâu… được thiết kế cho Hoàng Thùy để mang đến Miss Universe 2019?
(Dân trí) - Sau khi phát động, cuộc thi “Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019” đã thu hút đông đảo thí sinh tham gia, trong đó nhiều bài thi thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, đồng thời tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã tiết lộ những thiết kế độc đáo trong cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc với chủ đề “Tinh hoa Việt Nam” để Á hậu Hoàng Thùy có thể mang đến Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới.
Tiếp nối thành công của thiết kế năm trước là Nàng Mây, Hồn Việt và Bánh Mì năm nay các thí sinh có sự phá cách và sáng tạo dựa trên những hình ảnh gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam.
Xích Lô từng là biểu tượng một thời ở các thành phố lớn Việt Nam, ngày nay đó là phương tiện được nhiều khách du lịch yêu thích vì ngồi trên xe có thể nhìn ngắm đường phố đúng chất Việt Nam nhất. Với “Xe Xích Lô”, Nguyễn Quốc Việt còn khéo léo khoe vẻ đẹp hình thể của đại diện Việt Nam, tạo điểm nhấn và sự độc đáo khi đặt bên cạnh các trang phục dân tộc khác nếu có cơ hội đến với Miss Universe 2019.
Lấy ý tưởng từ lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, một trong những lễ hội truyền thống lâu đời ở Việt Nam, bài thi “Chọi trâu” của Nguyễn Đăng Tùng gây ấn tượng khi thể hiện cách điệu chiếc đầu trâu đặt ở phần ngực, kết hợp đôi boot cổ cao và tóc búi tròn với màu chủ đạo là đỏ vàng – màu cờ Việt Nam. Bài thi mang đậm yếu tố tín ngưỡng, qua đó quảng bá một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam.
Chọn trang phục áo dài Nhật Bình được sử dụng cho bậc phi tần xưa làm cảm hứng chủ đạo, “Quốc sắc mẫu nghi” của Nguyễn Văn Toàn mang vẻ đẹp phá cách, thể hiện sự uy quyền của bậc mẫu nghi thiên hạ nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại, phóng khoáng. Chất liệu dân tộc quen thuộc như nón quai thao, áo dài… cũng góp phần khiến bài thi thêm nổi bật.
Trần Nguyễn Minh Đức mang bài thi “Cà phê phin sữa đá” đến với cuộc thi với mong muốn giới thiệu văn hóa uống cà phê của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Bài thi đề cao yếu tố trình diễn với phần bật công tắc và rút dây xõa váy, tạo hiệu ứng giọt cà phê rơi xuống.
Trương Kiều Vi đã tái hiện thành bài thi “Gióng” với hình ảnh tre làm nòng cốt, phối giữa màu xanh và vàng. Vẻ đẹp nữ quyền được thể hiện rõ qua phần lưng có hai con ngựa trời khổng lồ, cùng chiếc gậy tre và phần váy choàng bằng tre. “Đâu chỉ có đàn ông mới trở thành anh hùng cứu nước, phụ nữ cũng có thể!” là thông điệp mà Kiều Vi muốn gửi gắm qua bài thi này.
“Ngọc Ngà Sắc Việt” của Nguyễn Thị Yến Nhi là lăng kính thu nhỏ nét đẹp Việt Nam trên mọi miền tổ quốc, từ nét cổ kính bình dị qua khung dệt vải, ruộng bậc thang, chùa một cột đặc trưng của miền Bắc, đến sự hiện đại, sôi động, kiêu sa của miền Nam với những tòa nhà cao tầng như Landmark 81, Bitexco Financial Tower, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà.
Ban tổ chức cho biết sẽ tiếp tục nhận bài dự thi đến hết ngày 15/06/2019. Bên cạnh đó, vòng bình chọn dành cho khán giả cũng đã được mở, 05 bài dự thi được khán giả bình chọn nhiều nhất sẽ được vào thẳng Top 15, có cơ hội thuyết trình trước ban giám khảo.
Băng Châu