Ùn ùn kéo nhau về hội Gióng

(Dân trí) - Ngày 29/4 (tức 9/4 âm lịch) tại xã Phù Đổng - Gia Lâm - Hà Nội, hàng nghìn du khách và người dân địa phương đã đổ về tham dự hội Gióng. Một không gian cổ xưa độc đáo và oai hùng được tái hiện hết sức sinh động.

Ngay từ rất sớm,  hàng nghìn khách thập phương cùng người dân đã về dự hội gây nên cảnh ùn ứ ngay từ đầu đoạn đường đi vào đền. Hai ven đường làng đều được tận dụng làm nơi kinh doanh, bày bán hàng khiến không khí càng thêm bức bối trong cái nắng chói chang.

Ông Đinh Minh Tỉnh - Phó ban tổ chức lễ hội cho biết: "Năm nay, hội Gióng là hội lệ. Hội chính ôi tổ chức 5 năm một lần lấy năm chẵn để tổ chức là năm cuối có con số 0 hoặc 5. Mùng 9 là ngày lễ chính - ngày hội trận. Đây là thời điểm trọng tâm và náo nhiệt nhất của toàn bộ diễn trình hội Gióng. Sau lễ tế Thánh là lúc dân chúng và du khách vào dâng hương tại đền Thượng.

Ùn ùn kéo nhau về hội Gióng - 1
Hàng ngàn du khách và người dân địa phương đổ về dự hội Gióng làng Phù Đổng.

Trong ngày hội trận diễn ra các trận đánh như: trận đánh cờ ở Đống Đàm hay trận đánh cờ ở Soi Bia. Hàng trăm người từ các chú Tiểu Cổ tuổi dưới 11 tới 28 cô tướng đóng vai tướng giặc Ân tuổi không quá 13, đội quân Phù Giá (72 người - đội quân cận vệ hay ngự lâm), các phường Áo Đỏ (100 em thiếu nhi tuổi từ 11-15), Áo Đen (48 người thanh niên tuổi 18-25), phường  Ải Lao (đội ca múa người Lào - một cống phẩm của nước Ai Lao (Lào) được tập trung để dàn trận.

Buổi sáng, Ban tổ chức lễ hội làm lễ tế thánh và khách thập phương đến lễ, ngoài ra còn có các hoạt động văn nghệ quần chúng như hát tuồng, hát quan họ thu hút được nhiều khách xem hội.

Ùn ùn kéo nhau về hội Gióng - 2
Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thu hút được nhiều khách xem hội.

Anh Ngô Văn Hải, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đi hội Gióng. Dù là hội lệ hay hội chính nhưng tôi nghĩ ngoài việc đến hội Gióng để xem hội thì đến hội Gióng còn để xin lộc thánh cho cả năm may mắn.

“Buổi chiều khoảng 1h 30 bắt đầu thành hội. Ông Hiệu cờ bắt đầu kéo hội xuống bãi Soi bia để đánh cờ trận. Cờ được dùng để đánh cờ trận có chiều rộng 40cm, dài 2,5m. Ông Hiệu sẽ phất cờ theo hình chữ “lệnh” và phải rất cẩn thận để cờ không bị cuốn, năm nào cờ bị cuốn sẽ ảnh hưởng đến quốc thái dân an, động đến lòng dân, do đó người phất cờ phải đặt trách nhiệm của mình đối với đất nước lên hàng đầu”, ông Tỉnh cho biết.

Ùn ùn kéo nhau về hội Gióng - 3
Một không gian cổ xưa vô cùng độc đáo và oai hùng được tái hiện trong hội Gióng.

Các ông Hiệu, đội Phù giá, ông Hổ, làng áo đỏ, làng áo đen… lần lượt xuất hiện trong tiếng hò reo tưng bừng của nhân dân và du khách. Những bước chân chạy rầm rập của đội phù giá cả trăm người đóng khố, cởi trần, đầu đội mũ có hình quả dưa, trên có đính chín con rồng nhỏ, tượng trưng cho Đất, vai đeo một túi “bán nguyệt“ có hình nửa vầng trăng, tượng trưng cho Trời, tay cầm chiếc quạt giấy màu nâu khắc cụp, khắc xòe theo khẩu lệnh của ác ông “Xướng“ và “Xuất“, tượng trưng cho một loại vũ khí có sức biến ảo khôn lường, tạo cho du khách cảm giác về một không gian cổ xưa vô cùng độc đáo và oai hùng.

Mỗi ông Hiệu tham gia phải tốn khoảng 50 - 60 triệu đồng, đó là khoản gia đình họ tự bỏ ra. Biết tốn kém vậy nhưng họ vẫn xung phong vào vì mong muốn được đóng góp vào việc nhà Thánh, xin “lộc” nhà Thánh. Đó là tính linh thiêng của lễ hội, ngoài ra còn có tiêu chí sức sống mãnh liệt của lễ hội tồn tại theo thời gian được đến ngày nay.

Xuân Thái - Thế Cường