Thy Dung kể về cuộc sống của ca sĩ hải ngoại ở Mỹ
(Dân trí) - Định cư ở Mỹ gần 4 năm, Thy Dung trải qua nhiều đắng cay, và cuộc sống không hào nhoáng như người ta vẫn nghĩ. Công việc chính là ở thẩm mỹ viện để kiếm tiền nuôi con, thỉnh thoảng chị mới có show đi hát. Ca sĩ hải ngoại khác cũng sống tương tự...
Cũng đã gần 4 năm sau khi chị đột ngột qua Mỹ sống, hiện tại cuộc sống của chị thế nào rồi?
Cuộc sống của tôi ở Mỹ bình thường lắm, không giống như ở Việt Nam bởi hai nước có đời sống khác biệt. Tôi qua bên đó thì chỉ biết công việc, ngày ngày đi làm, còn chuyện hát hò chỉ là phụ. Lâu lâu có show của cộng đồng người Việt mời, tôi cũng có tham gia trên hình thức là ca sĩ từ Việt Nam qua chứ cũng chưa là người của cộng đồng. Nhưng show ở bên đó rất thưa thớt, nếu muốn hát liên tục thì phải bay đi xa nhiều, đi mấy thành phố lớn có nhiều người Việt và phải đi vào dịp lễ thì mới có show liên tục. Mình có thể hát 2, 3 ngày. Vào mùa hè, nhiều show hơn, còn mùa đông thì ít lắm. Show bên đó khá lưa thưa, nên công việc chủ yếu của tôi là đi làm.
Hàng ngày, tôi đưa đón con đi học, nấu nướng và làm việc tại một thẩm mỹ viện phục vụ người Mỹ. Mình làm mọi việc, có việc gì thì làm việc đó, từ lễ tân cho đến làm đẹp cho người ta. Không giống thẩm mỹ viện ở bên mình, ở đây thẩm mỹ viện chỉ là việc chăm sóc bên ngoài, thi thoảng có trang điểm và xăm chân mày.
Hồi còn ở Việt Nam, chị là một ca sĩ nổi tiếng, bây giờ qua đó, cuộc sống không được như ý muốn, chị có thấy hụt hẫng không?
Mới đầu thì có nhưng giờ thì quen rồi. Khi đã xác định đi, tôi muốn gây dựng cho mình một cuộc sống mới và tôi chấp nhận cái gì cũng có giá của nó. Lúc đầu tôi không hụt hẫng về cuộc sống mà tôi đã chọn mà hụt hẫng về môi trường sống vì chưa quen, cái gì cũng phải học hết. Cuộc sống ở Mỹ hiện đại nên khi lái xe ra đường cũng phải học cách qua đường. Tôi cũng phải “trả tiền ngu” khá nhiều lần mới thông thạo được. Ở Mỹ bạn bè ít lắm, đời ai nấy lo. Cuối tuần nếu muốn đi chơi, có thể gặp một vài người Việt cùng nấu ăn hoặc tới khu thương mại để mua sắm, nhưng mình chưa rành lắm nên đến mấy chỗ đó rất nguy hiểm.
Cuộc sống của ca sĩ hải ngoại là vậy ư?
Không phải tất cả nhưng là phần lớn. Cuối tuần mới đi hát, mỗi người có một công việc, người thì có shop quần áo, người thì mở nhà hàng, người bán này kia... Ở bên đó, được sống trong một điều kiện an toàn chứ không phải bất bơ là được rồi.
Chị có nhớ sân khấu không?
Tất nhiên rồi, lúc nào tôi cũng muốn trở lại hết, nhưng chưa đủ điều kiện. Hi vọng con tôi lớn thêm chút xíu nữa, hòa nhập được với cuộc sống bên đó, có người chăm sóc, tôi sẽ trở về hoặc hát ở môi trường nào đó có nhiều hoạt động hơn.
Tôi thấy nhiều ca sĩ hải ngoại khác cũng bay đi bay về đó thôi? Tôi có nói chuyện với một vài người, họ thật lắm, họ kêu là đi hát ở Mỹ cát sê chỉ là 1000, 2000USD thôi, về Việt Nam được 10 nghìn USD hoặc 20 nghìn USD?
Có lẽ đúng, bởi nhu cầu của người Việt mình rất lớn. Hoạt động âm nhạc ở thị trường Việt Nam rất nhộn nhịp, lớp này đi qua thì lớp khác lại tới... Người Việt mình yêu ca hát lắm. Ở nước ngoài thì khác, người ta chỉ tập trung ở một vài lĩnh vực thôi.
Còn con chị thì sao?
Bé qua đó học ở trường Mỹ, bé nói tiếng Anh giỏi lắm. Tôi cũng dạy cho bé cả hai ngôn ngữ. Từ khi con qua sống cùng, tôi vất vả hơn vì phải đưa đón đi học. Chiều lại phải đi đón bé đúng giờ để đi gửi rồi tôi lại đi làm tiếp. Làm xong lại đi đón bé về, nói chung cũng cực lắm.
Ở Việt Nam có người thân quen làm mẹ đơn thân đã khó, ở ở Mỹ một mình thì lại càng cực khổ hơn.
Thật ra, ở bên đó tôi cũng được nhiều người giúp đỡ. Người Mỹ cũng giúp chăm sóc con tôi nhiều lắm. Ở bên đó, quan trọng là mình phải có việc làm để kiếm tiền trang trải thì mọi khó khăn sẽ qua. Vậy nên ở Mỹ, có việc làm quan trọng hơn đi hát, đi hát thì chỉ có show mới đi. Từ ngày bé qua đến giờ, tôi ít đi lắm. Ở Mỹ, họ không muốn giữ bé qua đêm, nếu muốn giữ qua một ngày thì mình phải có giấy tờ để họ giữ, thành ra sau này tôi đi hát ít hơn. Nói chung, tôi có cuộc sống rất bình thường, đơn giản.
Phụ nữ đơn thân không thiếu những giây phút chạnh lòng, kiểu “giá như có một ai đó để nương tựa...”
Thú thật, nói không chạnh lòng thì là nói dối nhưng chuyện đó qua lâu rồi. Nếu chạnh lòng, tôi chạnh lòng từ lúc mới sinh con ra chứ còn bây giờ mọi thứ đã an bài rồi. Tôi biết chấp nhận mọi thứ để vượt qua.
Kể cả trong mùa đông đầu tiên ở Mỹ? Tôi nghĩ mùa đông đầu tiên xa nhà sẽ để lại cho ta những ký ức khó quên?
Đúng vậy, nhưng khi ở một chân trời mới, tự nhiên ta sẽ tìm được niềm vui khác. Giống như ngày xưa ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy tuyết, nghĩ nếu như được chạm vào nó thì chắc sẽ vui. Cho nên khi ở đó tôi cũng hồi hộp chờ đợi xem mùa đông đến thế nào? Sự thật là mùa đông bên đó rất khó khăn, tuyết phủ, đi làm cũng phải đúng giờ, rồi con cái đi học phải đúng giờ. Tất cả mọi người, con và tôi đều phải biết học tập và tiếp cận cuộc sống. Đối với tôi, ký ức về mùa đông có nhiều nỗi buồn nhưng cũng có nhiều niềm vui. Niềm vui là con mình được ở với mình bên đó, mùa đông đầu đời của bé rất hạnh phúc. Tôi có con bên cạnh nên nỗi buồn trôi qua rất lẹ…
Chị rất nhiều lần nhắc đến tương lai, chị cũng nói cần công ăn việc làm, càng ngày bé càng lớn, nhu cầu càng nhiều. Chị có nghĩ đến một ngày nào đó chị kham không nổi và cần một ai đó cùng chung tay để lo cho bé, và cũng là một tương lai để dành cho chị nữa?
Tất nhiên rồi! Nhưng nếu nói là tìm thì tôi không tìm đâu. Tôi nghĩ có duyên gặp thì được. Trước mắt không có gì đâu, cuộc sống của tôi ở Mỹ nên cứ ở Mỹ. Nếu về Việt Nam, tôi chỉ chơi hoặc tham gia các dự án âm nhạc. Tôi vẫn đam mê lắm và cũng muốn tương lai nếu đủ điều kiện tôi sẽ trở về hát. Còn không thì cứ đi làm, đưa con cái đi học bình thường.
Ở bên Mỹ, chị thấy đàn ông Mỹ và Việt Nam khác nhau thế nào?
Tôi không có thời gian để so sánh. Văn hóa người Mỹ tôi cũng chưa tiếp cận hết. Tôi đi làm cũng gói ghém trong một cộng đồng người Việt. Bên Mỹ, nhà nào cũng cách xa nhau. Nói chung văn hóa sống của họ có sự riêng biệt nên khó tìm hiểu lắm. Vậy nên để so sánh giữa người Việt với người Mỹ, tôi cũng không biết so sánh làm sao.
Nếu “đi một bước nữa”, đó phải là người Việt để có sự tương đồng về văn hoá, cùng nhau nuôi dạy con hay chị sẽ nghĩ thoáng hơn là người nước nào mà chẳng vậy?
Thật ra hiện tại tôi không nghĩ tới chuyện này. Vì từ ngày có con, tôi lo chuyện nuôi dạy, lo tương lai của con. Còn chuyện một người đàn ông khác, tôi không nghĩ trong lúc này vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến mình và con. Tôi sợ nếu chọn một con đường sai thành ra lại rất phức tạp.
Xin cảm ơn chị rất nhiều!