Phan Huyền Thư: “Với tôi, không may mắn cũng là một giá trị”
(Dân trí) - “Tôi sống thiếu thốn tình cảm từ nhỏ. Nhưng tôi không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Với tôi, không may mắn cũng là một giá trị”, đó là quan niệm sống của Phan Huyền Thư. Và quan niệm sống ấy được thể hiện rất rõ trong những thước phim của chị.
Khi trò chuyện, người đối diện có thể nhận thấy ngay ở Phan Huyền Thư hai nét cá tính, thông minh và điềm tĩnh, hoặc có thể nói, Thư thông minh một cách điềm tĩnh. Những người như thế, rất khó để đặt câu hỏi phỏng vấn theo kiểu “phủ đầu”, “vặn vẹo” hay “dồn đến chân tường”. Những người như thế dễ dàng cuốn người khác vào câu chuyện của họ. Mặc dù, những câu chuyện ấy rất đỗi dung dị, đời thường, thậm chí, là câu chuyện về chính cuộc đời của bạn.
“Tôi sống thiếu hụt về tình cảm từ nhỏ. Nhưng tôi không đổ lỗi cho cuộc sống. Cảnh giới xuất thân của mỗi người sẽ quy định bản thân họ. Với tôi, xấu cũng là một giá trị, không may mắn cũng là một giá trị, hẫng hụt cũng là một giá trị. Những giá trị ấy giúp tôi trưởng thành hơn. Tôi thiếu hụt về tình cảm nên tôi đứng về phía những thiếu hụt để gần gũi với những cuộc sống, những phận đời quanh tôi ”- Phan Huyền Thư chia sẻ.
Xem Cha, mẹ xin lỗi con, sẽ có những phụ nữ giật mình. Phim làm về những hài nhân bị mẹ nạo bỏ, vì nhiều lý do. Đứng trước những thước phim cận cảnh khu nghĩa trang dành cho các hài nhân bị nạo bỏ, người phụ nữ từng nạo phá thai sẽ đối diện với nỗi đau tận cùng trong sâu thẳm tâm can bấy lâu vẫn dải dẳng, ầm thầm.
Mẹ, con đã về lại là câu chuyện về cuộc đời của những bệnh nhân chạy thận. Xóm trọ nghèo của những bệnh nhân chạy thận có cô gái trẻ thích làm thơ (nhân vật ấy đã mất), có người phụ nữ bán nước chè đêm kiếm thêm khoản thu cho những lần chạy thận tốn kém... Xóm trọ với những cảnh đời thương tâm, nhưng tất cả họ đều lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Bộ phim khép lại với hình ảnh chàng trai trẻ trở về nhà trên chuyến tàu đêm, dù cận kề cái chết, vẫn thấy hạnh phúc là mẹ anh đang chờ ở một sân ga.
“Những bộ phim bị “quy hoạch” về đề tài. Trên những con đường tôi đã đi, có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều cuộc đời nằm bên ngoài bộ phim, thậm chí nằm bên trong bộ phim mà tôi muốn tiếp tục đưa lên thành hình ảnh”, với những trăn trở ấy, Phan Huyền Thư đã nảy ra ý tưởng mới về một chương trình truyền hình mang tên Một phút có trong sự thật. Với thời lượng phát sóng 1 phút, mỗi chương trình là một phim ngắn, là một câu chuyện dung dị về cuộc đời.
Những đứa trẻ thất học, những giấc mơ mồ côi, lớp mẫu giáo cheo leo trên độ cao 1500m, những diêm dân mặn mòi với hạt muối mưu sinh... Tất cả họ sẽ là nhân vật trong những phim ngắn Một phút có trong sự thật của Phan Huyền Thư.
“Có lẽ là bản năng. Bản năng trong tôi luôn suy nghĩ. Sức mạnh của tôi là tự nghĩ nên những thước phim của tôi luôn trăn trở về những cuộc đời, những số phận. Tôi không có sự sắc sảo, gai góc khiến người khác phải giật mình. Tôi chỉ có những nỗi nặng lòng. Và tôi muốn chia sẻ.. .Có những điều nếu để trong ý nghĩ, nó rất sâu sắc với ta, nhưng khi nói ra lại thành câu cửa miệng nông cạn. Thế nên, tôi sẽ không nói gì thêm về những tác phẩm của mình. Tôi để chính những nhân vật, chính những cuộc đời tự kể câu chuyện của mình. Và mỗi khán giả sẽ có những nghiệm sinh riêng...”.
đều là những thước phim mới của Phan Huyền Thư.
Hiền Hương