Vụ áo dài Hoa hậu Thùy Dung mặc giống... Trung Quốc: Sự rập khuôn gây phản cảm

Bộ áo dài nổi bật nhất của nhà thiết kế Thủy Nguyễn do Hoa hậu Thùy Dung trình diễn tại Italia vào cuối tháng 6 vừa qua đang gây xôn xao dư luận, vì họa tiết, màu sắc và cấu trúc quá giống… Trung Quốc. Áo dài Việt mà sử dụng họa tiết rồng cũng như hoa văn Trung Quốc thì có nên đưa ra trình diễn ở sàn catwalk thế giới hay không? Câu hỏi này đã được nhiều nhà thiết kế đào sâu phân tích.

Mờ nhạt dấu ấn Việt



Mờ nhạt dấu ấn Việt

Ngày 24/6, Hoa hậu Thùy Dung được mời làm vedette tại show Thời trang Xuân hè ở Mercati Di Traiano, TP Roma, Italia. Cô mặc bộ áo dài gấm đỏ cách điệu kiểu áo ống, vai trần, xẻ tà và quần lửng. Bộ áo in hoa văn rồng, kết hợp với nón lá bọc gấm cùng hoa văn.(ảnh). Bộ sưu tập của Thủy Nguyễn được giới thiệu với mục đích mang đến không khí đậm chất Việt Nam, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Tuy nhiên, sau khi hàng loạt hình ảnh được công bố trên mạng, nhiều người bình luận đây dường như không phải áo dài thuần Việt, mà na ná giống trang phục Trung Quốc. Trên báo Thể thao & Văn hóa, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức khẳng định từ trang phục của Thủy Nguyễn, có thể nhận ra đấy là “chất liệu và hoa văn Trung Quốc hiện đại”.

Gây sốc hơn, theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, vải may áo dài là “hàng dệt công nghiệp Trung Quốc giá rẻ”, cụ thể, hình dệt chính giữa màu xanh và hình con rồng uốn lượn dọc theo hai bên bộ áo dài so với hình dệt của tấm vải trên Taobao (trang web thương mại trực tuyến của Trung Quốc), nhìn bằng mắt thường rất giống nhau. Và sốc nữa khi ông đưa ra nhận định: “Họa tiết hoa văn là do người Trung Quốc hiện đại làm, không phải hoa văn cổ của cả Việt Nam hay Trung Quốc. Và nhà thiết kế của bộ áo dài đơn giản là nhập hàng từ Trung Quốc”. Ngoài ra, cũng theo nhà nghiên cứu này, sự cách điệu ở chiếc áo dài này cũng là mô thức chung của các loại áo truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam. Cộng thêm với chất liệu, hoa văn của Trung Quốc đương đại, thì dấu ấn Việt Nam thể hiện qua đây hoàn toàn mờ nhạt.

Sự rập khuôn gây phản cảm

Khi được hỏi về vấn đề này, nhà thiết kế Quỳnh Paris đưa ra nhận xét: “Ở đây không phải là vấn đề sai hay đúng, bởi nếu xét về chất liệu, bất kỳ nhà thiết kế nào cũng đều có thể sử dụng các chất liệu vải của bất cứ quốc gia nào, từ Italia, Pháp, đến Trung Quốc, Ấn Độ… Quan trọng là hoa văn sẽ thể hiện đặc trưng văn hóa của từng quốc gia khác nhau ra sao. Chất liệu vải có thể du nhập, thậm chí được đặt hàng cho đúng với mẫu thiết kế, nhưng hoa văn và cấu trúc phải mang đậm văn hóa Việt Nam, nhất là trong một show diễn như vậy ở Italia”.

Một nhà thiết kế khác cho biết, khi đưa thời trang áo dài ra quốc tế, có nhiều cách tiếp cận cái đẹp, không nên đưa những gì của nước khác, cụ thể ở đây là Trung Quốc, ra làm yếu tố chủ đạo. Mà nếu có lỡ đưa ra rồi, thì nên tăng cường chi tiết riêng, để tạo khác biệt, chứ không thể sử dụng form áo không ra áo dài như vậy. Muốn đưa ra cái gì của Việt Nam thì phải làm sao cho người ta cảm nhận được, phân biệt được nét văn hóa Việt và phải mang ý nghĩa nào đó.

Xét ở một show diễn thời trang quốc tế, việc thiết kế theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” là hết sức nguy hiểm ở chỗ dễ khiến người nước ngoài nhầm lẫn giữa áo dài Việt và trang phục của Trung Quốc. Hơn thế nữa, thay vì tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt, thì ở đây, nhà thiết kế lại rập khuôn họa tiết Trung Hoa trên chiếc áo dài Việt, điều này có thể còn gây phản cảm vì tác dụng ngược.

Lâu nay, các nhà nghiên cứu đã phân tích kỹ những nét khác nhau ở họa tiết rồng phượng giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm tránh nhầm lẫn và ứng dụng sai. Muốn đưa hình ảnh rồng phượng lên áo dài, các nhà thiết kế hàng đầu thường rất cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng, phải trải qua nghiên cứu sâu mới “dám” sáng tạo trên nền văn hóa truyền thống. Trong khi đó, có những nhà thiết kế trẻ lại liều lĩnh làm điều họ thích, khoe đủ các loại phượng múa rồng bay mà vẫn không thấy nét đẹp tinh hoa truyền thống đâu cả. Và việc đưa hoa văn Trung Quốc vào áo dài Việt là một lỗi khá nặng, nếu không nói là thiếu ý thức tự tôn dân tộc.

Theo Minh Thi
Lao Động

(Email: giaitri@dantri.com.vn)