1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế và văn hóa

Tại TPHCM vừa diễn ra Hội thảo khoa học - thực tiễn “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa” do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức.

Tại hội thảo, 66 tham luận đã được trình bày, trong đó có nhiều ý kiến khẳng định, kinh tế là nền tảng vật chất và văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là mối quan hệ nội tại, mang tính bản chất, phải được giải quyết một cách đúng đắn hài hòa, sao cho tăng trưởng kinh tế thật sự là tiền đề và điều kiện để phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật.

 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn khẳng định: “Khi kinh tế chúng ta vừa thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nền văn hóa đặc sắc đang mở cánh cửa ra thế giới, chính sách kinh tế đã có, chính sách văn hóa đã được xác lập, nếu chúng ta cứ tiếp bước mà thiếu cầu nối sẽ rất khập khiễng. Do đó, đồng thời với việc tái cơ cấu đầu tư văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa cần ưu tiên cho các chính sách và giải pháp mang tính cầu nối giữa kinh tế và văn hóa tập trung vào con người, bởi con người và vì con người, để hài hòa, hạn chế những tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế đến văn hóa, nhân lên những ảnh hưởng tích cực, rút ngắn khoảng cách về sự thụ hưởng văn hóa, để văn hóa tự tin phát triển cùng kinh tế…”

 

Xuất phát từ thực trạng tình hình và những đặc điểm phát triển kinh tế và văn hóa, nhiều tham luận đã đưa ra các kiến nghị: Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách, như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các Hội Văn học nghệ thuật trong việc công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt, định hướng thẩm mĩ cho công chúng; mở rộng và hết sức coi trọng nâng cao chất lượng đối ngoại trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật; đa dạng hóa, nâng sức hấp dẫn các sản phẩm văn hóa văn nghệ, tạo nên những thương hiệu mang bản sắc dân tộc, in dấu đẹp trong tâm trí khách quốc tế...

 

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương- Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo kết luận: “Qua hội thảo này, chúng ta càng nhận thức sâu hơn ý nghĩa, nội dung của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, văn học nghệ thuật; tiếp nhận nhiều kinh nghiệm tốt của nhiều ngành, nhiều địa phương; đồng thời cũng thấy rõ hàng loạt vấn đề lý luận- thực tiễn đang đặt ra bức xúc, cần được tiếp tục triển khai nghiên cứu tổng kết và nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới”.
 
Theo Văn hóa