Văn chương liệu có rẻ như bèo?
(Dân trí) - Gần đây, trong giới văn chương, giới nhà báo lại đang rỉ tai nhau về một tập thơ mới của tác giả Nguyễn Phong Việt, tập thơ nghe nói có nhuận bút lên đến... vài trăm triệu đồng.
"Văn chương hạ giới rẻ như bèo" - đó là câu cửa miệng của cánh nhà văn, nhà thơ trong lúc trà dư tửu hậu, hay cũng là tiếng thở dài của giới văn sĩ nước nhà. Đúng thế thật, cái nghiệp văn chương thường đi với một chữ "nghèo", có anh nhà văn một năm xuất bản mấy cuốn văn, mấy tập thơ, mấy cuốn bút phiếm mà nhuận bút nhận về cũng chẳng đủ cho đôi ba bữa lẩu sang với bạn bè.
Các nhà văn, nhà thơ lão thành, có văn thơ in trong sách giáo khoa, trẻ con nhắm mắt cũng thuộc nằm lòng nào mấy cụ có tiền. Âu có cũng chỉ dựa vào con cháu, hay cũng xoay xở đôi ba cái nghề kiếm tiền nuôi nghiệp văn chương. Cái nghiệp thơ văn nó cao sang thì cao sang thật, nhưng cao sang cũng chẳng đánh đổi được một chữ "tiền". Cơm áo đâu có đùa với khách thơ.
Ấy thế mà dạo gần đây, trong giới văn chương, giới nhà báo lại đang rỉ tai nhau về một tập thơ mới của tác giả Nguyễn Phong Việt, tập thơ nghe nói có nhuận bút lên đến vài trăm triệu đồng.
Bìa tập thơ của Nguyễn Phong Việt
Con số vài trăm triệu hay thậm chí cả tỉ đồng chẳng đáng nói với giới kinh doanh, họ sẵn sàng gác chân lên ghế đẩu, cười nhạo anh nhà báo làm thơ, bán mặt cho bút giấy, cả năm cả tháng mới sản xuất được có vài trăm triệu đồng. Thật chẳng bõ công. Nhưng con số đó lại là "quả bom tấn" đối với giới văn chương, đủ khiến mấy anh đồ dở nản nghiệp cầm bút vo ve làm thơ trở lại, mong có ngày "lên hương" như anh nhà thơ nhà báo này. Nhưng thực hư con số nhuận bút khủng này như thế nào chưa ai có thể kiểm chứng được.
Còn nhớ, cách đây chỉ mấy tháng, độc giả yêu thơ xôn xao bởi tập thơ đầu tay của một cô gái trẻ. Thơ của cô rất nổi tiếng trong cộng đồng mạng. Các bạn trẻ đọc thơ của cô rồi khóc. Các bà, các mẹ đọc thơ cô cũng khóc. Họ chia sẻ thơ của cô, đăng những bài thơ của cô lên facebook, những diễn đàn, trang mạng cũng đăng thơ của cô, còn tác giả lập tức được xưng tụng thành "hiện tượng thơ trẻ". Một đơn vị xuất bản có tiếng đã tìm đến và đặt vấn đề in thơ của cô thành sách. Họ tổ chức cho cô hẳn một buổi ra mắt sách hoành tráng với sự góp mặt của đông đảo phóng viên, các nhà phê bình danh tiếng, cùng rất nhiều buổi ký tặng sách từ Bắc chí Nam. Thế nhưng nghe đâu nhuận bút của cô cũng chỉ là một con số cơ bản trong mặt bằng chung của thị trường xuất bản bé nhỏ của Việt Nam.
Năm ngoái, trên thị trường xuất hiện một tác phẩm lừng danh của nước ngoài, do một tác giả tên tuổi đã có hàng loạt đầu sách bán chạy trên thế giới chắp bút. Ngay từ khi được chào bán về nước ta, cuốn sách đã gây nên một cuộc chiến tranh đoạt bản quyền dữ dội giữa các đơn vị xuất bản. Các đơn vị thừa hiểu độ ăn khách của tác phẩm và họ sẵn sàng chịu chi khi biết danh tiếng của nó sẽ giúp họ hoàn vốn và lãi đậm chỉ trong một sớm một chiều. Bên giữ bản quyền ra sức thách giá, các đơn vị xuất bản say máu đấu giá. Đơn vị "trúng thầu" tác phẩm lừng danh ấy nhờ đưa mức giá lên tới cả chục nghìn đô la. Đó là con số cao và nó hoàn toàn tương xứng với tầm vóc của tác phẩm đó. Thế nhưng đặt một tác phẩm đồ sộ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đó cùng con số chục ngàn đô với một tập thơ mỏng dính như tập thơ của Nguyễn Phong Việt cùng vài trăm triệu đồng bên cạnh cũng chẳng phải là một chín một mười? Vậy, sao có thể nói văn chương ở Việt Nam là rẻ rúng cho được?
Điên rồ. Đó là hai từ gần đây giới báo chí cũng như dân văn chương hay thốt ra nhất khi bàn về tập thơ "dát vàng" của Nguyễn Phong Việt. Họ cũng tò mò xem trong thời buổi các giá trị dần bị bão hòa như hiện nay, văn thơ ngày càng bị xem nhẹ, có gì trong Sinh ra để cô đơn (tên tập thơ) khiến tập thơ này được đầu tư kinh khủng đến như vậy? Hay suy cho cùng đó cũng chỉ là trò chơi ngông của đơn vị xuất bản nọ, theo như lời nói của giới xuất bản khi bàn luận về vấn đề này?
Tuy nhiên, khoan chưa bàn đến giá trị đích thực của tập thơ này, chỉ biết rằng nếu mức giá vài trăm triệu đồng đơn vị xuất bản nọ bạo tay chi bản quyền cho nó là có thật thì cũng đủ khiến giới văn sĩ trong nước có chút hi vọng vào một tương lai sáng sủa hơn cho nghề viết. Đại đa số chúng ta, những độc giả chưa bị chuyện "hậu trường" đằng sau những tờ tiền bản quyền làm nhạt đi tình yêu với văn thơ cũng có thể lấy đó làm điều vui, bởi số tiền đó chứng tỏ rằng văn chương không hề rẻ rúng.
Có người viết văn, làm thơ hay ắt có kẻ trả tiền, và người cấm bút vẫn có thể làm giàu được cho bản thân nhờ chính những dòng thơ, con chữ của mình. Và điều đó chắc chắn sẽ khiến thơ văn nước nhà ngày một khởi sắc, thôi thì cứ hi vọng như vậy!
Trần Hải