1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Phim teen Việt - Thực tế và mong muốn

(Dân trí) - Phim truyền hình luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn xem truyền hình. Phim dành cho tuổi teen cũng vậy. Nhưng, phim teen Việt dường như vẫn còn những khoảng cách lớn với chính lứa tuổi khán giả mục tiêu của nó.

Áo trắng có còn trắng?

 

Những vấn đề nóng hổi của học đường hiện nay như bạo lực học đường, cụ thể là ở Trung học phổ thông, đang là đề tài nóng hổi, được dự luận quan tâm. Vẫn biết, đó chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng nó cũng như một “tảng băng chìm”, đã có từ rất lâu trong giới học sinh chứ không phải đợi đến lúc công nghệ phát triển, mọi thứ được cập nhật biết đến rõ ràng thì mới xuất hiện. Song, có bao nhiêu bộ phim về teen Việt Nam dũng cảm đề cập tới vấn đề nhạy cảm này?

 

Mặc định rằng, nhắc đến học trò là nhắc đến sự trong sáng, với những ước mơ thánh thiện và sự hồn nhiên của những ngày cắp sách, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi nếu đủ thì cần phải miêu tả cả những mặt trái của nó, còn cách miêu tả như thế nào lại là lựa chọn của ê-kíp làm phim.
 
Phim teen Việt - Thực tế và mong muốn  - 1
Một cảnh trong bộ phim Những thiên thần áo trắng

 

Truyền hình nói chung và các bộ phim truyền hình vẫn có một sự tác động lớn, nếu như coi đó là công cụ để quảng bá, tuyên truyền thì rõ ràng đây là một công cụ hữu dụng để cảnh tỉnh xã hội về những điều đang diễn ra trong học đường.

 

Vẫn biết một bộ phim không thể thay đổi cả một xã hội nhưng tiếng nói của nó ít nhiều cũng sẽ khiến khán giả phải nghe, phải nhìn lại hoàn cảnh của mình, có những suy ngẫm dù cách truyền tải của bộ phim có tệ hay không.

 

Nhún nhường hay ngại ngần?

 

Những thiên thần áo trắng của Lê Hoàng là bộ phim teen đang được phát sóng hiện nay. Bên cạnh những điều chê về lời thoại gượng gạo, bối cảnh thì rõ ràng bộ phim cũng đã nói được những điều đang thiếu và đáng mơ ước ở hoàn cảnh giáo dục của chúng ta.

 

Cái “cớ” trở về từ Anh quốc của Juli Miu đã mở ra những điều mới lạ như chuyện một học sinh dám thuyết trình để các bạn bầu chọn làm lớp trước, dám phản đối chuyện thiên vị, chuyện học thêm và rất nhiều chuyện khác nữa. Cá tính là điều truyền thông vẫn nói đến nhưng dường như cá tính trong học đường là điều ít học sinh dám thể hiện trước mặt thầy cô giáo bởi sự “rủi ro” nó mang lại (có thể chỉ là tâm lí). Đó là đìều đáng ghi nhận trong nỗ lực tìm tòi của ê-kíp làm phim nhưng dường như vẫn chưa đủ.
 
Phim teen Việt - Thực tế và mong muốn  - 2
Một cảnh trong phim Giấc mơ của biển

 

Khi được hỏi về việc đề cập tới những vấn đề nhạy cảm trong học đường, nhạc sĩ Phạm Hữu Tâm - Giám đốc Công ty truyền thông Midi - đơn vị sản xuất bộ phim truyền hình Giấc mơ của biển, một bộ phim teen khác dành cho lứa tuổi học sinh cấp 2 cho biết: “Với Giấc mơ của biển, chúng tôi chỉ phản ánh về chuyện kì nghỉ hè của học sinh giờ đang bị biến thành kì học thứ 3 với sự ám ảnh về thành tích học hành mà quên đi đó là kì nghỉ cần thiết để học sinh xả hơi chuẩn bị cho một năm học mới đang cận kề. Chúng tôi biết, chuyện học kì 3 chỉ là một vấn đề của giáo dục bên cạnh rất nhiều vấn đề khác nhưng chúng tôi không tham lam hay ôm đồm để dồn vào hết một bộ phim. Hơn nữa, Giấc mơ của biển là dự án đầu tay của Midi nên không thể mạo hiểm”. 

 

Ai cũng có những lí do của mình để kiêng dè, để né tránh nhưng nếu có những đòi hỏi của công chúng, của khán giả xem phim về những đề tài sát sườn với thực tế thì những kiêng dè đó còn nữa không? Hi vọng, một ngày nào đó, phim teen Việt sẽ có một những hơi thở cùng nhịp với đời sống thực của những học đường.

 

Du Miên