Triển lãm tranh cát ấn tượng của họa sĩ Nhật Bản tại Hà Nội
(Dân trí) - Triển lãm tranh Maris - Maris Art Project in Vietnam của họa sĩ nghệ thuật đương đại Liku Maria Takahashi nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và được sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa khai mạc tại Hà Nội.
Triển lãm tranh của họa sĩ nghệ thuật đương đại Takahashi Liku (Maria) – Nhà phát minh và sáng lập Maris Art Project tại Hà Nội vừa được khai mạc tại Hà Nội.
Sau thành công khi tổ chức triễn lãm ở Tokyo (2014, 2017), Bazil (2016) và chuỗi triễn lãm tại các nước Châu Âu (Cộng Hòa Séc, Italia, Pháp,Thụy Điển) cũng như Mỹ..., theo lời mời từ Ông Kenichi Noguchi – Đại diện khu phức hợp Sakura Station thì Họa sĩ Maria đã quyết định đưa Maris Art Project đến Hà Nội với tên gọi “Vòng quanh Châu Á cùng dự án nghệ thuật Maris”.
Đây là một dự án mỹ thuật ý nghĩa xuất phát từ chính câu chuyện của mình khi cha của họa sĩ Maria là một bệnh nhân khiếm thị, và bị ám ảnh bởi câu nói của cha mình “Một lúc nào đó cha sẽ không thể nhìn thấy được nữa…”, cô cũng đã từng hóa thân vào vị trí của một người khiếm thị và cô cảm nhận, đồng cảm với họ.
Dự án Maris ra đời trong quá trình Maria theo học ngành điêu khắc, đại học tạo hình Tokyo, trong quá trình học tập và nghiên cứu, sáng tác, cô đã sáng tạo ra “Bảng tiêu chuẩn thế giới Maris” xác định màu sắc và tông màu cụ thể bằng kích thước hạt cát và mùi hương tinh dầu thảo mộc với 10 tông màu và 10 màu sắc cơ bản.
Trong quá trình sáng tác những bức tranh trong dự án tranh Maris, cô đã có cuộc gặp gỡ với Tổ chức người khiếm thị cao tuổi (Hội đồng liên lạc cơ sở phúc lợi người già khiếm thị toàn quốc, hoạt động phi lợi nhuận), cuộc gặp gỡ này đã giải thoát những điều bất an trong sâu thẳm tâm hồn cô về việc hỗ trợ cho người khiếm thị và cô đã cho ra đời dự án Nghệ thuật Maris.
Maris là tranh vẽ bằng cát – là phương pháp vẽ tranh đầu tiên trên thế giới giúp người khiếm thị có thể cảm nhận được màu sắc và hình ảnh bằng khứu giác và cảm giác.
Độ sáng của màu sắc được xác định bởi kích thước hạt cát và được qui định trong bảng tiêu chuẩn thế giới Maris (phát minh năm 2009 và được cấp bằng sáng chế tại Nhật). Độ lớn của hạt cát biểu tị cho độ đậm nhạt, mùi hương trên cát thể hiện màu sắc.
Với phát triển đột phá này, Maria giúp tất cả mọi người yêu nghệ thuật đều có thể thưởng thức và cảm nhận tác phẩm nghệ thuật của mình (từ người bình thường cho đến người khiếm thị).
Thông qua kích thước, màu sắc của những hạt cát và mùi hương của tinh dầu trên các bức tranh giúp người khiếm thị có thể cảm nhận được nghệ thuật và nội dung mà các bức tranh thể hiện, truyền tải thông điệp về tình yêu và hòa bình.
Đặc biệt, mọi người khi đến tham quan triển lãm đều có thể tham gia góp sức tạo nên những bức tranh mới, để số lượng bức tranh được làm ra với chủ đề “Love – Peace” sẽ ngày càng nhiều hơn với mong muốn sẽ có thật nhiều tác phẩm nghệ thuật dành tặng cho người khiếm thị.
“Tôi là một họa sĩ nghệ thuật đương đại, thể hiện những giá trị quan mới thông qua nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật, trong khi sáng tác những tác phẩm nghệ thuật thực nghiệm của mình, thì vào năm 2009, tôi tình cờ sáng tạo ra phương pháp tạo nên những bức tranh mà ngay cả những người mù hay người bình thường đều có thể cùng nhau thưởng thức được, và tôi đặt tên nó là Maris.
Những người mù có thể cảm nhận và hiểu được bức tranh nhờ cảm nhận được độ thô của cát và màu sắc đậm nhạt qua các đầu ngón tay khi chạm lên chúng. Hiện tại tôi đang tiến hành song song hai hoạt động chế tạo tranh Maris cùng dự án nghệ thuật Maris. Giấc mơ của tôi là đưa những bức tranh Maris chạm tới đầu ngón tay của những đứa trẻ trong trường học dành cho người khiếm thị trên toàn thế giới này”, họa sĩ Liku Maria Takahashi chia sẻ tại buổi khai mạc.
Và trong lễ khai mạc vừa qua, nghệ sĩ Maria cũng đã tổ chức lễ đánh dấu cột mốc 10.000 người đồng hành cùng “Maris Art Project”.
Sau Hà Nội thì Paris, Praha, Stockholm và TP.HCM sẽ là địa điểm tiếp theo mà họa sĩ Maris sẽ ghé trong hành trình của mình.
Triễn lãm sẽ diễn ra cho đến hết ngày 9/12/2018 tại Khu phức hợp Sakura Station, Hà Nội.
Nguyễn Hằng