Học sinh đưa cổ tích Việt Nam ra thế giới

Vi Anh

(Dân trí) - 30 truyện cổ tích Việt Nam trong cuốn sách "Fairy tales without borders" (Cổ tích không biên giới) bằng tiếng Anh đều do các em đang độ tuổi học sinh tuyển dịch.

Chiều 14/12, tác phẩm "Fairy tales without borders" (Cổ tích không biên giới) bằng tiếng Anh ra mắt tại Hà Nội. "Fairy tales without borders" khởi lên bằng giấc mơ của Ngũ Tô Duy, khi ấy đang học lớp 12, rằng một ngày nào đó các bạn trẻ khắp năm châu sẽ biết đến và yêu Thạch Sanh, Chú Cuội giống như trẻ em trên thế giới đã thích và yêu Cô bé bán diêm.

Học sinh đưa cổ tích Việt Nam ra thế giới - 1

Với tư cách người khởi xướng dự án, Ngũ Tô Duy đứng ra liên lạc với nhà xuất bản để lấy bản thảo 30 truyện cổ Việt Nam chính xác nhất (Ảnh: K.S).

"Nhưng để những câu truyện cổ Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu thích, người trẻ Việt phải yêu và hiểu nó trước" là cách Duy suy nghĩ. Và Ngũ Tô Duy đặt ra mục tiêu, phải để càng đông bạn trẻ tham gia vào dự án càng tốt. Với tư cách người khởi xướng dự án, Ngũ Tô Duy đứng ra liên lạc với nhà xuất bản để lấy bản thảo 30 truyện cổ Việt Nam chính xác nhất.

Sau đó, Duy mở rộng đối tượng người tham gia bằng cách phát động cuộc thi Dịch truyện cổ tích Việt Nam trong hệ thống trường học của mình trên cả nước. Sau thời gian ngắn, 124 bản dịch đã được gửi đến, ban tổ chức chọn lựa 30 tác phẩm dịch đúng và hay nhất để in thành sách.

Toàn bộ cuốn sách từ phần nội dung truyện đến hình minh họa, tranh vẽ miêu tả cũng đều do các bạn học sinh phổ thông thực hiện.

Lại Uyển Như, lớp 9B1 Vinschool Times city, Hà Nội là dịch giả truyện Rét nàng Bân chia sẻ: "Từ bé em rất đam mê các cuốn thần thoại Hy Lạp, truyện cổ Bắc Âu và bị đời sống dân gian cuốn hút thông qua các câu chuyện kể này. Từ các câu chuyện được đọc, em nhận thấy đời sống con người ở khắp nơi trên thế giới từ xưa đến nay đều bắt đầu được xây dựng lên từ những câu chuyện không thực tế là cổ tích hay thần thoại. Chính yếu tố mơ mộng của nó khiến cho con người có niềm vui và niềm tin, cảm hứng với cuộc sống hơn".

Học sinh đưa cổ tích Việt Nam ra thế giới - 2

Bìa cuốn sách "Fairy tales without borders" (Ảnh: K.S).

Nguyễn Ngọc Minh lớp 8B3, dịch giả truyện Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng thì hào hứng: "Cuộc thi này đã giúp em tìm hiểu và biết nhiều hơn về kho tàng truyện cổ Việt Nam. Em nhận ra, truyện cổ tích Việt rất đặc sắc và có nhiều bài học giá trị".

Nghe chia sẻ của các dịch giả nhỏ tuổi, Ngũ Tô Duy cho rằng, mục tiêu ban đầu là lan tỏa tình yêu văn hóa dân gian đến các bạn nhỏ Việt Nam đã thành hiện thực. Chàng trai trẻ tin rằng, bắt đầu từ tình yêu đó văn hóa dân gian của người Việt sẽ từ từ lan tỏa xa hơn.

"Fairy tales without borders" được in 4.000 bản và đang chờ đến tay bạn đọc trên khắp cả nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm