1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Quảng cáo phim: Lạm phát ngôn từ gây sốc

Gần đây, không ít chủ phim đã đi quá đà trong việc quảng cáo phim... Đã có không ít người đi đường đã phải ngoái đầu nhìn lại như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy câu “Em ơi, hãy tha cho anh đi!” (Yêu lầm hoạn thư); “Hãy “củ cải” em đi!” (Sự thật về tình yêu)…

Từ những câu slogan ấn tượng…

 

Trong lĩnh vực điện ảnh, việc sử dụng slogan đang dần trở thành quen thuộc đối với nhiều bộ phim. Thời gian gần đây trên những poster, pano quảng cáo phim chiếu rạp của thành phố, khán giả bắt đầu thấy xuất hiện nhiều những câu slogan khá ấn tượng. Có những câu mang đậm tính “triết lý” như “10 thế kỷ… 1 tình yêu” (Người bất tử); “Hoa và máu - Tấn bi kịch dát vàng” (Hoàng Kim Giáp); “Chúng mãnh lực hơn tình yêu, mạnh bạo hơn lý lẽ và đủ khiến một đội thi hành pháp luật chơi trên luật pháp…” (Cớm đen), “Điều tàn khốc và bi thương của chiến tranh là khi có thể đánh tan 10 vạn quân thù lại không thể cứu được người yêu thương nhất, Binh pháp mặc công- không tạo người hùng” (Binh pháp mặc công).

 

Lại có những câu đơn giản chỉ là hình thức tạo sự tò mò hoặc hài hước cho người xem như: “Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta phải đối đầu với một kỷ nguyên băng hà mới?” (Ngày kinh hoàng), “Thời gian là vàng bạc? Ồ không, nó là chiếc điều khiển từ xa!!! Thử tưởng tượng cuộc sống là cuộn phim, bạn có thể tua nhanh hay chậm, thậm chí dừng hẳn!!!” (Cú click huyền bí); “Một đứa bé trị giá 30 triệu đôla!!! Một phi vụ với… tã giấy và bình sữa!” (Kế hoạch BB)…

 

Đến việc lạm phát ngôn từ gây sốc

 

Có những câu slogan khiến cho khán giả sau khi xem phim xong đã phải thốt lên: không thể nào hay hơn. Điều này có nghĩa là người viết đã phát hiện ra được chính xác ý nghĩa của bộ phim và rút lại chỉ trong 1 câu nhận xét đủ làm nên slogan của bộ phim ấy.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít chủ phim đã đi quá đà trong việc quảng cáo phim. Họ bắt đầu sử dụng ngôn từ một cách bừa bãi cốt chỉ để tạo sự tò mò buộc khán giả phải tới rạp xem phim. Đã có không ít người đi đường đã phải ngoái đầu nhìn lại như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy câu “Em ơi, hãy tha cho anh đi!” (Yêu lầm hoạn thư); hay “Hãy “củ cải” em đi!” (Sự thật về tình yêu) khi nhìn thấy những câu này trên các pano quảng cáo phim trên đầy trên đường.

 

Thậm chí, không chỉ có phim nước ngoài, dịp tết vừa qua, một nhà sản xuất phim Việt cũng đã gây sốc không kém bằng câu “Con trai cũng thích, con gái cũng thèm” (Trai nhảy).

 

Và hãy thử đọc một đoạn quảng cáo bằng câu chữ sau đây trong poster bộ phim “Thượng đế bó tay”: “Đang Ngất ngây như con gà tây từ công danh đến duyên tình thì Richard ngỡ ngàng càng cua khi biết mình chỉ là con nuôi. Richard lao vào con đường tìm lại anh sinh chị đẻ của mình... Bộ đôi bố mẹ nuôi giàu có vẫn nhăn nhó còn cặp đôi bố mẹ đẻ thì nghèo nàn vẫn lên sàn (nhảy)… Cuộc đời này thật dã man như con ngan”.

 

Hay Chàng là sinh viên khù khờ còn nàng là cô gái xương rồng nhất trên đời… Mải mê kiếm tìm một nửa của mình- sự mới mẻ, không ràng buộc vẫn lôi cuốn họ tìm đến nhau như hai kẻ ăn vụng cần sẻ chia nỗi cô đơn sau mỗi lần vấp ngã… (trong phim “Rất giống tình yêu”), để thấy câu chữ quảng cáo phim đã được sử dụng thoải mái ra sao bất kể nó dung tục, thiếu thẩm mỹ đến mức nào…

 

Những slogan, quảng cáo phim kiểu như vậy cần được các nhà quản lý văn hóa để mắt tới!

 

 Theo Hoa Lau

Sài Gòn Giải Phóng