Sân khấu Tết 2008: Chính kịch “chen vai” với hài kịch!

(Dân trí) - Đã đến mùa kịch Tết, các nhà hát bắt đầu nô nức dựng vở. Dù không khí sôi động như sân khấu miền Nam, hay trầm lắng, u buồn như sân khấu phía Bắc, thì sàn tập nào cũng rộn rã, náo nức cho mùa dựng vở.

Cuối năm, các nhà hát bắt đầu dồn sức cho kịch Tết, đây được xem là mùa làm ăn lớn nhất trong năm của sân khấu, đặc biệt là sân khấu phía Bắc. Với tâm lý, ngày Tết chỉ nói chuyện vui, chuyện cười, các nhà hát thường chỉ dựng hài kịch vào mùa Tết. Hài kịch- xưa nay vẫn được xem là “cứu cánh” của sân khấu, dễ bán vé và cũng dễ làm hơn một vở chính kịch. Nhưng, cũng vì sự “bùng nổ” hài kịch trên các sân khấu, mà giới chuyên môn lại cảm thấy lo sợ cho sự xuống cấp của nghệ thuật sân khấu. Nhiều ý kiến cho rằng “Hài kịch đang làm rẻ tiền hoá sân khấu”.

Bản thân những nghệ sỹ làm nghề, sau cuộc mưu sinh đầy tính toán với hài kịch, cũng cảm thấy hẫng hụt khi không được sống chết với những vở chính kịch, với những vai diễn số phận, với những lớp diễn nhiều nội tâm giằng xé, với những thử thách nghề nghiệp có tính nhà nghề.

Ở các nhà hát bắt đầu có sự đổi hướng khi nhận ra “con dao hai lưỡi” hài kịch. Bên cạnh những tiểu phẩm hài bán vé, các nhà hát bắt đầu chăm chút hơn, đầu tư hơn cho mảng chính kịch để đưa sân khấu trở về đúng vị trí của nó. Khi sân khấu có khán giả, cũng là lúc, những vở kịch chính thống trở lại. Bản chất của sân khấu là sang trọng, chất sang trọng ấy có được từ những vở chính kịch. Nếu như ba năm trở lại đây, hài kịch luôn thắng thế trong mùa dựng vở Tết, thì năm nay đã có sự thay đổi, chính kịch đang trở lại và kiếm tìm một vị trí.

Năm 2007, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của chính kịch trên sân khấu phía Nam. Sân khấu kịch Idecaf gây tiếng vang với Bí mật vườn Lệ Chi (đạo diễn NSƯT Thành Lộc). Tại lễ trao giải Mai vàng tổ chức đêm 12/1 vừa qua, Bí mật vườn Lệ Chi đã thắng lớn với những giải thưởng quan trọng nhất.
 
Với Bí mật vườn Lệ Chi, sân khấu kịch Idecaf suốt mấy tháng nay, đêm nào cũng sáng đèn và sân khấu chật kín khán giả. Điều ấy đủ chứng tỏ, khán giả không hề quay lưng với chính kịch.
 
Sân khấu Tết 2008: Chính kịch “chen vai” với hài kịch! - 1

Bí mật vườn Lệ Chi đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của chính kịch

Trước mùa dựng vở Tết đang đến gần, sân khấu kịch Idecaf “thừa thắng xông lên” dựng thêm những vở chính kịch mới, trong đó phải kể đến Tiếng vạc sành (đạo diễn Thanh Thuỷ), Ba người đàn ông họ Lôi (đạo diễn Ái Như).

Bên cạnh đó, Idecaf dựng thêm những vở hài, cho “mâm cỗ kịch Tết” có nhiều món ăn để khán giả lựa chọn. Những vở hài đang ăn khách của Idecaf như: Phép lạ (đạo diễn Hùng Lâm), Thằng Bợm có cái đầu to (đạo diễn Vũ Minh), Cưới vợ cho ai (đạo diễn Tuấn Khôi) có thể sẽ được kéo dài lịch diễn qua Tết.

Sân khấu kịch Phú Nhuận cũng đang bước vào mùa làm ăn rôm rả, dù “người cầm quân” - NSƯT Hồng Vân đang nghỉ sinh em bé. Năm 2007, sân khấu Phú Nhuận cũng gây xôn xao dư luận với vở chính kịch Nhân danh công lý (đạo diễn Đức Thịnh). Tuy “ăn nên làm ra” với chính kịch trong suốt những đêm Nhân danh công lý diễn, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, kịch Phú Nhuận vẫn đang quyết định chọn lựa hai vở hài cho dịp Tết này đó là, Vạn phước giaRomeo & Juliet.
 
Tuy tin tưởng và sự thành công của chính kịch, nhưng với dịp Tết, sân khấu Phú Nhuận vẫn tôn trọng phong tục “bói tuồng” của nhiều người dân miền Nam. Đầu năm đi xem kịch để lấy chút niềm vui và may mắn trong năm mới.
 
Sân khấu Tết 2008: Chính kịch “chen vai” với hài kịch! - 2

Thắng vé với Nhân danh công lý, nhưng sân khấu Phú Nhuận vẫn chọn hài kịch cho mùa Tết.

 

Ngoài Bắc, tuy trầm buồn hơn, nhưng nhà hát Tuổi trẻ và nhà hát kịch Hà Nội cũng đã có những “phương án” riêng cho mùa dựng vở Tết. Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục dựng chùm hài kịch Đời cười 7 để bán vé dịp Tết, nhưng bên cạnh đó, họ cũng chọn một kịch bản chính kịch dựng song song, đó là Âm mưu tình yêu. Nhà hát Tuổi trẻ đã bắt đầu huy động lực lượng để chuẩn bị dựng vở.
 
Nhà hát kịch Hà Nội năm nay cũng nỗ lực dựng vở, sự lựa chọn cuối cùng của họ là một vở chính kịch- Ngôi nhà ấm áp và hạnh phúc (đạo diễn Đức Toàn). Đầu năm 2007, nhà hát kịch Hà Nội đã thử sức với hài kịch, và “tung” ra liên tiếp Cười ơi, Chúng con gọi bằng gì, Mối tình Osin… Biết rằng làm hài kịch sẽ dễ thắng hơn, nhưng nhà hát kịch Hà Nội vẫn chọn dựng một vở chính kịch vào mùa Tết, với lý do “truyền thống của nhà hát kịch Hà Nội lâu nay luôn là những vở chính kịch”.
 
Sân khấu Tết 2008: Chính kịch “chen vai” với hài kịch! - 3

Bên cạnh Đời cười, nhà hát Tuổi Trẻ sẽ có thêm Âm mưu tình yêu.

 

Rõ ràng, sân khấu Tết 2008- đã có những sự thay đổi. Thay vì dựng hai, ba chùm hài kịch cho… chắc ăn, năm nay sân khấu Tết đánh dấu sự trở lại của những vở chính kịch. Liệu sự trở lại ấy có phải là những tín hiệu vui cho nghệ thuật sân khấu phía Nam, phía Bắc?

H.H