Trang phục dân tộc “bánh mì” của H'Hen Niê gây tranh cãi
(Dân trí) - Với trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới vừa được ban tổ chức chọn là thiết kế “Bánh mì”, cư dân mạng đã bùng nổ tranh cãi dữ dội về sự lựa chọn lần này.
Ngày 22/11, trong buổi gặp gỡ truyền thông trước khi lên đường dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, H'Hen Niê – đại diện Việt Nam đã trình diễn 3 thiết kế được tuyển chọn cho trang phục dân tộc mà người đẹp sẽ mặc thi đấu tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018.
Ngay khi thông tin về trang phục dân tộc chính thức của H’hen tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, cộng đồng mạng đã nhanh chóng nổ ra tranh cãi quyết liệt. Người hâm mộ cho rằng trang phục dân tộc Bánh Mì "kém sang". Mặt khác, bánh mì là món ăn không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều quen thuộc với bánh mì, rất khó để khẳng định bánh mì là món ăn đặc trưng, truyền thống của riêng người Việt Nam.
“Bánh mì là một món ăn có nguồn gốc từ Phương Tây và người Hoa (Trung Quốc) du nhập vào nước ta từ những năm thế kỷ 19, sao lại chọn nó làm hình ảnh và gọi nó là Quốc phục? Trong khi Việt Nam chúng ta còn có rất nhiều thứ để làm hình ảnh biểu tượng? Thật quá khó hiểu với những người chẳng bao giờ tìm hiểu lịch sử nước nhà”, một khán giả ý kiến về việc chọn ý tưởng bánh mì.
Hoa hậu Thu Hoài chia sẻ: "Bánh mì không bao giờ có thể đại diện cho nền văn hóa Việt Nam và càng xa xỉ hơn nếu đặt cho nó cái tên quốc phục. Nó chỉ là một sáng tạo có phần độc đáo, lạ lùng, chứ rất khó làm tốt vai trò trợ giúp em tỏa sáng trên một sân chơi quốc tế.
Chưa nói tới việc nó không thể tôn lên vóc dáng, đường nét hay thần thái của em, sự phối kết hợp giữa các món đồ thậm chí còn kéo lùi nhan sắc của em xuống thấp hơn. Làn da nâu, mái tóc tém kết hợp với chiếc nón lá và ổ bánh mì xếp xung quanh sẽ tạo ra hình tượng gì hả em?”
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tiến Doãn - Nhà thiết kế chuyên về nhận diện thương hiệu bằng y phục, anh cho rằng không có một quốc gia nào trên thế giới có quốc phục, nên chúng ta không dùng từ quốc phục ở đây để tranh cãi. Anh cho biết, khi đến với cuộc thi mang tính quốc tế, chúng ta mang theo hành trang văn hóa, y áo - trang phục - là một đề bài rất khó, vì phải trả lời nhiều câu hỏi tại sao một cách rõ ràng, chân thật nhất.
Anh chia sẻ trên trang cá nhân: "Năm trước Thái Lan khai thác các ý tưởng để quảng bá du lịch Năm 2018, với thiết kế này, Việt Nam đang mày mò đi theo. Tại sao chúng ta không đi độc lập một con đường, mà chúng ta cứ đạp chân theo con đường mà người ta đã đi, mà đi rất lâu rồi, liệu đi theo con đường cũ, giải pháp an toàn, nhưng lạc hậu, và lỗi thời chắc chắn có... Nhưng phải công nhận trang phục Việt Nam có nhiều sự tỉ mỉ".
Anh cũng nêu ví dụ về những thiết kế có ý tưởng đồng dạng với những thiết kế các năm trước, cụ thể ở cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thái Lan (Miss Grand Thailand) cũng với sự sáng tạo tương tự. Điều này rất khó khăn để nhận diện thiết kế của Việt Nam được chọn ở hiện tại là độc và lạ.
“Trang phục truyền thống, là thông điệp văn hóa, cảm xúc về bản sắc. Khi nhìn hình thì chưa thể có một phát biểu chính xác, vì liên quan đến nhiều yếu tố: thông điệp, chiến lược, quan điểm, sự duy chuyển, vận chuyển. Nhìn tấm hình mà Hoa hậu mặc một loại trang phục có nhiều ổ bánh mì, kết lại hình trái tim, thì rất khó để có 1 ý kiến chính xác. Nhưng qua tấm ảnh thì rất công phu, tỉ mỉ, chắc chắn mất rất nhiều thời gian lao động để hoàn thành mẫu này”, anh Tiến Doãn chia sẻ ý kiến về trang phục của H'hen Niê được chọn tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Anh cũng đánh giá khá cao về đại diện Việt Nam trong năm nay.
Hiện, các cuộc tranh cãi vẫn chưa dừng lại trên mạng xã hội và truyền thông. Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - đơn vị hỗ trợ và đưa H'hen Niê tham dự cuộc thi quốc tế cho biết trong thời gian tới sẽ có nhiều chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
Băng Châu