Công nghệ biểu diễn Việt Nam:
Nước đến chân mới nhảy?!
Ai đã từng một lần làm nhà tổ chức biểu diễn mới cảm nhận được cái cảm giác hồi hộp đến đứng tim khi chương trình biểu diễn sắp mở màn mà MC, ca sĩ... đang còn ở phương trời nào…
Chúng ta còn thiếu thái độ nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, thiếu tinh thần phục vụ hết mình vì khán giả Live show Rain’s coming của ca sĩ - diễn viên Hàn Quốc Bi (Rain) diễn ra trong hai đêm 10 và 11-3 tại sân vận động Quân khu 7 (TPHCM) đã để lại dư âm đẹp khiến cho những ai quan tâm đến công nghệ tổ chức biểu diễn tại Việt Nam phải ước mơ, suy nghĩ.
Bao giờ công nghệ biểu diễn Việt Nam có thể làm được những sô diễn tầm cỡ như thế? Đó là câu hỏi khó trả lời, bởi nhìn vào sự chuyên nghiệp của bạn, chúng ta mới thấy trình độ tổ chức biểu diễn của mình còn quá nghiệp dư.
Có tiền chưa chắc làm được (!)
Một đạo diễn trong làng showbiz của Việt Nam khẳng định rằng nếu có đủ tiền thì các đạo diễn Việt Nam có thể làm được những sô diễn như Rain’s coming. Lời khẳng định này mới đúng một nửa.
Rõ ràng ai cũng thừa nhận, ngày nay, phương tiện kỹ thuật hiện đại, tối ưu đóng góp một phần quan trọng trong việc tổ chức thành công các sô diễn quy mô lớn, tạo nên hiệu quả hoành tráng, hớp hồn người xem. Tuy nhiên, đó chưa phải là yếu tố quyết định. Tính quyết định của một sô diễn có đẳng cấp cao hay không là ở yếu tố con người, chủ thể làm nên đẳng cấp đó, bao gồm từ nhà tổ chức, đội ngũ sáng tạo thực hiện chương trình, nghệ sĩ biểu diễn...
Có nhiều tiền, các nhà tổ chức biểu diễn Việt Nam có thể đầu tư mua sắm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất, có thể thuê chuyên gia hàng đầu thế giới về xử lý kỹ thuật âm thanh, ánh sáng... nhưng có nhiều tiền không hẳn là có được thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, một tinh thần làm việc có trách nhiệm cao, hết mình vì khán giả của những người thực hiện như live show Rain’s coming đã làm, đã cho thấy.
Thực tế, công nghệ biểu diễn của Việt Nam lâu nay vẫn bộc lộ những yếu kém là do yếu tố con người mà điều cốt yếu là thiếu tinh thần và thái độ lao động nghệ thuật có trách nhiệm, hết mình, biết tôn trọng khán giả từ nhà tổ chức, đội ngũ thực hiện đến nghệ sĩ biểu diễn.
Một chương trình biểu diễn ở Việt Nam có thể nhà tổ chức có ý định tổ chức từ vài tháng trước đó, thậm chí gần cả năm, nhưng mọi việc liên quan đến biểu diễn chỉ bắt đầu khoảng một tuần lễ trước ngày diễn ra. Lý do: đạo diễn chạy sô, biên tập âm nhạc chạy sô, họa sĩ thiết kế chạy sô, nghệ sĩ biểu diễn chạy sô... và cuối cùng là sân khấu chỉ được dựng vào giờ chót nên không có chỗ tập dượt, chạy chương trình.
Các nghệ sĩ tham gia hát trong chương trình chỉ việc báo bài với biên tập âm nhạc là xong, mạnh ai nấy tập luyện, kể cả khi phải hát cùng nhóm múa phụ họa, chờ đến ngày giờ chạy chương trình là mang đến ráp lại. Bởi vậy mới có tình trạng ca sĩ đổi bài vào giờ chót mà biên tập âm nhạc không hay biết trước đó. Ca sĩ có biểu diễn với nhóm múa hay không, đạo diễn chương trình cũng không nắm, đến khi MC giới thiệu ca sĩ biểu diễn cùng nhóm múa, như trong kịch bản, nhưng chẳng thấy nhóm múa đâu cả...
Tình trạng ca sĩ không thuộc bài phải hát nhép trong những sô diễn lớn tại TPHCM và Hà Nội trong thời gian qua là khá phổ biến. Thường đây là những bài hát mới không phải những bài hát ruột mà ca sĩ sử dụng hát hằng đêm nên không thuộc lời, do không chịu tập luyện. Mà một khi hát không thuộc lời thì ca sĩ không thể nào có được tâm trạng thoải mái để thả hồn mình vào lời ca đang gửi đến khán giả.
Rề rà, chưa chuyên nghiệp
Có phải vì tiền thù lao được trả chưa cao nên các nhà thực hiện chương trình và nghệ sĩ biểu diễn chỉ làm việc đến như thế thôi không? Một nhà tổ chức biểu diễn khẳng định không hẳn vì tiền ít mà ở đây là phong cách làm việc thiếu nghiêm túc đã trở nên phổ biến hiện nay trong giới hoạt động biểu diễn. Người này đưa ra ví dụ, một ca sĩ ngôi sao trong nước khi được mời tham gia biểu diễn trong chương trình của một ca sĩ nước ngoài diễn ra tại Việt Nam và do một công ty tổ chức biểu diễn nước ngoài tổ chức, được trả thù lao rất cao. Nhưng cô ca sĩ này vẫn làm việc với phong cách “nước đến chân mới nhảy”, thay vì phải có mặt ngay từ đầu chương trình, cô chỉ đến trước giờ diễn 20 phút. Đạo diễn chương trình, người Hàn Quốc, buộc lòng phải cắt bỏ tiết mục biểu diễn của cô ca sĩ này trước đó, để đường dây chương trình diễn ra thông suốt.
Ở một chương trình cũng có tầm cỡ khác, đêm nay công diễn nhưng chiều hôm đó đạo diễn còn ngồi dựng video clip. Tất nhiên, do kiểu làm vội vàng như vậy nên chất lượng của chương trình diễn ra có quá nhiều khiếm khuyết.
Ai đã từng một lần làm nhà tổ chức biểu diễn mới cảm nhận được cái cảm giác hồi hộp đến đứng tim khi chương trình biểu diễn sắp mở màn mà MC, ca sĩ... đang còn ở phương trời nào. Nghệ sĩ nào cũng canh giờ diễn, chỉ đến trước khoảng 5-10 phút, nhưng không lường hết được sự cố bất ngờ có thể xảy ra làm cản trở lịch trình của họ và hậu quả thế nào thì nhà tổ chức phải gánh chịu. Có những chương trình, ca sĩ không đến hát đúng giờ khiến ban tổ chức phải nhờ ca sĩ đã hát rồi lên hát tiếp, để câu giờ, lấp chỗ trống. Chương trình vì thế bị kéo dài ngoài ý muốn, nhà tổ chức không dám cắt vì sợ làm mất lòng nghệ sĩ...
Tất cả những điều này không nằm trong nguyên nhân ít tiền mà biểu hiện trình độ công nghệ biểu diễn ở đẳng cấp thấp, chưa chuyên nghiệp.
Theo Huỳnh Trần
Người Lao Động