Tuấn Khanh: Giờ chưa phải lúc... lấy vợ
Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi với một trong ba vị giám khảo dễ thương của Vietnam Idol, lại "thấy" được một Tuấn Khanh thật chân thật, bình dị giữa đời thường. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng những băn khoăn về Vietnam Idol.
Vietnam Idol chỉ đủ sức gây cảm tình
Anh thẳng thắn nhận định: "Có thể nói rằng, Vietnam Idol năm nay sẽ khó mà tìm ra một thần tượng âm nhạc chung cho công chúng trên cả nước. Nếu cho đó là thất bại thì thất bại này phổ biến trên tất cả các quốc gia lần đầu tiên sử dụng format chương trình gốc Pop Idol của Anh.
Việc để cho khán giả quyết định "số phận" của các thí sinh thông qua phiếu bầu, tất nhiên sẽ không thể đi đến một ý kiến thống nhất vì cảm nhận âm nhạc của từng người là khác nhau. Thế nên mới xảy ra chuyện có những thí sinh hát hay, được giám khảo khen hết lời nhưng vẫn bị loại vì không đủ số phiếu bầu chọn. Tiếc cho những thí sinh ấy nhưng cuộc chơi nào cũng có những quy định của nó".
Để vươn tới 2 từ "thần tượng", theo Tuấn Khanh, phải hội đủ cả 2 yếu tố tài năng và nhân cách. Dưới góc nhìn của anh, những thí sinh Vientnam Idol năm nay chỉ đủ sức gây cảm tình.
Tính minh bạch của cuộc thi, về phía Ban Tổ chức và Ban Giám khảo, được anh khẳng định: "Tôi muốn cung cấp thông tin này để khán giả hiểu rõ hơn, chuyện cơ cấu chọn ai, loại ai qua mỗi vòng thi là không có. Tất cả 40 quốc gia sử dụng fotmat chương trình gốc của Pop Idol đều thông qua một công ty kiểm phiếu duy nhất ở Anh là I - Pop. Công ty này giữ bí mật tuyệt đối về số lượng phiếu bầu và chỉ cho biết ai là người bị loại sau mỗi vòng thi. Đến khi cuộc thi kết thúc, số phiếu trên mới được công bố. Còn việc thí sinh sử dụng các "chiêu" để làm tăng số phiếu bầu cho mình là có nhưng không thể cấm họ được".
Lời thật mất lòng
Phần đông khán giả, nhất là những khán giả trẻ, chỉ bắt đầu biết đến nhạc sĩ Tuấn Khanh trong khoảng 4 năm trở lại đây, kể từ khi anh tham gia các chương trình Sao Mai Điểm Hẹn 2003 (trong vai trò giám khảo) và Trò chơi âm nhạc 2006 (làm đội trưởng trong một thời gian dài) trên VTV, và cuộc thi Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol đang diễn ra trên HTV.
Trước đó một chút, anh được biết đến với tư cách là nhạc sĩ đỡ đầu cho 2 nhóm ca rất phong cách là MTV và Trio 666. Thật sự thì anh "nổi tiếng" trong giới nghệ sĩ Sài Gòn đã từ lâu lắm, bằng cả những ca khúc bằng cả tính bộc trực của anh.
Anh nhớ lại thời còn là sinh viên Đại học Tổng hợp, những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước: "Đó là những tháng ngày buồn của âm nhạc Việt Nam, chỉ có 2 loại ca khúc được phổ biến rộng rãi lúc đó là nhạc đỏ (nhạc cách mạng) và nhạc xanh (nhạc mới sáng tác ca ngợi quê hương, đất nước). Anh em sinh viên chúng tôi khó khăn lắm mới tổ chức được những đêm nhạc pop - rock hay những đêm nhạc tiếng Anh".
Nhưng kể từ khi ca khúc Trả nợ tình xa của Tuấn Khanh ra đời, anh chính thức bị "dòm ngó". Trong một thời gian, các ca khúc theo xu hướng nhạc trẻ của anh bị ngăn cấm và gây khó dễ. Tiếp theo đó là một thời gian anh tham gia làng báo, nói lên quan điểm của mình về tình hình âm nhạc nước nhà.
Hậu quả là anh bị hai tờ báo lớn cho thôi việc với lý do "có tư tưởng không lành mạnh với văn hóa cách mạng". "Có những lúc tưởng sắp đi tu rồi chứ!", anh rùng mình nhớ lại. Và càng buồn hơn vì cùng lúc ấy, Hội âm nhạc thành phố cũng có chủ trương khai trừ anh ra khỏi hội và đời sống âm nhạc chung.
Sau này, khi cái nhìn của những nhà quản lý về âm nhạc "thoáng" dần, nhạc sĩ Tuấn Khanh được trở lại với công chúng nhưng những phát biểu của anh về sự trì trệ của nền âm nhạc Việt Nam vẫn làm không ít người phải giật mình. Anh bảo: "Trên thế giới, ngoài Mexico thì Việt Nam là đất nước mà một năm có 365 ngày đều có chương trình âm nhạc, đủ để biết đời sống âm nhạc của nước ta lớn đến thế nào.
Tham nhũng trong âm nhạc cũng nguy hiểm không kém các lĩnh vực khác. Chuyện một ca sĩ muốn xuất hiện trước công chúng trong những chương trình ca nhạc lớn phải "lót tay" người biên tập, một thí sinh muốn đoạt giải cao phải biết "đi đêm" đã trở thành luật bất thành văn. Đó cũng là "tham nhũng".
Thế nên, đến bây giờ, anh vẫn có cuộc sống dường như tách biệt với giới văn nghệ sĩ thành phố, không bon chen, không bè phái. Bạn bè của anh hiện tại, anh tự nhận, đó là những người sa cơ, lỡ vận, những người mà ở bên họ, anh thấy mình có thể giúp được nhiều hơn.
Anh kể, đã không ít lần người ta mang tiền đến nhờ anh đào tạo con em họ thành "sao này sao nọ". Anh đã thẳng thừng từ chối: "Tôi không muốn giết họ bằng những viên đạn bọc đường, tiềm năng con em họ đến đâu, tôi nói cho biết đến đấy. Tôi nghĩ, tiền bạc không đem đế những giá trị thật. Tôi có rất nhiều ca khúc viết ra chỉ để giải quyết một nhu cầu tinh thần nào đó của bản thân, những ca khúc này tôi không đem ra kinh doanh thương mại".
Tôi hỏi anh vì sao có những chương trình anh tham gia ngay từ những buổi đầu như những người tiên phong, khai phá nhưng sau đó lại thôi. Anh cười: "Những ngày đầu đầy thử thách, gian nan nhưng thật sự là cuộc chơi công bằng, trong sáng. Đến khi chương tình có chút tiếng tăm, người ta nghĩ ngay đến chuyện thu lợi và được sắp xếp theo lợi nhuận. Cuộc chơi hết vô tư thì mình cũng hết hứng thú, nghỉ thôi".
Trước câu hỏi: "Cuộc sống của Tuấn Khanh lúc này có gì "đặc biệt" không?", anh lắc đầu: "Vẫn vậy thôi, tôi vẫn sống độc thân. Vẫn ở nhà của mẹ và ăn cơm bụi. Chuyện lấy vợ đôi khi cũng nghĩ tới nhưng chưa phải lúc này, tôi muốn chuyên tâm vào công việc và những dự định chưa thực hiện được".
Theo Thế Giới Tiêu Dùng/TTOL