"Trai đẹp bị trục xuất" giao lưu ngắn ngủi với khán giả Việt
(Dân trí) - Là "nhân vật chính" trong đêm Kết nối giấc mơ, được lăng xê bài bản và rầm rộ trong một thời gian dài, tuy nhiên "nhân vật chính" Omar hay còn gọi là "trai đẹp bị trục xuất" lại xuất hiện chỉ chừng 5 phút trên sân khấu.
Có thể nói chương trình Kết nối giấc mơ là một trong những chương trình giải trí kỳ lạ nhất từng diễn ra trong làng showbiz Việt vốn không thiếu những chương trình kỳ cục. Ở đó, “nhân vật chính” được mời đến từ bên kia bán cầu bằng một đống ngoại tệ lớn, được lăng xê bằng một chiến dịch dài hơi lại chỉ xuất hiện trên sân khấu để nói vài ba câu vô thưởng vô phạt, “đi dạo” một vòng và... hết việc.
Nhưng, xét cho cùng thì sự “kỳ lạ” đó lại... chẳng kỳ lạ chút nào. Sở dĩ có sự đối nghịch một cách kỳ cục như vậy là bởi thật ra Omar đã bị đặt vào một sân chơi hoàn toàn quá tầm. Omar hay còn được biết đến với tên gọi “trai đẹp bị trục xuất” không sở hữu bất kỳ một tài năng nào để có thể biểu diễn trên sân khấu ngoài... đẹp. Mà cái thứ “tài năng” đặc biệt đó, anh cũng không xuất sắc như người ta tưởng. Vậy nên việc Omar chỉ dạo một vòng làm kiểng như hoa trang trí cũng thật sự hợp lý, bởi đó là điều duy nhất anh có thể làm tốt.
Đêm Kết nối giấc mơ đã diễn ra tối 13/9 với số khán giả ít ỏi, đây là điều có thể dự đoán trước sau khi Omar bị “thất sủng” thấy rõ vài ngày gần đây. Có rất nhiều lý do để giải thích cho điều này, một trong những lý do nằm ở sự tính toán “điểm rơi” sai của BTC. Nếu chương trình này diễn ra ngay đêm sau khi Omar đến Việt Nam, sân vận động QK7 có thể đã được lấp đầy chứ không thưa thớt như đêm 13/9.
Tại sao lại nói như vậy? Bởi sau hai ngày đến Việt Nam, gần như mọi sự thật có thể khiến khán giả thất vọng về Omar đều đã được phơi bày trên khắp các mặt báo. Những sự thật như chuyện anh không bị trục xuất vì quá đẹp trai như tin đồn mà vì lý do “nhạy cảm” hơn rất nhiều, chuyện anh không được “long lanh” như trong ảnh, chuyện anh “nữ tính” đến bất ngờ... hay chuyện anh xuất hiện với tần suất dày đặc trên báo cũng khiến khán giả đã thôi không còn háo hức, tò mò với “bông hoa lạ” này nữa.
Khổ nỗi, người ta tìm đến Omar vì tò mò là chính chứ người ta không “hâm mộ” Omar vì anh đóng phim giỏi, hát hay... Hơn nữa, chắc khán giả cũng biết rõ ở một sân khấu lớn như sân vận động QK7, họ cũng không được “ở gần” Omar mà chỉ có thể đứng từ xa ngắm nhìn. Nên khi trí tò mò đã được thoả mãn phần nào, chẳng mấy ai bỏ thời gian công sức và cả... tiền bạc để đội mưa tới sân khấu ngắm anh trực tiếp cũng là điều dễ hiểu.
Chắc những khán giả đã không đến trực tiếp sân vận động QK7 hẳn cũng sẽ không lấy làm quá buồn bởi sự thật là đêm Kết nối giấc mơ có thể nói là một đêm diễn “tiệm cận” sự thất bại. Chương trình không có được cả “thiên thời, địa lợi” lẫn “nhân hoà” nên trời thì mưa to không ngớt, khán giả không mấy ai muốn đội mưa tới một sân khấu ngoài trời để xem một chương trình không quá hấp dẫn, chưa kể là địa điểm tổ chức lại quá xa trung tâm thành phố. Khách quan là vậy, còn chủ quan, sự hạn chế trong cách tổ chức chương trình cũng khiến cho rất đông khán giả bỏ về giữa chừng.
Dù tên gọi là Kết nối ước mơ nhưng có theo dõi cả chương trình, tìm đỏ mắt cũng không ai thấy được thông điệp của chương trình. Là chưa kể sự non tay của người viết kịch bản cũng khiến chương trình như bị vỡ vụn ra, mạnh ai nấy hoàn thành công việc của mình. Còn những nhân vật được chờ đón nhất là “trai đẹp bị trục xuất” và ba chàng trai họ Lưu thì chỉ xuất hiện ngắn gọn. Thậm chí “vai chính” Omar chỉ lên nói vài câu “vô thưởng vô phạt” lại còn bị “quê độ” khi bị MC Thuỳ Minh gọi sai tên là... Obama. Rồi sau đó, anh dẫn người mẫu “đi dạo” một vòng quanh sân khấu và... kết thúc chương trình. Điều này chắc chắn khiến khán giả thất vọng, bởi họ chờ đợi nhiều hơn thế ở “ngôi sao quốc tế” này.
Sự thật, với sự xuất hiện ngắn ngủi và nhạt nhoà đó, khán giả cũng không hiểu mục đích Omar và 3 chàng họ Lưu xuất hiện trên sân khấu để làm gì, và có lẽ, chính họ cũng không hiểu. Cũng may cho BTC chương trình, những khách mời còn lại dù không phải “vai chính” là các ca sĩ như Hồ Quỳnh Hương, Văn Mai Hương, Vmusic, Noo Phước Thịnh... đã có những màn biểu diễn chất lượng để giữ khán giả nán lại.
Trước khi chương trình diễn ra, báo chí đã viết nhiều về sự vô nghĩa trong việc bỏ một đống tiền ra mời “trai đẹp” về để khán giả... “ngắm”. Mục đích có lẽ không gì khác hơn là đơn giản chỉ để khán giả đánh giá xem ở ngoài đời anh khác gì so với trong ảnh. Cũng không ít người thở dài ngao ngán bởi rốt cuộc “gu” giải trí của người Việt đã thấp tới mức đó rồi sao? Trong bối cảnh hiện tại, bỏ một đống ngoại tệ ra để “rước” “trai bị trục xuất không phải vì quá đẹp” về Việt Nam chỉ để ngắm không chỉ là một sự lãng phí ghê gớm mà còn là coi thường khán giả nữa.