Vở opera “Cây sáo thần” - Bài học lớn về nghệ thuật
(Dân trí) - Còn gần nửa tháng nữa vở opera “Cây sáo thần” mới ra mắt nhưng đã gây được nhiều sự chú ý với công chúng. Bài viết dưới đây của PGS - NSND Nguyễn Trung Kiên là những cảm nhận riêng về quá trình tập luyện, ý nghĩa của vở opera này, chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả.
Bảy năm trước đây, Nhạc Viện Hà Nội đã có những hoạt động hợp tác văn hóa, nghệ thuật với các nghệ sĩ của nước Cộng hòa Áo, kết quả của sự hợp tác này thật sự tốt đẹp, đã đem đến cho thính giả yêu âm nhạc của Việt Nam những chương trình nghệ thuật âm nhạc chất lượng cao. Năm nay 2006, một dự án lớn của Bộ Văn Hóa -Thông tin Việt Nam và Bộ Văn hóa - Giáo dục Áo trao cho Nhạc Viện Hà Nội dàn dựng và biểu diễn vở opera “Cây sáo thần” nổi tiếng của nhạc sĩ thiên tài W. A. Mozart kỷ niệm sinh nhật lần thứ 250 của nhạc sĩ.
Công trình này sẽ là một thành quả nghệ thuật có ý nghĩa lớn chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Nhạc Viện Hà Nội. Thành công của vở diễn sẽ góp phần lý giải về quan niệm đúng đắn cho sự phát triển một nền nghệ thuật chuyên nghiệp lành mạnh, có chất lượng ngày càng cao, một nền nghệ thuật cân bằng.
Điều khó khăn lớn nhất khi dàn dựng vở opera này đó là phải hát bằng tiếng Đức, là ngôn ngữ mà tác giả kịch bản Emmanuel Schikaneder đã sử dụng. Các nghệ sĩ, diễn viên hát của ta còn ít có điều kiện tiếp cận với tiếng Đức, cho nên một vở diễn phải hát toàn bộ bằng tiếng Đức trong gần ba giờ là một thử thách lớn.
Để hoàn thành được yêu cầu của nghệ thuật, toàn bộ các vai diễn và hợp xướng đã phải luyện tập phần hát của vở opera với tiếng Đức trong hơn một năm qua, sự cố gắng vượt bậc đó của họ đã đạt được kết quả tốt, các chuyên gia nghệ thuật Áo rất hài lòng. Một số nghệ sĩ biểu diễn các vai chính đã được các chuyên gia Áo đánh giá cao .
Sau hơn một tháng luyện tập phần diễn xuất, các diễn viên đã nắm bắt một cách nhanh chóng và thuần thục những tình huống nghệ thuật của vở diễn dưới sự hướng dẫn nhiệt tình và rất chuyên nghiệp của đạo diễn Áo - ông Manfred Waba.
Còn gần nửa tháng nữa vở opera sẽ chính thức ra mắt, thời gian còn lại các nghệ sĩ đang gấp gáp hoàn thiện mọi tình tiết, mọi yêu cầu nghệ thuật. Vở opera đạt được những tiêu chí nghệ thuật đó là: Tính chuyên nghiệp cao thể hiện trong phần hát và phần đệm của dàn nhạc giao hưởng, diễn xuất xúc cảm, chân thật, trong đó có những màn hài hước dí dỏm, thiết kế sân khấu hoành tráng theo đúng nghĩa của từ này, cùng với một thiết kế ánh sáng rất chuyên nghiệp.
Về nguồn kinh phí để thực hiện vở opera này. Phía Cộng hòa Áo đã tài trợ một khoản kinh phí dành chủ yếu để chi phí cho các chuyên gia nghệ thuật Áo sang Việt Nam dàn dựng vở diễn, giúp đỡ vẽ thiết kế sân khấu, vẽ thiết kế phục trang, ánh sáng, Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam cấp kinh phí để thực hiện toàn bộ các thiết kế đó trên sân khấu, chi phí cho việc sử dụng Nhà hát lớn trong gần một tháng luyện tập và biểu diễn... Trong hoàn cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp thì đó là một sự quan tâm lớn của Bộ Văn hóa - Thông tin, tuy nhiên, do tính phức tạp của vở opera này, đòi hỏi một thời gian dài luyện tập, phần chi phí bồi dưỡng chiếm một khoản kinh phí không nhỏ, do vậy việc thiếu tiền là điều khó tránh.
Một yêu cầu quan trọng luôn được những người dàn dựng rất quan tâm đó là làm sao cho vở opera được dễ hiểu, bên cạnh những yêu cầu cao về nghệ thuật hát và diễn, phần đối thoại sẽ được trình diễn bằng tiếng Việt, đồng thời còn sử dụng những biện pháp kỹ thuật bổ trợ, phần hát bằng tiếng Đức sẽ được thuyết minh tiếng Việt trên màn hình trước sân khấu, sẽ giới thiệu nội dung trước giờ biểu diễn, nội dung kịch bản sẽ được tóm tắt trong tờ chương trình... tất cả phục vụ cho mục tiêu chất lượng cao và tính phổ cập rộng rãi của vở opera, một loại hình nghệ thuật chưa được phổ biến nhiều ở Việt Nam.
Một vấn đề được nhiều báo quan tâm đó là vở opera sau đợt công diễn lần đầu còn phải được trở lại với khán giả nhiều lần, khắc phục tình trạng lãng phí phổ biến thường xảy ra ở nhiều vở diễn trước đây. Câu hỏi đơn giản đó đang làm đau đầu những người có trách nhiệm, chúng tôi tin rằng sẽ có câu trả lời tích cực và tư tưởng lạc quan thể hiện trong vở opera “Cây sáo thần” của Mozart sẽ nhắn nhủ tất cả những người trong cuộc.
“Cây sáo thần” vở opera cuối cùng của Mozart, tác phẩm mà ông yêu mến nhất được ra mắt lần đầu vào ngày 30/9/1791 do chính tác giả chỉ huy, hai tháng trước khi nhạc sĩ từ giã cõi đời. 215 năm đã trôi qua, lần đầu tiên vở opera được trình diễn tại Việt Nam vào ngày 16/9/2006 tới.
Tác phẩm tuyệt diệu này đem đến cho thầy trò của Nhạc Viện Hà Nội bài học lớn về nghệ thuật, đồng thời sẽ mang đến cho người xem những tình cảm cao quý, đạo đức trong sáng, cao thượng “Giáo dục con người trong con người”.
PGS - NSND Nguyễn Trung Kiên