Quốc Bảo: Thích làm việc với ca sĩ "mồ côi"

Sáng tác nhạc lãng mạn, bay bổng, "hóa thân" thành thày giáo, producer, ở lĩnh vực nào, Quốc Bảo cũng tỏ ra điệu nghệ. Anh rất cần sự thoải mái trong cung cách làm việc, đặt biệt với học trò trẻ.

Anh từng làm thày, nhà sản xuất cho Hồ Ngọc Hà, Ngô Thanh Vân, bây giờ là Thủy Tiên, sắp tới sẽ có dự án cùng Hồ Bích Ngọc. Toàn ca sĩ nữ, toàn người đẹp. Vì sao lại có "mẫu số chung" này?

Tôi hay nói đùa với bạn bè là: "Quốc Bảo vinh dự được phục vụ cho các chị, các mẹ". Cũng không biết sao mình may mắn như vậy, nhưng chắc chắn là không có sự sắp đặt hay lựa chọn nào đâu, mọi sự hoàn toàn do ngẫu nhiên.

Trong những ca sĩ nữ từng làm việc chung, ai làm anh cảm thấy dễ chịu nhất?

Trần Thu Hà. Tôi viết nhạc cho Hà không theo kiểu "đo ni đóng giày" và cô ấy hát nhạc của tôi cũng rất thoải mái. Chúng tôi giống nhau một cách ngẫu nhiên trong âm nhạc, lại khá trùng pha nên tôi viết không phải "nương" gì cả và ngược lại, Hà có thể diễn tả chính xác những điều tôi mong muốn một cách tự nhiên.

Sau này khó tìm được người như Hà, nhưng không sao cả, tìm được người mình thích thì là tri kỷ, không thì coi là cộng sự cũng tốt thôi.

Hợp tác lâu dài để dạy và làm manager cho một ca sĩ trẻ, anh cần ở họ tiêu chí gì?

Dĩ nhiên tôi không làm chuyện gì xấu, nhưng tôi thích làm việc với ca sĩ "mồ côi", vì họ không bị lực kéo ngược lại, có thể toàn tâm cho công việc. Đúng là gia đình hậu thuẫn tốt cho con, nhưng có gia đình làm con cái phân tán trong nghề nghiệp. Chi phối chuyện quần áo, tóc tai đã đành, chi phối luôn chuyên môn mới khổ. Rồi nhiều quan niệm khắt khe về nghề hát, suy nghĩ không đúng về chuyên môn. Tóm lại, rất khó làm việc.

Tôi là một người kém cập nhật tin tức. Không đi tụ điểm, phòng trà, TV ở nhà cũng ít khi mở đài Việt Nam, nên cũng khó biết có giọng ca nào sáng. Ca sĩ làm việc với tôi, thường tự tìm đến

Như vậy Quốc Bảo có bị mang tiếng chảnh?

Rất bình thường. Tôi thường coi trọng nhạc công hơn ca sĩ nên thường bị mang tiếng là chảnh trong lòng ca sĩ.

Làm việc với ca sĩ trẻ, anh xếp tiền hàng thứ mấy?

Thứ hai, sau khi tôi đánh giá được tiềm năng của họ. Sau đó, tôi cần sự tôn trọng. Sự tôn trọng ở đây không có nghĩa là mang ơn mang nghĩa mà là tuyệt đối giữ đúng những kế hoạch đã định với nhau trước đó. Cả tôi và họ đều phải tôi trọng việc làm và lời hứa của nhau.

Anh đã làm miễn phí cho ai bao giờ chưa?

Có nhiều chứ. Nếu tôi thấy việc này xứng đáng để bỏ công ra. Ví dụ trường hợp của Trần Thu Hà. Chúng tôi không bao giờ hỏi chuyện tiền với nhau và quan hệ rất bền. Tôi chỉ mất công chứ có mất gì đâu.

Sợ nhất là trường hợp những gút mắc xảy ra do tiền bạc làm hỏng một kế hoạch lớn.

Thời gian qua Đức Tuấn và anh có chuyện không thuận về tiền tác quyền. Thực hư ra sao?

Có thể đó là lỗi của tôi đã không nói rõ từ đầu làm cho Đức Tuấn hiểu lầm ý là tôi làm miễn phí. Tôi cũng không muốn khơi sâu thêm chuyện này.

Anh nghĩ gì về hiện tượng ca sĩ trẻ bị ví là "nhiều như nấm sau mưa" hiện nay?

Tôi có cảm giác rằng những công dân Việt Nam không phạm pháp, không bị tịch thu chứng minh thì đều có thể làm ca sĩ. Đó là chưa kể những cô người mẫu chuyển qua đi hát. Cá nhân tôi thì vẫn chưa nhìn thấy những điểm sáng, tất cả nhạt nhạt, đều đều như nhau.

Tuy nhiên, tôi không đánh giá thấp ca sĩ trẻ vì cơ hội thành danh của họ bây giờ khó hơn thời trước rất nhiều. Một số trong họ không phải là không có tố chất nhưng lại bị lẫn khuất giữa số đông nên khó thành danh.

Theo anh, tố chất cơ bản cần có của một ca sĩ trước khi ra nghề là gì?

Cơ bản nhất vẫn là sự tập trung tinh thần vào ham muốn ca hát của mình. Họ cần có tham vọng. Dĩ nhiên khi quyết định làm ca sĩ thì họ đã có ham muốn rồi, nhưng nếu điều đó không được năng lượng tinh thần tập trung để nuôi dưỡng thì rất dễ bị mất lửa và có thể bị tắt nửa đường không chừng. Mà nghề hát hiện nay thì có rất nhiều "vũng nước" trước mắt ca sĩ.

Để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp thực sự, có nhiều kỹ năng họ cần phải học bên cạnh chuyên môn âm nhạc. Đó là cách sinh hoạt hàng ngày, kỷ luật giờ giấc, cung cách quan hệ với những người xung quanh, kỹ năng sân khấu, tinh thần để nuôi niềm đam mê...

Ca sĩ thời xưa thường chuẩn bị 5-6 năm trước khi ra nghề. Anh nghĩ thế nào về việc sẽ duy trì điều này trong nền ca nhạc hiện đại bây giờ?

Ca sĩ thời trước được tào tạo cực kỳ sớm, có khi hết đệ tam thì họ đã được đi học nhạc. Và quá trình đào tạo diễn ra rất nghiêm khắc, khi nào thày cho ra nghề thì mới được ra nghề. Chính vì vậy bước đi của họ rất vững và trụ được lâu dài. Tôi nghĩ duy trì điều này có cái hay riêng.

Tuy nhiên, tôi cũng không phản đối chuyện ca sĩ bây giờ ra nghề nhanh, vì nhịp sống hiện nay coi chuyện nhanh là bình thường. Nhanh mà hiệu quả thì cũng nên làm.

Nhưng để có điều này, ca sĩ nên có một khoảng thời gian trải nghiệm thực tế trước khi gặp thày. Ngoài chuyện tố chất, có kinh nghiệm sẽ dễ dàng hơn cho công việc. Tôi ví dụ trường hợp của Mỹ Tâm. Cô ấy hết hợp đồng với Vafaco năm 2000, coi như bắt đầu lại từ con số không. Ngoài giọng ca trời phú, kinh nghiệm thực tế đã giúp cô ấy trở thành sao trong một khoảng thời gian rất nhanh. Chỉ đến giữa năm 2001 thì Mỹ Tâm đã khá nổi trên thị trường ca nhạc Việt Nam.

Anh từng để Ngô Thanh Vân đi hát khi cô ấy còn "đi học". Vì sao?

Vì bản thân Ngô Thanh Vân đi hát đã là một sự kiện. Cô ấy đã có tên tuổi, được mọi người biết đến nên "bung" ra là một chuyện dễ hiểu. Nhưng với một nhân tố hoàn toàn vô danh và còn trẻ thì không có gì phải vội. Tôi chỉ ngại nhất ca sĩ nữ đã qua tuổi 25 mới bắt đầu tính đến con đường lập nghiệp, chừng đó thì lửa nghề không còn nữa. Bước vào tuổi 25, ca sĩ nữ rất cần một cái gì đó ổn định để tiếp tục thành danh, chứ không phải tuổi để bắt đầu.

Sau Thủy Tiên, anh có định mở lò đào tạo ca sĩ?

Tôi chưa có dự tính này và có thể không. Tôi thấy việc mình tìm ra gương mặt mới không phải là để cho bản thân tôi mà là cho môi trường âm nhạc chung. Việc này là hoàn toàn tự nguyện. Tôi làm vì thấy vui.

Hơn nữa, trong thời gian tới tôi có khá nhiều dự án cá nhân phải thực hiện, kế hoạch này khiến tôi mất khá nhiều thời gian nên không còn đủ thời gian để tập trung vào những chuyện khác nữa.

Hiện nay làm producer giàu, manager cũng giàu, nhạc sĩ nổi tiếng lại càng giàu. Anh kiêm nhiệm luôn 3 việc, thu nhập thế nào?

Sống sung túc nhưng không thể gọi là giàu. Vì chắc chắn rằng quá trình tái đầu tư cho nghề nghiệp của tôi rất nhiều. Nghề này mà không đầu tư thì sẽ dễ bị đào thải.

Theo Duy Thái 
Ngôi Sao