Việt Tú: Làm và chơi hết mình !
Có cách trả lời khá thẳng thắn, đạo diễn Việt Tú khiến người đối diện cảm thấy tốt nhất là nên... hỏi thẳng.
"Con đường âm nhạc" đang nổi như cồn, nhưng không phải đến giờ cái tên Nguyễn Việt Tú mới được nhắc đến, có thể coi Việt Tú là "VIP" từ khi nào?
Chắc là khi tôi làm chương trình ca nhạc Nhật thực. Với tôi VIP rất đơn giản, là được mọi người biết đến và nếu được hoạ sĩ Khoái vẽ chân dung, thì cũng không đến nỗi bị hỏi cái thằng đầu trọc này là ai đây?
Danh từ "đạo diễn trẻ" có vẻ như không còn khiến anh tủi thân nữa?
Chưa bao giờ tủi thân. Vì từ "trẻ" với tôi không phải là non nghề, mà là dù bé vẫn làm được nhiều việc.
Đã có nhiều báo nói sai về anh, họ khắc hoạ Việt Tú thành một người khác hẳn, ví dụ như uống càphê Hàng Hành, ăn mặc bụi bặm hip hop... Vậy để miêu tả đúng về anh là gì?
Biết làm, biết chơi, biết hưởng thụ và cái gì cũng hết mình.
Sở trường của anh là đạo diễn hình ảnh. Sở trường này thể hiện như thế nào?
Những điểm nhấn rất nhỏ nhưng được thực hiện chau chuốt. Ví dụ như trong chương trình "Im lặng" của nhạc sĩ Dương Thụ, tôi sử dụng hình ảnh con cá vàng đang bơi - một trong những biểu trưng rõ nhất của sự im lặng.
Anh dành thời gian cho việc "nghĩ rất lâu cho mỗi ý tưởng" vào lúc nào?
Đêm. Có thời gian tôi bị nghiện thuốc ngủ, không uống thì không sao ngủ được.
Hiện nay, hầu hết các đạo diễn đều làm việc tự do. Anh lại thuộc Ban Văn nghệ VTV3. Môi trường "khuôn khổ" có cản trở anh sáng tạo?
Không. Môi trường truyền hình mang lại cho tôi những phản xạ rất tốt, khả năng ứng biến nhanh. Tôi không có quyền chọn người làm việc với mình, nên luôn phải coi êkíp của mình là tốt nhất, những điều kiện hiện tại đang là tốt nhất. Và tôi học được cách quản lý rủi ro, có thể làm việc trong mọi môi trường khác.
Nếu không làm đạo diễn, anh sẽ là...?
Thất nghiệp. Vì tôi không giỏi một thứ gì khác. Đã từng học kèn nhưng có lẽ tôi là học sinh dốt nhất trong lịch sử nhạc viện.
Một chương trình với một êkíp trẻ, có ngại làm việc với những người già? Đã có những nhạc sĩ già nào từ chối làm việc với "Con đường âm nhạc" chưa?
Tôi không sợ làm việc với những người già về tuổi tác, chỉ sợ làm việc với những người già về tư tưởng. Có lẽ người già ngại cộng tác với người trẻ thì đúng hơn!
Ý tưởng trong "Con đường âm nhạc" là của ai? Nếu Chu Minh Vũ không viết kịch bản, anh sẽ làm chứ?
Ý tưởng là của tôi. Nhưng nếu Chu Minh Vũ không viết thì sẽ là một người khác, chứ tôi không định làm quá nhiều việc một lúc.
Chương trình lăngxê đạo diễn hay đạo diễn lăngxê chương trình?
Cả hai.
Anh mất bao nhiêu thời gian để đưa "Con đường âm nhạc" từ ý tưởng lên sân khấu? Bao lâu để chuẩn bị cho mỗi chương trình? Và định khoảng thời gian như thế nào để kết thúc nó?
Ba năm. Hai tháng. Tôi chưa biết bao giờ nó sẽ kết thúc...
Tuổi thọ của một chương trình truyền hình theo anh là bao lâu?
Tuỳ thuộc vào chất liệu và độ trường sức của êkíp làm việc.
Tức là anh biết lý do để một chương trình kết thúc, tại sao lại không đoán được chương trình của mình kết thúc khi nào?
Thực ra thì tôi nghĩ khoảng 2 năm. Nhưng đôi khi có những rắc rối tôi không kiểm soát được.
Chắc hẳn vấn đề đó thuộc về nhà tài trợ. Trong chương trình vừa rồi có vẻ như thương hiệu nhà tài trợ được quảng cáo lộ liễu quá, thỉnh thoảng nhạc sĩ Dương Thụ lại che đi mất chữ "Power of Dream". Anh có bị gặp trục trặc?
Về chuyện bảng ghi tên nhà tài trợ, do khán giả đến xem xê dịch ghế lên trên nên bảng này cũng bị xê dịch sát tận nhân vật khách mời nên nhìn có vẻ quảng cáo lộ liễu nhưng thực ra là một sự cố nhỏ. Còn về nhà tài trợ, tôi nghĩ họ không quan tâm đến việc bị khuyết đi mấy chữ của slogan, mà quan tâm đến việc chương trình của tôi có hay không...
Nếu khán giả cho rằng chương trình của anh dở nhất là người dẫn chương trình?
Có thể khán giả sai.
Nếu là đạo diễn "Bài hát Việt", anh sẽ làm gì?
Chịu! Tôi quá bận để theo dõi những chương trình khác, dù là cùng một đài.
Theo thông tin mới nhất, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã nhận lời tham gia chương trình Con đường âm nhạc (dự kiến chương trình giới thiệu vào tháng 9/2005). |
Theo Thuỳ Minh
Lao Động