"Vùng Tây Ra-đi-ô" - Đóng góp khích lệ vào dòng văn học thiếu nhi
(Dân trí) - Năm 2022, nhà văn Trần Quỳnh Nga giới thiệu với bạn đọc tập truyện ngắn "Xác tín mùa". Năm nay, chị "tất niên" với "Vùng Tây Ra-đi-ô - The Radio West". Cả hai tác phẩm đều do NXB Hội Nhà văn cấp phép.
"Vùng Tây Ra-đi-ô - The Radio West" là tác phẩm thiếu nhi song ngữ Việt - Anh - sản phẩm "hợp tác" của 3 mẹ con: Nhà văn Trần Quỳnh Nga, con trai Lê Minh Khôi - dịch thuật và con gái Lê Minh Tú Lâm - vẽ bìa và một số tranh minh họa. Tác phẩm gồm các phần, hay nói cách khác có nội dung chính: "Vùng Tây Ra-đi-ô", "Những ngày đẹp nhất", "Lớp học của đại sư Quy lão", "Điều bí mật", "Chú chim sẻ non", "Chuyện của gà mẹ", "Mùa thị chín", "Đường về nhà"; dày 110 trang, khổ 20x18cm, đủ xinh xắn, đáng yêu phù hợp với cách cảm, cách nghĩ và gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi.
Nhà văn Trần Quỳnh Nga - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thuộc thế hệ nhà văn 8x, sinh ra ở vùng "bản đồ sắc đẹp" Đức Thọ, hiện sống và viết tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Cho đến nay chị đã có 5 tác phẩm, 4 trong đó là tập truyện ngắn.
Nhân vật trong truyện là Cún, Nghé và đám bạn này nọ ở Vùng Tây Ra-đi-ô. Thế giới tuổi thơ, hay nói cách khác chân trời tuổi thơ của chúng gắn với vùng Tây Đài (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà). Đó là một vùng ngoại ô thành phố tỉnh Hà Tĩnh. Nó rất thực, nhưng khi vào tác phẩm này của Trần Quỳnh Nga với trí tưởng tượng, sự thông minh đầy cá tính mới nghĩ ra một cái tên văn học hay ho đến thế - "Vùng Tây Ra-đi-ô". Quả thật, chỉ có người Hà Tĩnh mới nghĩ ra. Điều này có xuất xứ từ một trong những thành tố văn hóa dân gian Hà Tĩnh.
Theo bản đồ tranh của họa sĩ nhí Lê Minh Tú Lâm thì "Vùng Tây Ra-đi-ô" giống như một chiếc bánh được trang trí có rừng cây nhỏ, vô số cây canh "mồ côi" khác, cạnh sông, biển, có cây cầu. Đó là vùng đất hiền hòa, thơ mộng. Vô số mái tranh nghèo hiển thị giữa bát ngát mơ ước.
Trong lời Tựa có tiêu đề "Chúng tôi đã cùng nhau đến thế giới này", chị tâm sự: "Tôi đã ở bên. Lặng lẽ ghi lại chân thực nhất những điều đã xảy ra bởi tôi biết những câu chuyện này sẽ theo các con đến hết cuộc đời. Sau này dẫu bọn trẻ có bay cao, bay xa đến đâu chúng sẽ vẫn nhớ mãi về những bước nhảy đầu tiên qua mương nước trước nhà và bầu trời rộng lớn luôn có những cánh diều đầy màu sắc bay bay trong gió".
Chúng tôi (tiếng Anh là We- ngôi thứ nhất số nhiều) ở đây là nhà văn tác giả và Cún, Nghé - hai thiên thần của chị. Sau Tựa là đến phần "Vùng Tây Ra-đi-ô", kể về những trò chơi, trò tiêu khiển "đối lái" của Cún, Tũn và đám bạn choai choai. Tũn là đứa bé hiếu thắng. Cún là đứa bé nhút nhát, nhìn đám bạn trèo lên cây xoài trứng đã mơ ước. Bù lại Cún thông minh. Tũn đắc chí khi đố Cún: "Tại sao năm 1509 người ta không nấu cơm?". "Nấu có chín đâu mà nấu. Năm 1059 người ta không nấu cơm vì nấu một năm không chín", Cún khanh khách cười trả lời thế. Cả đám bạn nhao nhao, nhận ra Cún siêu.
Những câu chuyện đối lái như thế giữa Cún và đám "trẻ trâu" dệt nên một thế giới rộn ràng của trẻ, xanh màu hoài niệm trong đời người.
Văn học thiếu nhi, như mọi người đều biết, có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ, cung cấp cho trẻ một vốn từ ngữ khổng lồ, đặc biệt là những từ ngữ nghệ thuật. Vì vậy, khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm văn học, vốn từ ngữ của các em phong phú và sống động hơn. Đó là một trong những "thiên chức" của văn học thiếu nhi.
Lâu nay, truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga khắc họa nên một "chân dung văn học" của chị về sự tinh tế, đầy ắp thân phận... Đọc văn Trần Quỳnh Nga không chỉ thấy chị sáng tạo, kể cả khi chị sáng tạo đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử, xác lập nên nhiều điển ngữ, ẩn ngữ mà còn trào lộng, tinh nghịch, gợi mở. Trong "Vùng tây Ra-di-o" - The Radio West", Trần Quỳnh Nga cho thấy, chị giàu từ ngữ nghệ thuật, hóa thân vào Cún, Nghé một cách tài tình.
"Những ngày đẹp nhất" là phần kể chuyện con Nghé và anh Cún đi chơi và gặp con mèo, trong hoàn cảnh bị kẹt, đang cầu cứu. Nghé như bao đứa trẻ khác, thích "điều ước", mơ được nhận những "món quà". Gặp con mèo lạc, với Nghé giống như gặp "Điều ước có một con thú cưng", "Ông Thần, ông Phật đã nghe được điều ước của nó". Hai anh em cứu được con mèo, nhưng vì nghĩ mèo ai lạc nhà, nên gõ cửa tìm chủ nhân để trả. Nhà thứ nhất, nhà thứ hai... Thông qua con mèo, nhà văn Trần Quỳnh Nga đã tham gia vào việc giáo dục trẻ thơ về tình yêu đối với vạn vật, tính thật thà; đặc biệt tính trung thực... những phẩm chất góp phần hình thành nên phẩm hạnh, tạo nên giá trị người đối với trẻ em khi lớn lên. Cái cách mà chị phát triển tình huống rất nhuyễn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
"Lớp học của đại sư Quy lão", "Điều bí mật", "Chú chim sẻ non", "Chuyện của gà mẹ", "Mùa thị chín", "Đường về nhà" tiếp tục chứa đựng trong lòng nó những câu chuyện đáng yêu, không chỉ của Cún, Nghé mà còn nhiều nhân vật khác, kể cả "nhân vật" tôi ở ngôi thứ nhất.
"Đường về nhà" là câu chuyện của bố mẹ thằng Núi, trong những ngày dịch Covid-19 đang hoành hành ở nhiều địa phương, trong đó có TPHCM. Gia đình thằng bé Núi cùng hàng chục gia đình phải "chôn chân". "Quê hương là gì mà khi cùng đường người ta lại muốn về?". "Hóa ra thế giới này rộng lớn hơn hàng vạn lần cái ô cửa nhỏ hẹp của căn nhà nơi xóm Vườn Ổi mà tôi, bố mẹ tôi đã từng lưu trú lại với hy vọng đổi đời từ đó", (trang 104). Nhưng rồi, tất cả phải hồi hương.
"Ngày mai chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới. Từ một căn nhà bé con, một khu vườn tít tắp và góc sân nhỏ - nơi tôi tập lớn hằng ngày...". Không có gì đổi được quê hương. Con người trong mọi hoàn cảnh đều phải biết nâng niu, sẻ chia... Đó là những điều thằng Núi nhận ra, cũng là thông điệp của nhà văn Trần Quỳnh Nga, trước khi khép lại "Vùng Tây Ra-đi-ô - The Radio West".
Văn học cho thiếu nhi là một bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Đáng tiếc, lâu nay sự khan hiếm của văn học thiếu nhi đang là một cảnh báo. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng lo lắng khi sách viết cho thiếu nhi mong manh và chất lượng không thực sự cao.
Với "Vùng Tây Ra-đi-ô - The Radio West", nhà văn Trần Quỳnh Nga đã có những đóng góp đáng ghi nhận. Tác phẩm này không chỉ mang những giá trị truyền thống mà còn có hơi thở thời đại, phù hợp với nhịp sống và tâm thế hôm nay của trẻ em.