1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tác giả “Bà tôi” và 100 bài hát

Nhiều người xem Bài hát Việt tháng Bảy cứ nhớ mãi đoạn đầu của "Bà tôi" với điệp từ quanh co quanh co… qua phần thể hiện của Ngọc Khuê. Tác giả bài hát ấy là Nguyễn Vĩnh Tiến.

Bài hát đầu tiên Nguyễn Vĩnh Tiến viết năm 12 tuổi về một chú gà trống mới lớn đang đêm thức dậy thấy bóng điện tưởng mặt trời. Thầy dạy nhạc đầu tiên là chú ruột, về sau Tiến học thêm ở Nhà Văn hóa Trung tâm Phú Thọ.

 

Nguyễn Vĩnh Tiến bộc lộ dần những khả năng: Đoạt giải cuộc thi vẽ thiếu nhi toàn tỉnh năm 10 tuổi, năm lớp 7 giải Nhất kể chuyện theo phim toàn tỉnh, 17 tuổi nhận giải Tác phẩm Tuổi xanh (báo Tiền phong)...

 

Học chuyên Hùng Vương, ôn thi ĐH cả 3 môn khối A và Văn, Vẽ. 17 tuổi ra HN, chưa biết kiến trúc là nghề gì, chỉ biết vào đấy được vẽ. Định thi vào ĐH Mật mã vì “tưởng vào đấy được viết thư bằng mật mã cho bạn gái”(!)

 

Tuổi thành niên, Nguyễn Vĩnh Tiến được biết tới như một nhà thơ nhiều chiêm nghiệm. Anh mới ra một tập thơ Những bình minh khác (2002). Cho đến thời điểm xuất hiện như một tác giả ca khúc thì anh đã có trong tay hòm hòm 100 bài hát. Để có “khối lượng” này, Tiến phải mất 10 năm “củng cố” - đúng từ dùng của kiến trúc sư. 

 

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đang chưa biết trình làng như thế nào: ra CD kèm chương trình riêng rình rang tại Nhà hát Lớn(?), thì VTV mở ra Bài hát Việt. Nguyễn Vĩnh Tiến gửi đi 3 bài. Bà tôi dẫn đầu đầy ấn tượng qua phần thể hiện của Ngọc Khuê.

 

Mặc dù chưa nghe rõ hết lời nhưng nhiều người xem Bài hát Việt tháng Bảy cứ nhớ mãi đoạn đầu với điệp từ quanh co quanh co… Đấy là dấu ấn về quê ngoại ở Hà Tây, nơi có bà ngoại ngoài 90 tuổi đã lẫn mà vẫn vịn tường lần đường đến chùa.

 

Tiến từng đi mãi trong quanh co tưởng như không bao giờ ra được khỏi làng. Hình ảnh bà được Tiến ghi lại bằng thơ từ năm 12 tuổi, là cái tứ để mở đầu cho một ca khúc ra đời gần 20 năm sau: Bà thương cháu lắm cháu ơi/ Một mình bà đội cả trời nắng to/ Lên xe cháu đạp đi xa/ Quay đầu vẫn thấy bóng bà giữa trưa.

 

Lời bài hát nói chung đúng là của một nhà thơ: Cười cười một chuỗi trời thử bụng ta/ Có mùa thóc lép lợp trên mái nhà/ Có mùa hoa cà tự nhiên tím tái/ Bà ví lông gà vàng như vườn cải/ Ông ví mặt trời như lời mối lái/ Ai ví tình yêu như trò nghịch dại í a…

 

Nguyễn Vĩnh Tiến kể ấy là anh viết về tuổi 20 của bà. Bà thoát nạn đói nhờ lên tỉnh chạy chợ, làm vú em. Thế nên mới có câu Bà lên Kẻ chợ có buồn được đâu/ Ra về lúc lắc héo mòn một xâu.

 

Qua Bài hát Việt, Nguyễn Vĩnh Tiến được đến với mọi người một cách trực tiếp, “nói lên điều mình muốn nói không qua thông dịch” (câu này lấy ý thơ Trần Dần: Mưa rơi không cần phiên dịch). Anh cũng đã quyết ra 2 CD. Đĩa 1 lấy cảm hứng từ quê ngoại - cũng có nghĩa là Đồng bằng Bắc Bộ. Đĩa 2: quê nội Phú Thọ - cảm hứng trung du. Đĩa 1 do Phan Cường - người chuyên về bộ gõ phối. Đĩa 2, Tiến chọn Đỗ Bảo.

 

Tóm lại, cái gì sẽ ra còn tùy thuộc vào mức độ tương tác giữa người sáng tác và người phối. Một nhóm nhạc với tên gọi NoStyle cũng đang được tạo dựng với hai anh em Phan Cường, Phan Kiên.

 

Đề tài “đồng quê” thì cũng không lạ, thậm chí còn đang “thời trang”, nhưng Tiến không muốn nói cái người ta vẫn nói mà nói cái người ta (muốn) quên. Chẳng hạn một bài hát sử dụng chất liệu chầu văn là giãi bày của một linh hồn còn trẻ lang thang trong làng…

 

Chính em gái Tiến không dám nghe nhạc cũng như đọc thơ của ông anh. Nếu coi cuộc sống xung quanh như cầu vồng 7 màu thì cái mà Tiến để ý tới là sắc độ thứ 8 dưới tím. Đây là một sự “cực chẳng đã”, vì anh cho biết làm xong những bài như thế bản thân cũng rất mệt, chẳng sung sướng gì, hát hay thơ cũng vậy!

 

Tiến bảo đừng bắt anh phải chọn làm KTS, họa sĩ, nhạc sĩ hay nhà thơ vì chẳng khác nào bắt anh phải chọn hoặc ăn cơm, hoặc uống nước hay… đọc báo. “Tôi là người tự do, thích gì làm nấy. Tại sao phải chọn, mà thực tế cũng không chọn được! Nếu một người cứ khăng khăng trở thành một cái gì thì anh ta sẽ bị nô lệ bởi cái đó!”. Nếu phải lựa chọn thì… Tiến đã chọn làm chủ doanh nghiệp “để có thể tự quyết định lấy mình”.

 

Ngay trong âm nhạc, Tiến cũng không thích bó buộc, anh quan niệm tác phẩm đưa ra là một dòng suối, người ta dùng nước đó để tưới cây, rửa nhà, uống hay làm gì thì tùy! Tiến nói, anh chống lại việc phân loại. Chẳng hạn có ca sĩ tuyên bố tôi chỉ hát dòng nhạc chính thống. Vậy phải chăng những dòng nhạc khác không được chính thức công nhận?! Hoặc nhiều người cứ quen chia ra “chuyên” và “không chuyên” mà quên mất tác phẩm mới là quan trọng!

 

Thời kỳ bùng nổ trong sáng tác của Nguyễn Vĩnh Tiến là năm 20 tuổi, anh viết được gần 20 bài. Năm 21 tuổi: 15 bài. Từ bé, Tiến đã có “sở thích” đi nhặt phế liệu để có tiền mua băng về ghi Beatles (Ban nhạc nổi tiếng thế giới của Anh) hay Demi Rousseau (giọng ca Hy Lạp nổi tiếng bấy giờ). Cho đến nay, anh vẫn đánh giá cao Pink Floyd - Ban nhạc toàn KTS.

 

Theo N.M.Hà

Tiền Phong