Viết hồi kí cho người khác đang trở thành trào lưu?
(Dân trí) - Kể về mình là một nhu cầu tự thân hay a dua, người có nhu cầu kể mà không có khả năng viết đã có người khác viết hộ. "Dịch vụ" viết chung ra đời, tuy nhiên...
Cách đây mấy năm, sách của tỉ phú Bill Gates dịch sang tiếng Việt và thành sách bán chạy, nhiều người thậm xưng rằng B.Gates là... nhà văn. Với niềm mơ ước giàu có thành đạt, người ta đã tìm đọc B.Gates, không phải tìm đến câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, mà muốn biết B.Gates đã vươn đến thành công như thế nào.
Lùi về thời gian không lâu, cuốn hồi ký "Cát bụi chân ai" của nhà văn Tô Hoài, với những câu chuyện được kể hết sức tinh tế, không kém phần khốc liệt. Tuy nhiên, hồi ký do nhà văn viết, sắc sảo ngôn từ mang theo những ẩn dụ phảng phất. Dưới ngòi bút của nhà văn, cái gì cần tránh thì nhất định sẽ tránh và tránh một cách khéo léo để khỏi chạm đến đời tư "không hay ho" của người viết, những chuyện bạn bè văn giới được phơi ra trong cuộc sống đời thường khiến người đọc bất ngờ!
Tuy vậy, dòng chảy hồi ký, tự truyện như cuộc sống luôn chảy, không ngừng. Hồi ký viết từ đôi chân, siêu mẫu Naomi Campell viết hồi ký kể những lắt léo... trên sàn catwalk. Chuyện đôi chân được nối dài với ba cuốn hồi ký của David Beckham. Cầu thủ Micheal Owen cũng "xin đám" bằng cuốn hồi ký kể về mình.
Các chính trị gia cũng cho ra hồi ký "bán" đời tư của mình, cuốn Đời tôi của Bill Clinton kể về 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, tình ái và chính trị, cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo Israel và Palestine, tình bạn với các nguyên thủ quốc gia. Kém chồng khó chịu, bà Hillary Clinton ra mắt cuốn hồi ký Living History, sẽ được Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt- First News ra mắt bản tiếng Việt ngày 22/11/2006.
Vợ chồng như đũa có đôi, một người khôn ngoan và một người khéo léo, sự thật trong cuốn hồi ký đó sẽ là bao nhiêu phần trăm, người đọc khó có thể đoán định được.
Hồi ký Con cầu tự của ông Nguyễn Cao Kỳ cũng sẽ được Công ty Văn hóa Phương Nam ký bản quyền và phát hành tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trào lưu viết hồi ký như dòng sông âm ỉ chảy theo dòng phát triển xã hội, khi nhiều người có nhu cầu kể về mình.
Một tháng vừa qua, cuốn hồi kí tự truyện Lê Vân yêu và sống đã gây xôn xao dư luận khi kể về bố mình, một nghệ sĩ nhân dân với lời lẽ mà người đọc hồi ký theo lối mòn, một đường dẫn quen thuộc dẫn đến thái độ phẫn nộ. Đọc "Lê Vân yêu và sống" hoặc là phải thay đổi cách tiếp nhận mới, hoặc phải có cách đọc mới với những cuốn hồi ký khác nhau.
Trào lưu viết hồi ký đang phát triển mạnh hơn trong giới các ngôi sao, nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa sẽ ra mắt hồi ký sau live show Hát thầm. Diva Thanh Lam cũng nóng lòng ra hồi ký Người đàn bà hát.
Điểm qua một số cuốn hồi ký tiêu biểu như trên, có sự thay đổi trong cách viết hồi ký. Nếu như trước kia, những cuốn hồi ký trong nước được xuất bản, do chính người tự viết thì với Lê Vân yêu và sống đã có sự phối hợp làm việc của hai người.
Thông tin cho biết Bùi Mai Hạnh và Lê Vân chưa từng biết nhau nhưng cuốn hồi ký của hai người làm việc cùng nhau, có sự ăn ý nhịp nhàng, giọng văn và giọng kể đã chinh phục người đọc.
Nhà văn Trần Thị Trường chấp bút cho nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, trả lời trên Vnexpress rằng "Tôi là tôi" và sẽ đứng cao hơn Bùi Mai Hạnh. Bà và Thanh Hoa là đôi bạn "con chấy cắn đôi". "Khó có thể so sánh giữa tôi và Mai Hạnh. Xét về danh tiếng, tôi nghĩ trong giới có lẽ chẳng ai xa lạ với cái tên Trần Thị Trường"(?)!
Vâng, tình bạn đôi khi có những dè chừng, viết về bạn đôi khi như kể chuyện mình, có lẽ điều này sẽ không có lợi cho người viết. Sự phát biểu thường mang theo cái tôi, và với một người viết lại đặt mình cao hơn một người viết khác thì hơi... hiếm.
Sau Lê Vân - Bùi Mai Hạnh làm việc cùng nhau trong cuốn hồi ký, "cặp đôi" nào làm việc tiếp, đặt ra những tiêu chí, đẳng cấp và có khẳng định hay tuyên bố gì thì vẫn là người đi sau, đến sau... Hy vọng sẽ có nhiều hồi ký bổ sung trên giá sách hồi ký trong thời gian tới, độc giả, những người yêu thích văn hóa đọc và đặc biệt thích đọc hồi ký hãy chờ xem.
Nguyễn Văn Ninh