Quang Nhật: Chàng kiến trúc sư giữa làng mốt
(Dân trí) - Gọi Quang Nhật là kiến trúc sư vì không chỉ anh bước ra từ ngôi trường kiến trúc mà còn bởi tư duy thiết kế và con đường chàng trai 9X đang chọn: tái cấu trúc trong thời trang.
Sinh năm 1990, Quang Nhật thuộc thế hệ những nhà thiết kế trẻ của làng mốt Việt. Nhưng tuổi đời lại tỷ lệ nghịch với những thành tích anh đạt được. Sở hữu nhiều thành tích nhưng Quang Nhật lại đi trên một con đường rất khác biệt: lặng lẽ, mẫn cán nhưng luôn hết lòng vì đam mê. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh để hiểu thêm về tư duy thời trang và những dự định nhà thiết kế trẻ đang ấp ủ.
Là quán quân của Fashion Star 2013, những tưởng các giải thưởng danh giá sẽ là bàn đạp để Quang Nhật trở thành nhà thiết kế nổi bật nhưng dường như sau mọi thành công, anh luôn có khoảng lặng nhất định. Lý do vì đâu, thưa anh?
Giải thưởng Ngôi sao Thiết kế Việt Nam – Fashion Star 2013 thực sự là một bước nhảy vọt, đưa tôi đến gần hơn với công chúng yêu thời trang. Sau giải thưởng, tôi vẫn tham gia các hoạt động thời trang của giới chuyên môn nhưng muốn có một chút lặng lẽ để chiêm nghiệm, giúp bản thân thêm trưởng thành và cứng cáp. Quan điểm và tư duy thời trang là điều tối quan trọng với một nhà thiết kế, vì thế tôi không muốn vội vàng, hời hợt hay “nhảy xổ” vào thời trang mà chuyên tâm tìm kiếm một con đường. Hiện nay, tôi nghĩ mình đã sẵn sàng để kể cho công chúng, giới mộ điệu câu chuyện thời trang mang tên Quảng Trọng Quang Nhật.
Được biết, sau cuộc thi Fashion Star, anh dành 2 năm vừa qua để đi đến nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những kinh đô thời trang, để cảm nhận và tìm tòi cách làm thời trang cho riêng mình. Thành phố nào mang đến cho anh nhiều nguồn cảm hứng nhất?
Dục tốc bất đạt, sau cuộc thi Fashion Star, tôi thấy mình cần một khoảng lặng để trải nghiệm nhiều hơn, gia tăng vốn sống cùng vốn văn hóa của bản thân. Thời trang cũng cần phải học. Chính vì lý do đó, tôi thực hiện nhiều chuyến đi đến các nền văn hóa, kinh đô thời trang thế giới để học thêm nhiều điều hay, mới lạ. Qua các cuộc xê dịch và “lữ hành thời trang”, Paris gây ấn tượng với tôi bằng sự hoàn mỹ cầu kỳ. Nhưng chính tinh thần trẻ trung nổi loạn của London mới mang đến cho tôi nhiều năng lượng và cảm hứng nhất.
Việc bị nhận xét là “thảm họa” khi trình làng những thiết kế Haute Couture tại Tuần thời trang Việt Nam Xuân Hè 2015 ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp và cuộc sống của Quang Nhật?
Tôi không nghĩ đó là “bị nhận xét”. Mỗi ý tưởng thời trang đều có một câu chuyện riêng ở bên trong. Là nhà thiết kế trẻ, tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải giãi bày những ý tưởng của mình thông qua thời trang. Bộ sưu tập Haute Couture ấy là một nét đẹp khi bạn có thể vùng vẫy trong năng lượng tuổi trẻ dồi dào.
Tuy nhiên, tôi vẫn đón nhận ý kiến của mọi người để tiếp tục hoàn thiện bản thân. Trong con đường sự nghiệp, tôi không nghĩ đó là một dấu ấn xấu; điều quan trọng là những câu chuyện thời trang (được cụ thể hóa bằng trang phục) đã mang chúng ta đến gần nhau, thấu hiểu nhau hơn.
Các nhà thiết kế thường có những “nàng thơ” khi sáng tạo hoặc chịu ảnh hưởng từ một gương mặt, một “cây đa, cây đề” nào đó. Anh thì sao?
Tôi tự thấy mình thực sự may mắn khi bao quanh tôi toàn những người phụ nữ Việt Nam hiện đại, văn minh. Tôi nhận thấy mẫu số chung của họ đều là sự pha trộn giữa nét đẹp tri thức và tinh thần mạnh mẽ, tính cách hoà nhã. Đó cũng chính là hình mẫu người phụ nữ tôi yêu quý. Mỗi khi ngắm một cô gái đang hành động hay suy nghĩ, tôi thấy đó là khoảnh khắc mà họ xinh đẹp và thu hút nhất.
Trên thế giới tôi yêu thích sự phá cách của JW.Anderson, nét nhã nhặn của Dries Van Noten, tinh thần của Yohji Yamamoto và Martin Margiela. Họ đều là những tư tưởng thời trang lớn của nền thời trang đương đại.
Phong cách/trào lưu thời trang yêu thích của anh là gì?
Từ lâu tôi nhận thấy tư duy thiết kế của mình phản ánh những tinh thần của Deconstruct – trào lưu Tái cấu trúc. Có lẽ cho đến thời điểm hiện tại, đây là khuynh hướng mà tôi yêu thích và say đắm nhất. Không hẳn vì đây là trường phái sáng tác mới nhất sau khuynh hướng Hậu Hiện đại, mà tôi cảm thấy là chính mình nhất trong thế giới của các thiết kế Tái cấu trúc.
Anh có nhận xét gì về khoảng cách giữa thời trang Việt và thế giới?
Lứa 9X của chúng tôi là thế hệ của công nghệ thông tin. Sự bùng nổ thông tin lý giải phần nào việc lớp nhà thiết kế trẻ cũng như công chúng thời trang đòi hỏi và thể hiện ngày càng mạnh mẽ tinh thần văn minh, đúng nghĩa thời trang. Thời trang Việt ngày càng tiệm cận với định nghĩa chung của thế giới. Khi phần mềm đã đạt chuẩn, tôi nghĩ điều mà chúng ta còn thiếu là phần cứng, là các quy trình và hệ thống sản xuất thương mại để thực sự đưa thời trang Việt Nam thành ngành công nghiệp mạnh mẽ. Thời gian gần đây sự ra đời của nhiều chương trình, sự kiện và tinh thần ủng hộ các nhà thiết kế Việt đã mang lại nhiều niềm hy vọng cho những ai quan tâm đến thời trang nước nhà.
Là nhà thiết kế trẻ, nhưng anh rất tích cực quảng bá thời trang Việt Nam với thế giới, thông qua các Tuần lễ thời trang, các buổi giao lưu văn hóa. Phải chăng anh đang ấp ủ dự định phát triển sự nghiệp bên ngoài biên giới Việt Nam?
Chúng ta là đại diện của những công dân trong thời Thế giới phẳng. Cho nên những điều chúng ta đang làm đều được ý thức là một việc làm toàn cầu. Tôi có một niềm tin vào Việt Nam, nơi chứa nhiều nhân tố tài năng và thú vị, sẽ hoà nhập vào mặt bằng chung của thế giới như một sự phát triển tất yếu.
Chất liệu, kỹ thuật cắt ráp vẫn là một trong những thế mạnh của anh. Trong tương lai, anh có tiếp tục phát triển thế mạnh này, để mang đến những giá trị thời trang cho người dùng?
Những yếu tố đó còn là sở thích và niềm đam mê riêng của tôi trong thiết kế thời trang. Từ thuở mới biết yêu thời trang, tôi đã quan niệm, nhà thiết kế đồng thời cũng là một kiến trúc sư. Công việc của họ trong thế giới này là xây dựng nên những cấu trúc hoàn mỹ trên cơ thể con người. Tôi nghĩ, những người yêu thời trang Việt không chỉ cần đến nét đẹp bề mặt bản sắc, mà cấu trúc trang phục cũng cần đáp ứng những tiêu chí cutting của chuẩn mực thời trang cao cấp. Đây là bước đi giúp chúng ta tự tin định vị bản sắc của mình trong dòng chảy đương đại và văn minh của thế giới.
Anh Khoa