Cánh Diều Vàng 2007:

Vẫn còn những bí ẩn khó đoán!

(Dân trí)- “Giờ cao điểm” của lễ trao giải Cánh Diều Vàng đang đến rất gần. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều thể loại phim đã được các hội đồng BGK tiến hành chấm giải. Duy chỉ có hạng mục “hot” nhất dành cho phim truyện nhựa là vẫn còn “im hơi lặng tiếng”.

Danh sách “chốt hạ” của phim truyện nhựa là 11 phim tranh giải Cánh Diều Vàng, trong đó gồm 7 phim nhà nước, và 4 phim được gửi tới từ các hãng tư nhân. Những cái tên đang được nhắc đến nhiều nhất là Rừng đen (Hãng phim truyện Việt Nam), Trái tim bé bỏng (Hãng phim truyện Việt Nam), Hoài vũ trắng (Hãng phim truyện I), Nụ hôn thần chết (Hãng phim Thiên Ngân)…

Nhìn lướt qua danh sách phim tranh giải, dường như phần thắng đang có xu thế nghiêng về các hãng phim nhà nước, mặc dù đa số các phim chưa được công chiếu. Rừng đen (tên cũ là Người vớt củi) của đạo diễn Vương Đức đang là một ẩn số đáng gườm. Rất lâu, đạo diễn của những bộ phim tên tuổi một thời như Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Của rơi… mới lại trình làng một bộ phim nhựa mới.

Kịch bản Người vớt củi từng được Cục trưởng Cục điện ảnh Lại Văn Sinh đánh giá cao nhất năm 2006, giữa hàng trăm kịch bản gửi lên Cục xin “viện trợ” làm phim. Vượt qua rất đông đối thủ để về “đầu quân” cho Hãng phim truyện Việt Nam, Người vớt củi (tức Rừng đen) đang “gánh vác” nhiều hứa hẹn.
 
Vẫn còn những bí ẩn khó đoán! - 1

Đạo diễn Vương Đức chỉ đạo một cảnh quay của "Rừng đen"

Sau bao năm vắng bóng, vắng tên trong những cuộc đua tranh giành giải Cánh Diều Vàng, năm nay hãng phim truyện Việt Nam “tung” ra ba phim, với lực lượng khá hùng hậu, bên cạnh Rừng đen (đạo diễn Vương Đức), còn có hai “anh tài” khác là Vũ điệu tử thần (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và Trái tim bé bỏng (đạo diễn Thanh Vân). Vũ điệu tử thần mới đây đã đoạt giải khuyến khích tại LHP lần thứ 15.

Trái tim bé bỏng tuy chưa công chiếu nhưng đã nhận được nhiều lợi ngợi khen sau buổi chiếu ra mắt báo chí. Theo đánh giá của những người trong nghề, Trái tim bé bỏng của đạo diễn Thanh Vân xứng đáng là ứng cử viên sáng giá trong lễ trao giải Cánh Diều Vàng năm nay.

Về phần hãng phim truyện I, năm nay “trọng trách” được đặt lên vai hai “tân binh”: Hoài vũ trắngChớp mắt cùng số phận. Cùng với phim Hoài vũ trắng, đạo diễn Đào Duy Phúc đã lập nên kỷ lục, liên tiếp trong ba năm có phim tham dự Cánh Diều Vàng, đó là 2 trong 1 (năm 2005), Sinh mệnh (năm 2006) và Hoài vũ trắng (2007).

Với kịch bản được viết về mối tình thủy chung của một nữ chiến sỹ cách mạng, Hoài vũ trắng tuy chưa công chiếu nhưng cũng đang “gánh” nhiều hy vọng cho Hãng phim truyện I.
 
Vẫn còn những bí ẩn khó đoán! - 2

"Trái tim bé bỏng"- ứng cử viên sáng giá của Cánh Diều Vàng năm nay?

 

Các hãng phim tư nhân tham gia Cánh Diều Vàng với “mỗi người mỗi vẻ”, Sài gòn tình ca (hãng phim Giải phóng hợp tác cùng hãng phim Celluloid Dragon Picture) lãng mạn, Nụ hôn thần chết (hãng phim Thiên Ngân) hài hước, Mười (hãng phim Phước Sang) kinh dị…

Xét khách quan trên mặt bằng chung, phim tư nhân gửi tham dự Cánh Diều Vàng năm nay ít hơn về số lượng, và cũng “khiêm tốn” hơn về chất lượng so với các phim nhà nước.

Nếu như lễ trao giải Cánh Diều Vàng năm 2005 và 2006 là những cuộc rượt đuổi kịch tính của những đối thủ “ngang sức, ngang tài” như Sống trong sợ hãiChuyện của Pao (năm 2005), Hà Nội, Hà NộiÁo lụa Hà Đông (năm 2006), thì Cánh Diều Vàng 2007 khá trầm lắng và bí ẩn.

Nhiều “đối thủ đáng gờm” chưa công chiếu, nên cuộc “so găng” giành giải trở nên khó đoán. Chỉ biết, Rừng đen, Trái tim bé bỏng, Hoài vũ trắng, Nụ hôn thần chết… là những cái tên được đánh giá là “nặng ký” cho nhiều hạng mục giải thưởng khác nhau của phim truyện nhựa.
 
Vẫn còn những bí ẩn khó đoán! - 3

"Nụ hôn thần chết"- đại diện tiêu biểu của phim tư nhân

Không “hot” bằng phim truyện nhựa, các thể loại phim khác như phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim truyện Video đang âm thầm dự giải. Những đánh giá đầu tiên về mặt chung các thể loại phim tham dự năm nay đã được hé lộ. Phim truyện Video dài tập, cái tên nổi bật nhất vẫn thuộc về Ma làng (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần- Trung tâm sản xuất phim truyền hình).

Phim truyện Video ngắn tập có mười phim tham gia: Xanh mãi đồi chè, Mùa hè rớt, Mùa thu không cô đơn, Xám hối, Đầu bếp & đại gia… Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (BGK của hội đồng chấm giải cho thể loại phim Video một tập) “Phim Video một tập năm nay tham dự ít cả về số lượng và chất lượng, không có được những gương mặt nổi bật như Nhà có ba chị em năm trước…”.
 
Đạo diễn của Nhà có ba chị em- Đỗ Thanh Hải năm nay cũng tham gia với tư cách là thành viên BGK của hội đồng chấm giải cho thể loại phim Video một tập.

Phim tài liệu, và phim khoa học, như thường lệ, vẫn là thể loại “âm thầm nhất trong các thể loại phim âm thầm” đến với giải Cánh Diều Vàng. Hãng phim tài liệu và khoa học TW được xem là đơn vị “độc tôn” trong hai thể loại phim “âm thầm” này. Không có đối thủ, không có đơn vị cạnh tranh, nên hãng có thể ung dung gửi phim tham dự và đón nhận giải thưởng đổ về.

Một trong những cái tên đang được BGK nhắc đến nhiều ở thể loại phim tài liệu năm nay là Cha mẹ xin lỗi con của đạo diễn trẻ Phan Huyền Thư.

Để khép lại bài viết này, người viết xin lấy ý kiến của đạo diễn trẻ Phan Huyền Thư làm lời kết: “Chúng tôi rất vui khi mang tác phẩm của mình đến dự một lễ trao giải có tính nhà nghề như Cánh Diều Vàng. Nhưng, Ban Giám Khảo nào thì Giải thưởng nấy. Ban Giám Khảo mới là những người quyết định không khí của đêm trao giải”.

Nói gì thì nói, với những nghệ sỹ làm nghề, giải thưởng bao giờ cũng có tính động viên, khích lệ. Bất kỳ nghệ sỹ nào cũng hồi hộp trước một mùa giải mới, dù có thể, ngay sau mùa giải sẽ thất vọng, buồn phiền. Nhưng, là người tâm huyết, họ vẫn chờ đợi những sự đổi mới ở mùa giải năm sau, và lại hồi hộp khi phim mình tiếp tục dự giải… Điều ấy là sự thật, dù có được tâm sự thành lời hay không.

Bởi vậy, uy tín và “thương hiệu” của giải thưởng điện ảnh hơn bao giờ hết cần đến sự công tâm của Ban Giám khảo- những người quan trọng làm nên không khí thực sự của đêm trao giải.

H.H