Thiệu Ánh Dương - Người đàn ông cô đơn

Đã 10 năm trôi qua kể từ khi Thiệu Ánh Dương rời xa điện ảnh, anh không mảy may hối tiếc cái mà anh gọi là "niềm đam mê một thời". Giờ đã là vị trưởng văn phòng luật sư Sunlaw bận rộn với các vụ tranh tụng đầy lí thú. Và ít ai biết rằng anh đang là người đàn ông cô đơn.

Tính đến giờ anh tham gia tranh tụng được bao nhiêu lần rồi?

 

Nếu thống kê tổng số lần tham gia tranh tụng thì tôi không thể nào nhớ nổi, chỉ biết trung bình khoảng 1 - 2 vụ/mỗi tháng. Có người cho rằng như thế là ít nhưng tôi chỉ làm những vụ đáng làm. Hơn nữa, làm nhiều quá cũng có cái dở vì anh sẽ không đủ thời gian đầu tư kĩ năng của mình nên chỉ lướt lướt cho qua. Tôi biết có nhiều luật sư làm tràn lan, vụ nào cũng nhận…

 

Dù anh có trở thành luật sư, dù anh có thành công bao nhiêu vụ án chăng nữa thì người ta vẫn nghĩ và nhắc đến anh là một diễn viên Thiệu Ánh Dương?

 

Tôi rất trân trọng và biết ơn những khán giả đã yêu mến mình. Tôi nghĩ tôi không hưởng hơn những gì tôi làm vì lớp trẻ bây giờ không biết Thiệu Ánh Dương là ai. Và phải công nhận rằng, nghề diễn viên giúp tôi rất nhiều trong việc phá bỏ hàng rào xã giao để tạo nên những mối quan hệ mới. Nó cũng giúp ích cho tôi trong một số vụ án. Giống như nhập vai nhân vật, tôi đặt mình vào tâm lí bị cáo để tìm hiểu tình cảm, và động cơ dẫn tới hành vi. Cái bóng của các vai diễn còn lưu lại cũng khiến nhiều người ban đầu tìm đến tôi không tránh khỏi e ngại: "Không biết đứng trước tòa, anh ta đủ khả năng hay không?"

 

Rất may mắn, sau khi làm việc với tôi, các khách hàng đã quên luôn tôi vốn là một diễn viên.

 

Anh là một chàng trai ưa mạo hiểm. Để khẳng định mình trong vai trò luật sư, chắc không phải là điều dễ dàng?

 

Khi quyết định chuyển hướng nghề nghiệp, tôi phải đối mặt với những biến đổi lớn về nhiều mặt: tâm lí, kiến thức nghề nghiệp, phong cách, môi trường và đối tượng làm việc. Diễn viên là công việc lãng mạn, chỉ việc tưởng tượng và đặt mình vào số phận nhân vật để khơi dậy cảm xúc, còn luật sư, đòi hỏi vận dụng kiến thức và lí trí nhiều hơn cảm xúc, để dùng luật pháp bảo vệ thân chủ của mình.. Đối tượng mà diễn viên tiếp xúc là đạo diễn, nhà thơ, nhà văn, quay phim, ánh sáng, còn đối tượng của luật sư là công an, tòa án, viện kiểm sát, chính trị gia...

 

Để trải qua những biến đổi lớn lao ấy, nếu không yêu thích nghề này thì không thể nào vượt qua được. Lúc đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn vì vấp phải những điều sơ đẳng nhất, khiến tôi mệt mỏi, chán nản, muốn bỏ nghề. Mất 5 năm trời, tôi mới tạm thích ứng với công việc này, trong khi những người học ngành này ra trường chỉ mất có 1 năm.

  

Nhân đây tôi cũng có lời khuyên đối với những người mới bắt đầu vào nghề: niềm yêu thích nghề nghiệp rất quan trọng. Chính yếu tố này là động lực, chất xúc tác để giúp mỗi chúng ta khắc phục khó khăn và vươn lên. Tất cả những khó khăn mà tôi vượt qua chủ yếu là nhờ đam mê.

 

Nhưng đến giờ này, tôi vẫn không thể hiểu, vì sao một người như anh, đã phải nỗ lực, thậm chí trả giá để khẳng định mình trong từng vai diễn, cuối cùng lại dễ dàng từ bỏ đích đến của đời mình và đột ngột rẽ ngang?

 

Đối với tôi, điện ảnh là niềm đam mê, đam mê tới mức tôi đã bước qua cả tình cả yêu để đến với nó. Tôi nói thế, hẳn chị sẽ thắc mắc, vậy điều gì làm tôi thay đổi?

 

Thứ nhất, tôi đã trải qua những năm tháng chờ đợi: chờ đợi nhận được một vai diễn, chờ đợi sẽ có vai hay, và chờ đợi trong cả những cảnh quay và tôi nhận thấy tuổi trẻ của mình trôi đi nhanh quá.

 

Thứ 2: thời bấy giờ, điện ảnh VN phát triển một cách ì ạch. Nếu vẫn là diễn viên, chưa chắc tôi đã sống bằng nghề mà có thể sẽ tham gia ca hát, tấu hài hoặc MC mới đủ sức để tồn tại. Vì vậy, tôi quyết định tạm gác niềm đam mê điện ảnh để làm việc gì đó có ích hơn. Mà không chỉ mình tôi đâu. Cứ nhìn lại những người bạn đồng lứa với tôi mà xem, thử hỏi họ đang làm gì? Ngọc Hiệp thì chuyển sang lĩnh vực sản xuất phim, Lý Hùng ca hát, Diễm Hương vắng bóng hẳn, Lế Tuấn Anh thì kinh doanh nhà hàng, Việt Trinh thỉnh thoảng mới đóng một vài phim.

 

Tôi biết điện ảnh đòi hỏi sự hi sinh, điều này hoàn toàn đúng, hoàn toàn tuyệt vời, nhưng rất tiếc, tôi không phải là người biết chờ đợi. Tôi nghĩ mình còn tốt hơn những kẻ vì miếng cơm manh áo cứ bám điện ảnh, ngoáy như ngoáy cháo, để rồi sản xuất ra những bộ phim "mì ăn liền" đầy tệ hại.

 

Anh không nghĩ cái được của nghề diễn là ai cũng biết anh. Điều đó đáng tự hào đấy chứ?

 

Tình cảm của khán giả rất thật và rất đáng trân trọng, nhưng danh vọng đôi khi không đẹp như thế, chỉ là ảo ảnh mà thôi. Làm người của công chúng cũng gặp không ít phiền toái. Tất tần tật đời tư, đời riêng đều bị đem ra mổ xẻ, có khi một lỗi lầm nhỏ cũng bị thổi bùng lên. Chính tôi cũng từng bị những lời đồn ác nghiệt: nào là có vấn đề về giới tính, nào là đa tình... ngay cả khi tôi đi cùng với một cô gái nào đó cũng biến thành chuyện tày trời.

 

Cái khó của nghề diễn viên là không phải bất cứ ai cũng có khả năng làm cho khán giả nhớ đến... Nhưng có những ngườiđã làm được điều đó, và đôi khi hưởng cái danh tiếng nhiều hơn tài năng của mình lại trở nên thay đổi, kiêu căng, hống hách, ăn chơi, hưởng thụ...

 

Điện ảnh VN hiện đang xảy ra một thực tế là danh vọng mâu thuẫn với đời sống. Diễn viên được coi là "ông hoàng bà chúa" mà nghèo quá. Lên sân khấu họ mặc đồ đẹp vậy đó nhưng có thể túi không nhiều tiền lắm đâu. Do cát - sê không cao, nên đi chơi cũng chỉ ngồi vỉa hè chứ làm sao được ngồi xe hơi như doanh nhân. Chưa kể, lâu lâu lại nghe diễn viên nữ gặp tệ nạn này, tệ nạn khác. Vậy, tôi thà không làm "ông hoàng bà chúa" cho xong!...

 

Anh bảo khi đến với điện ảnh, anh phải trả giá nhiều. Vậy cái giá lớn nhất mà anh phải trả là gì?

 

Tâm lý, tính cách của tôi bị thay đổi. Tôi nghĩ mình đã trở thành người đa nhân cách. Lúc nào trong tôi cũng tồn tại 2 con người: hoặc cực kì lãng mạn, yếu đuối hoặc lý trí, lạnh lùng.

 

Vậy đâu là con người thật của anh?

 

Có lẽ là con người yếu đuối vì tôi luôn cảm thấy mình như một đứa trẻ. Dù nghề luật sư khá bận rộn nhưng tôi vẫn viết truyện đăng báo. Đôi khi trước tòa, tôi đưa ra những lí lẽ cứng rắn trong lòng lại tưởng tượng đến một cuốn tiểu thuyết. Đôi khi nghĩ đến những bị cáo tử hình, tôi lại thấy day dứt dù dã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nói tóm lại, trong tôi lí trí và tình cảm luôn mâu thuẫn.

 

Tôi rất yêu gia đình nhưng cách biểu hiện lại khác hoàn toàn khiến tôi thấy cô đơn. Những gì diễn ra trong đầu rất khác với thực tế nên lúc tôi vui nhất cũng là lúc buồn nhất. Hiện tại, tôi đang ăn chay trường để mong sắp xếp lại con người mình, mong tìm được sự tĩnh tâm, nhẹ nhàng. Niềm vui duy nhất mà tôi đang có là công việc. Thỉnh thoảng, những buổi chiều rảnh rỗi, tôi đi đánh tennis với bạn bè.

 

Thiệu Ánh Dương - Người đàn ông cô đơn  - 1
 Thiệu Ánh Dương và con gái

 

Sau cuộc li dị mới đây với nhà thiết kế Kiều Việt Liên, anh có còn khái niệm về hôn nhân?

 

Cuộc sống không nhất thiết phải có hôn nhân. Ít nhất điều này đúng với bản thân tôi.

 

Nghĩa là anh bằng lòng với cuộc sống hiện tại một mình?

 

Không, tôi biết tôi không ổn. Nhưng không nhất thiết phải giải quyết bằng cách xây nên một cái gì đó mới.

 

Là người xử lý nhiều vụ li hôn, và từng trải qua cuộc sống hôn nhân, anh nhìn nhận như thế nào là một cuộc hôn nhân hạnh phúc?

 

Cần có 2 thứ: sự bình yên và lòng vị tha. Trong cuộc sống hàng ngày của các cặp vợ chồng bao giờ cũng xảy ra đụng độ nên cả 2 phải biết dung hòa, đừng đòi hỏi những gì quá cao mà thực tế không đáp ứng được. Nếu chưa có con cái thì không sao nhưng đã có con mà không nghĩ tới sự vị tha, sẽ dễ dàng phạm sai lầm. Bởi đứa trẻ lớn lên chỉ được sống với bố hoặc mẹ sẽ không tốt cho sự phát triển tâm lý.

 

Dù biết như thế nhưng đáng tiếc cuộc hôn nhân của anh vẫn đổ vỡ?

 

Bởi vì tôi không có lòng vị tha.

 

Còn cô con gái bé bỏng của anh thì sao?

 

Cháu lên 5 tuổi, hiện đang học trường quốc tế, nói tiếng Anh giỏi hơn cả bố, rất ngoan hiền nên tôi khá yên tâm. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy mình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một người cha là tạo cho cháu có một gia đình. Các bậc cha mẹ khác cũng vậy, khi li dị thì đổ lỗi cho nhau nhưng không ai nghĩ tới cái lỗi lớn mình gây ra: con không có gia đình.

 

Có một nhận xét rằng, gia đình hạnh phúc hay đổ vỡ, phần lớn đều do đàn ông quyết định, từng "cọ xát" với thực tế , anh có thấy điều này đúng?

 

Trong nhiều vụ li dị mà tôi tham gia, tôi thấy nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn đa số là do đàn ông, vì các ông có hoạt động riêng tư nhiều quá. Nhưng việc chấm dứt hay duy trì lại phụ thuộc vào người phụ nữ. Nếu biết cách chịu đựng, họ vẫn duy trì được cuộc hôn nhân như bình thường.

 

Nghĩa là đã sinh ra là phụ nữ thì phải chịu đựng?

 

Chưa hẳn, bởi tính cách của phụ nữ là dễ tha thứ.

 

Bây giờ mối quan hệ giữa anh và vợ cũ ra sao?

 

Duy trì một tình bạn vui vẻ, không có bất cứ tranh chấp nào về tài sản. Cả hai chúng tôi đều có chung một việc là nuôi dạy con đàng hoàng, nên người.

 

Đẹp trai, lịch lãm, và cá tính như anh dù có làm diễn viên hay luật sư chắc vẫn không có ít những bóng hồng say mê, nhất là trong thời điểm này, anh không bị hôn nhân ràng buộc?

 

Thuộc phe đàn ông, tôi xin tiết lộ đào hoa có nhiều dạng lắm. Có người trông rất bình thường, nếu không nói là xấu trai lại được rất nhiều cô xin "chết". Riêng bản thân tôi, tôi luôn tự đặt câu hỏi: mình có dùng mưu kế để chiếm đoạt hay không? Có dùng tình yêu làm trò tiêu khiển, ân ái xong rồi ra đi hay không, tôi không phải là người như thế. Đôi khi do hoàn cảnh đẩy đưa, một chút ngoại hình, một chút hư danh, một chút dí dỏm, một chút nhẹ nhàng. Nhưng trong trường hợp người phụ nữ ấy đang có gia đình thì tôi dứt khoát nói không.

 

Theo Mỹ Thuật