Triển lãm hình ảnh người phụ nữ trong nghệ thuật tranh xé giấy

(Dân trí) - Những mảnh giấy bỏ đi từ cuốn tạp chí cũ, quyển lịch dùng rồi… được các họa sĩ “thổi hồn” thành hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong nhiều hoàn cảnh, cung bậc cảm xúc khác nhau.

Lần đầu tiên, “Triển lãm hình ảnh người phụ nữ trong nghệ thuật tranh xé giấy” giới thiệu tác phẩm của 3 họa sĩ Ngọc Uyển, Lâm Chiêu Đồng, Liên Hương được trưng bày tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM (192-194 Lý Chính Thắng, quận 3), diễn ra từ ngày 8/3-17/3.
 
Triển lãm hình ảnh người phụ nữ trong nghệ thuật tranh xé giấy

Khó tin những mảnh giấy vụn có thể trở thành bức tranh độc đáo, nhiều khán giả phải đưa tay miết thử
 
Các bức tranh thể hiện hình ảnh cô gái xuân thì với màu xanh lá tràn đầy nhựa sống, người mẹ H’Mông dịu dàng tay cầm hoa rừng và bản thân chị cũng là một đóa hoa đại ngàn, hay người phụ nữ Nam Bộ với áo bà ba rất riêng… Bức “Chống chếnh” thì thể hiện nỗi lo toan người phụ nữ một nách ba con nhỏ, một đứa còn ẵm ngửa còn người chồng thì đã ở thế giới bên kia…
 
Hoa đại ngàn Tây Bắc - Ngọc Uyển
Hoa đại ngàn Tây Bắc - Ngọc Uyển
 
Chống chếnh - Ngọc Uyển
Chống chếnh - Ngọc Uyển
 
Chị em - Liên Hương
Chị em - Liên Hương
 
Tuổi thanh xuân - Ngọc Uyển
Tuổi thanh xuân - Ngọc Uyển
 
Họa sĩ Ngọc Uyển cho biết: “Khác với tranh sơn dầu, họa sĩ tranh xé giấy phải nhìn thấy giấy trước rồi mới hình thành ý tưởng. Và do đặc trưng của việc dán những mảnh giấy chồng chéo lên nhau nên cũng không vẽ phác thảo trước. Mỗi bức tranh xé giấy là một tác phẩm duy nhất, không thể sao chép, kể cả tác giả cũng không làm được bức thứ hai giống hệt”.
 
Họa sĩ Ngọc Uyển - người “thổi hồn” cho giấy
Họa sĩ Ngọc Uyển - người “thổi hồn” cho giấy
 
Một bức tranh xé giấy được làm vô cùng công phu, tỉ mỉ với nhiều công đoạn chọn giấy, quấy hồ, xé - dán giấy, phủ lớp bảo vệ ngoài cùng (hoặc phải lồng kiếng)… Và các họa sĩ phải một mình đảm trách các công đoạn, điều này làm nên nét khác biệt của tranh xé giấy với tranh mỹ nghệ - không thể sản xuất đại trà.

Hồng Nhung