“Phim Lý Công Uẩn: Đã làm, phải làm hoành tráng”
(Dân trí) - “Đã làm, phải làm một bộ thật hoành tráng, xứng đáng với kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long. Một kỷ niệm như vậy, nếu mang bộ phim không đạt ra chiếu thì không nên nói là nhân dịp...”.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm về việc dựng bộ phim Lý Công Uẩn nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội.
Thưa ông, UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cũng như cá nhân ông có ý kiến gì xung quanh việc dựng bộ phim Lý Công Uẩn - bộ phim tạo ra rất nhiều ý kiến, tranh luận thời gian qua?
Uỷ ban chưa có ý kiến chính thức vì họ (những người làm nghệ thuật - PV) cũng đang bàn thôi, chưa liên quan đến các nhà quản lý. Quan điểm của cá nhân tôi là Nghìn năm Thăng Long rất nên có một bộ phim đúng tầm cỡ.
Tôi cũng cho rằng đó là một bộ phim nên phải tôn trọng những người làm nghệ thuật. Đương nhiên, cũng có yêu cầu nhất định của những người tổ chức, chỉ đạo hoạt động kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long.
Đã là bộ phim lịch sử thì phải đáp ứng yêu cầu của bộ phim lịch sử, phản ánh đúng lịch sử, phong tục văn hóa, tập quán vào thời điểm đó. Nhưng cái khó là không phải cái gì mình cũng có, ví như quần áo ra sao, phong tục như thế nào, tài liệu lưu lại của ta không đầy đủ.
Chúng ta có một thiếu sót là không đầu tư đầy đủ để nghiên cứu toàn bộ phong tục, tập quán của dân tộc qua các thời kỳ. Nếu đã có kết quả nghiên cứu đầy đủ, đã có việc phục dựng lại quần áo, lối sống thời đó, hình ảnh của cuộc sống đô thị, nông thôn thời đó thì bây giờ các nhà làm phim chỉ việc dựa vào, công việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Giờ không có mà mình đặt ra vấn đề phải làm, mình phải chấp nhận những gì mình có.
Thời gian còn lại rất ngắn, làm phim lịch sử không phải là thế mạnh của ta, liệu việc bỏ ra 200 tỷ đồng có lãng phí không?
Kể ra, để cho một công việc, một loại hình nghệ thuật nào đó đảm bảo chất lượng và phát triển một cách vững vàng, mình phải đi từ cái nhỏ lên cái lớn. Giá như trước khi làm bộ phim tầm cỡ như thế này, mình từng làm những bộ phim ở những dịp khác và qua đó mình có kinh nghiệm, chuẩn bị được những tư liệu thì quá tốt.
Nhưng cũng phải nói thêm, mình đã xem như đây là một dự án để tham gia là một thành phần trong các hoạt động kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long thì cũng không thể không đáp ứng đủ tầm cỡ của sự kiện đó. Bởi vậy sẽ phải quyết tâm. Đương nhiên, mình phải dựa vào năng lực thực sự của mình có làm được không? Nếu như các nhà làm nghệ thuật, các nhà làm phim, các nhà làm lịch sử thống nhất với nhau, thấy được tiếng nói chung và khẳng định có thể làm được, quyết tâm làm được thì phải ủng hộ.
Chúng tôi cũng không có cơ sở nào để nói bộ phim có đạt được yêu cầu về chất lượng hay không. Cái đó mình phải xem những người thực chất là người thực hiện nói gì, họ có quyết tâm không, tức là phải người trong cuộc nói. Mình không thể ngay từ đầu khẳng định mình không làm được, bởi thế thì bao giờ làm được?
Có một điều như tôi đã nói là giá như ta làm từng bước từ nhỏ đến lớn thì qua những bộ phim nhỏ của anh, tôi đã biết được năng lực của anh rồi, nhưng bây giờ không có cái đó.
Theo ông có nên mời chuyên gia về lĩnh vực phim lịch sử của nước ngoài, chẳng hạn của Trung Quốc, Hàn Quốc, tham gia tư vấn để thực hiện bộ phim?
Tôi nghĩ là nên có những cố vấn của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc vì họ có rất nhiều kinh nghiệm. Thậm chí, họ có thể đóng góp cho ta rất nhiều thứ. Ngay kho tư liệu của họ về văn hóa Việt Nam thời đó đôi khi có những bổ sung rất ý nghĩa cho những cái chúng ta có trong tay.
Các chuyên gia của nước ngoài có thể không biết nhiều thông tin như mình nhưng họ có tầm khái quát và con mắt đánh giá một cách có phê phán. Người ta có thể có những đóng góp rất quan trọng cho mình và tất nhiên là người tiếp nhận, mình phải sàng lọc tất cả để làm.
Trong mọi trường hợp, tôi nghĩ mong muốn của người dân Hà Nội và người dân cả nước là sẽ có một bộ phim lịch sử kỷ niệm Nghìn năm Thăng long. Tôi vẫn thiên về hướng, nếu như có thể làm được thì phải ủng hộ và đã làm phải làm một bộ phim thật hoành tráng, xứng đáng với kỷ niệm nghìn năm. Một kỷ niệm như vậy, nếu mang bộ phim không đạt ra chiếu thì không nên nói là nhân dịp...
Đặt thử tình huống, ta cứ làm hoành tráng mà nếu không kịp…?
Nếu không đảm bảo tiến độ mà kéo dài thì mình phải chịu, nhưng giá trị và ý nghĩa sẽ giảm đi rất nhiều. Làm kịp thời, đúng thời điểm sẽ nâng giá trị và nâng hiệu quả đóng góp lên rất nhiều.
Ông nghĩ gì khi các nhà chuyên môn của chúng ta đang tranh luận, thậm chí “đấu khẩu” rất nhiều?
Tôi cũng rất băn khoăn, rất buồn là những người làm chưa có một tiếng nói chung để thống nhất hành động. Vì bàn quá nhiều, thời gian làm việc quá ít thì có bàn hay đến mấy cuối cùng cũng không trở thành sản phẩm có chất lượng. Mình nên gom lại khả năng đến đâu, dừng vào chỗ gì, tập trung thực hiện vào đó để làm tốt.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường