"Phù phiếm truyện" và cách nhìn mới của văn học trẻ
Trò chuyện qua email với Phan Việt, tác giả đoạt giải nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 3, do Hội Nhà văn TPHCM, báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ tổ chức.
“Những tiếng nói của một con người có thể một đời không bày tỏ hết” (Phù phiếm truyện) - đó có phải là lý do chị đến với văn chương?
Không, tôi đến với văn chương đầu tiên vì tự thấy mình có một chút khả năng diễn đạt. Sau đó muốn thử xem nếu mình nghiêm túc thì khả năng tự nhiên cộng với lao động sẽ đưa mình đi đến đâu. Như tôi cũng đã nói, tôi mới đang bắt đầu.
Chị nghĩ về điều gì khi cầm bút viết Đường nhỏ và Cú điện thoại - hai truyện ngắn nói về sự vô tâm và lòng vị kỷ của con người bằng một lối tư duy thật tỉnh táo?
Thật ra tư tưởng trong các truyện có sẵn ở trong đầu mình, nhưng thường đợi đến một lúc nào đó mới thôi thúc mình viết thành truyện.
Ví dụ như truyện Cú điện thoại tôi viết nó chỉ vì có một buổi sáng, trong lúc đang ngồi gõ trên máy tính tự nhiên tôi nhìn xuống hai tay của mình và nghĩ rằng chính hai cái tay này của tôi - về lý thuyết - có thể làm những điều dời non lấp bể và cũng có thể làm những điều xấu xa kinh người, tùy vào cái xui khiến hai bàn tay ấy là gì và tùy vào ý niệm của người ta về những gì xảy ra; tự nhiên tôi có cảm giác chúng “như tay của một người lạ”. Cái cảm giác đó rất mạnh mẽ và khó nói. Tôi viết Cú điện thoại chính vì cái cảm giác này.
Tác giả - tác phẩm văn học nào đã để lại dấu ấn sâu đậm trong chị?
"Những người khốn khổ của Victor Hugo". Đó không phải là tác phẩm xuất sắc nhất trong những gì tôi đã đọc nhưng tôi đến với nó ở thời điểm thiếu niên – thời điểm bắt đầu muốn tìm hiểu về con người và những vấn đề lớn của xã hội – và tôi có cảm giác bị lay động mạnh bởi tình người và những cái đẹp trong tác phẩm ấy.
Ngoài ra, tôi thích giọng văn của Hugo: bác học, duyên dáng, sáng, mạch lạc và tình cảm. Tôi vẫn thỉnh thoảng đọc lại Hugo như một nguồn động viên, vừa về văn chương, vừa như để chạm lại vào cái gốc của mình.
Tên thật: Nguyễn Ngọc Hường, sinh năm 1978, tốt nghiệp loại giỏi Đại Học Ngoại thương Hà Nội. Thạc sĩ về truyền thông tại Omaha, Nebraska, Mỹ. Hiện là nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ về chính sách xã hội tại ĐH Chicago, Mỹ. |
Trong "Đạo đức truyện" có một câu thế này: “Văn chương thật sự là một thứ lao động đòi hỏi nhiều lương tri lắm”, chị có thể nói sâu hơn về quan niệm văn chương của mình?
Tôi nhận thấy viết hay rất khó và đòi hỏi phải có một thái độ lao động chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp có nghĩa đầu tiên là phải cẩn thận và trung thực – trong công việc, chứ tôi không nói gì đến cuộc sống riêng của nhà văn cả.
Ví dụ như nếu mình cảm thấy chưa chắc chắn về một điểm nào đó thì nên tìm hiểu thật kỹ chứ không thể dễ dãi bỏ qua, đánh lừa bạn đọc và thỏa hiệp với nguyên tắc làm việc của mình. Một biểu hiện của lương tri chính là cẩn thận và trung thực đấy.
Được sống trong hai môi trường sống khác nhau, chị có cảm thấy mình chịu ảnh hưởng cả hai nền văn hóa VN và Mỹ? Điểm đẹp nhất của mỗi nền văn hóa, theo chị?
Việc chịu ảnh hưởng là tất yếu và là cái nên xảy ra; còn nếu đi du học mà chỉ lấy kiến thức trên lớp, còn không tìm hiểu và hấp thụ văn hóa thì tôi nghĩ là phí lắm.
Với văn hóa VN, điểm đẹp nhất, theo tôi, chắc là giá trị gia đình và cộng đồng (tuy cái này cũng có mặt trái). Với văn hóa Mỹ, đó là sự tôn trọng (tương đối) quyền cá nhân và sự đề cao (cũng tương đối) tính hiệu quả thay vì các yếu tố bên lề khác như tuổi tác, quan hệ.
Chị muốn nói gì thêm với những bạn đọc sẽ đọc tập truyện của chị?
Tôi thật lòng mong mỏi là bạn đọc sẽ tìm thấy một điều gì đó ở tập truyện của tôi. Tôi mong mỏi điều này nhiều hơn so với việc được lên báo trình bày quan điểm. Thật ra, lên báo trả lời phỏng vấn luôn luôn đồng nghĩa với việc tạo ra những hình ảnh ước lệ về bản thân mình. Tôi cũng mong sẽ nhận được phản hồi trung thực từ người đọc. Cảm ơn tòa soạn đã phỏng vấn tôi.
Theo Linh Thoại
Báo Tuổi trẻ