Vụ kiện gia đình “có 1 không 2” trên màn ảnh Hàn
(Dân trí) - Lấy điểm nhấn là vụ kiện hi hữu giữa cha và con, Nhà mình có biến đã vẽ nên bức tranh đời thường vừa gần gũi, hài hước, vừa kịch tính mà vẫn không kém phần nhân văn.
Một mình chèo chống nuôi 3 đứa con từ khi vợ mất, ông Soon Bong chưa hề nặng nhẹ chúng một lời. Thế nhưng, chính sự yêu thương vô bờ của cha đã khiến các con dần trở nên vô tâm và gây ra đủ chuyện khiến ông buồn lòng. Từ cô chị cả Kang Shim “quá lứa lỡ thì” vướng phải điều tiếng với một chủ tịch lớn tuổi, đến cậu con thứ Kang Jae luôn muốn cách ly gia đình bởi mặc cảm nghèo khó, khiến anh không thể ngẩng mặt trước gia thế hiển hách của nhà vợ. Còn cậu út Dal Bong thì vô công rỗi nghề, hay gây sự đánh nhau, lại còn đem đến cho gia đình nhiều rắc rối từ chuyện tình tay ba của mình. Tuy nhiên, đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi cả ba người đều không quan tâm đến ngày giỗ mẹ - thời khắc mà ông Soon Bong rất mong các con tề tựu, trong khi lại chăm chăm đòi cha phân chia tài sản thừa kế. Chính điều đó đã làm giọt nước tràn ly, khiến ông Soon Bong ra quyết định chưa từng có - kiện các con tội bất hiếu và đòi lại toàn bộ tiền công nuôi dưỡng…
Phác họa bức tranh gia đình với những cung bậc cảm xúc lẫn mâu thuẫn thường thấy, Nhà mình có biến vừa mang đến sự gần gũi, lại vừa tạo nét độc đáo từ vụ kiện “có một không hai”. Khi từng tình tiết của vụ kiện được hé mở, người xem sẽ khám phá tình phụ tử đầy cảm động giữa người cha và các con của mình. Những mâu thuẫn và nhiều toan tính ích kỷ ẩn sâu trong từng thành viên của một gia đình hiện đại sẽ được phản ánh rõ nét thông qua vô số vấn đề nổi cộm liên tiếp được đặt ra trong Nhà mình có biến.
Những quay cuồng lo toan cuộc sống, nỗi mặc cảm vị thế gia cảnh hay sự thản nhiên, vô lo nơi các con dần đẩy chúng trở nên vô tâm với đấng sinh thành. Thương tổn tích tụ khiến người cha buộc phải dùng đến pháp luật để răn dạy con cái, song tận sâu bên trong, tình thương vô bờ vẫn khiến ông không ngừng khắc khoải trước những khó khăn bộn bề của các con. Từ đó, phim lần nữa vẽ nên bức tranh tình thân đượm chất nhân văn, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh dành cho những người mang thân phận làm con.
Khánh An