1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Kiều Trinh:

Nữ nhân viên quán bar trở thành... diễn viên

“Chỉ một cái tặc lưỡi, Kiều Trinh có thể kiếm được một số tiền bằng cả năm làm lụng vất vả!”, tôi hỏi dò. Kiều Trinh không giận mà chỉ cười: "Chắc anh cũng biết, đối với Trinh, đồng tiền có ý nghĩa như thế nào. Nhưng điều quý giá đối với Trinh không phải là tiền mà là ba má và giờ có thêm cả con gái nữa".

Kiều Trinh may mắn được chọn đóng vai Bân - là nhân vật thứ chính trong phim Mùa len trâu của đạo diễn Việt Kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Tuy nhân vật này không có nhiều “đất diễn” nhưng Kiều Trinh đã tạo được một hình ảnh khá rõ nét về người phụ nữ Nam Bộ. Một ánh mắt có hồn, một nét môi tươi rói, một gương mặt mặn mòi cương nghị, một điệu khoát tay nhoài mình chèo ghe... những chi tiết tưởng như lặt vặt, nhưng đã tạo nên những điểm nhấn rất ấn tượng trong lòng người xem.

 

Lần đầu tiên đóng phim nhưng Kiều Trinh đã khắc họa cho nhân vật của mình một tính cách, một thói quen sống rất Nam Bộ mà điều này diễn viên chuyên nghiệp chưa chắc đã thể hiện thành công.

 

Khi bộ phim sắp khép lại, có một trường đoạn để lại trong lòng khán giả rất nhiều ấn tượng và cả nỗi day dứt: Bân gửi con lại cho Kìm để đi tìm chồng. Ấn tượng bởi tính cách mạnh mẽ của Bân, day dứt bởi thân phận người phụ nữ quê mùa đã khổ lại càng khổ hơn khi phải sống cuộc đời kìm kẹp. Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả vẫn là sự thể hiện xuất thần tâm trạng và tính cách nhân vật của Kiều Trinh.

 

Bân trao con cho Kìm (Thế Lữ) là một cảnh diễn khó, bởi khi đó người diễn viên phải thể hiện được tâm trạng phức tạp của tình mẫu tử đan xen tình vợ chồng, sự yếu đuối đau đớn của trái tim người mẹ khi phải xa con, và vẻ cứng rắn, quyết liệt của người đàn bà quyết đi tìm chỗ dựa và niềm hạnh phúc cho mình. Không có nước mắt, chỉ có ánh mắt buồn rười rượi, gương mặt đanh lại và đôi môi rung rung cố mím chặt hòa vào những động tác chèo ghe vội vã của Bân... nhìn cảnh diễn đấy, ít người nghĩ rằng nữ nghệ sĩ đang thể hiện thành công vai diễn trên màn ảnh ở ngoài đời chỉ là một nhân viên quản lý quán bar.

 

Ngoài đời, Kiều Trinh đã từng phải hành động như Bân. Chỉ khác là cô chưa đắm đuối với người đàn ông như nhân vật trong phim. Cô trao con gái cho bố mẹ để đi tìm một công việc tốt hơn, tìm một tương lai tươi sáng hơn cho mình và đứa con gái cô yêu thương. Cũng nhờ sự xuất hiện trong tác phẩm điện ảnh được dư luận chú ý trong mấy năm gần đây nên cánh cửa cuộc đời đã mở rộng hơn đối với mẹ con Trinh.

 

Lam lũ vào đời ở tuổi mười sáu

 

Hai ngày sau khi xem Mùa len trâu, tôi đến nhà Kiều Trinh đang trọ tại một ngõ nhỏ ở phố Hoàng Hoa Thám – Hà Nội. Không giống với hình dung của tôi, trong phòng của Trinh chỉ có sách tiếng Anh và rất nhiều ảnh của một bé gái – “Con gái em đấy. Năm nay nhỏ được tám tuổi. Em đang gửi cháu cho ông bà ngoại ở Bình Dương. Dzui lắm anh ạ. Cháu mới gọi điện cho em, khoe là vừa được học sinh giỏi” - Định bụng gặp Trinh để hỏi vì sao cô lại xuất hiện trong một bộ phim được đầu tư quy mô và hoành tráng như thế. Nghe đâu, Mùa len trâu còn sắp được gửi đi dự tranh giải Oscar lần thứ 78, nhưng chuyện đời của cô gái Bình Dương cuốn hút tôi, dẫn tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

 

Mười sáu tuổi, em nằng nặc đòi ba má cho lên Sài Gòn để kiếm sống. Khi đó em đang là học sinh giỏi, song em không thích học mà chỉ muốn làm ra tiền. Nhìn ba má làm lụng vất vả quanh năm nhưng đến mùa thu hoạch thì chẳng được bao nhiêu. Em buồn lắm. Suốt ngày em chỉ nghĩ cách để làm ra tiền.

 

Lên Sài Gòn, em được chị gái xin cho vào phục vụ tại một nhà hàng của người Hoa. Lần đầu tiên được nhận lương, em sung sướng biết chừng nào. Tiền chưa cầm ấm tay em đã vội vã chạy ra bưu điện gửi về cho ba má. Nhưng niềm vui thường chẳng kéo dài. Em làm được một thời gian thì nhà hàng đóng cửa vì vắng khách.

 

Sau đó, khoảng một năm, em phải vật vã đi tìm việc, cuối cùng cũng xin được vào công ty giày da. ít lâu sau em lấy chồng, một anh làm cùng công ty. Người thành phố. Không đẹp trai mà cũng chẳng xấu, nói chung là rất bình thường. Biết mình chẳng hơn ai, nên em cũng chỉ mong những gì ở mức bình thường. Lấy nhau được hai ngày, chưa kịp quen hơi thì anh ấy bảo: “Anh đã thắng”. Hóa ra em trở thành vợ người ta chỉ vì sự thách đố của mấy anh công nhân vốn rụt rè, thiếu bản lĩnh. Song em vẫn chấp nhận cuộc sống, sinh con và chuyển sang công ty chuyên may áo kimônô xuất khẩu để có thu nhập cao hơn.

 

Con gái em bốn tuổi thì vợ chồng em ly dị. Việc này được nhiều người thân trong gia đình chồng em ủng hộ. Nếu mấy năm trước em chấp nhận dấn thân vào cuộc đời sớm vì ba má thì sau này em chấp nhận làm lại từ đầu là vì con gái. Câu chuyện của chúng tôi gián đoạn vì cô gia sư dạy ngoại ngữ cho Kiều Trinh đến. Trinh hẹn tôi một hôm khác, sẽ gặp nhau ngay tại quán bar nơi cô đang làm việc.

 

“Em đã từng được trả giá… hai ngàn đô”

 

Tại Bar Seventeen Saloon nằm trên đường Trần Hưng Đạo, tiếng nhạc country nhè nhẹ, Kiều Trinh vui vẻ kể lại câu chuyện khi dấn thân vào một nghề còn nhiều định kiến của xã hội.

 

Một mình nuôi con tại nơi phố phường đô hội, người mẹ trẻ đã phải gồng mình lên để làm việc, để làm chỗ dựa cho đứa con thơ. Chỉ với nghề may áo kimônô nhưng những đường kim, mũi chỉ đã giúp mẹ con Trinh sống được gần bốn năm ở đất Sài Gòn đắt đỏ. Rồi nghề gì cũng có lúc thăng, lúc trầm, Kiều Trinh lại phải lao đao tìm một nghề mới.

 

Khi ở công ty may hết việc, em đi gõ cửa rất nhiều công ty nhưng chẳng ở đâu nhận. Lúc nộp hồ sơ vào Bar Seventeen, em nghĩ có trúng thì cũng chẳng làm, rồi bí quá, em đành tặc lưỡi: Ai nghĩ xấu về mình cũng đành chịu, miễn là mình không làm điều gì để phải  hổ thẹn. Vậy là em quyết định làm nhân viên phục vụ quán bar, mặc cho chị gái và anh rể ra sức ngăn cản.

 

Ngày đầu tiên em đi làm không có chuyện gì xảy ra, chỉ bị mệt vì khói thuốc lá và tiếng ồn ào của âm nhạc. Hôm sau, có mấy vị khách nước ngoài gọi em lại bàn họ. Họ khen em đẹp. Rồi họ rủ em về khách sạn với cái giá 500 đô. Em bảo “No”. Khi đó em chỉ biết 4 từ tiếng Anh là: “No”, “Yes” , “Thank you” và “Sorry” (không, vâng, cảm ơn và xin lỗi). Họ tưởng em chê ít nên tăng lên mức giá “tám trăm đôla” bằng cái giọng lơ lớ ngọng nghịu của người đang tập nói tiếng Việt. Em lại: “No”. Sau đấy họ lấy giấy dùng cho khách gọi đồ ghi một cái giá mà đến em cũng không bao giờ nghĩ tới: 2.000 USD. Em cười và bảo “No, thank you”, khiến cho tất cả bọn họ tròn mắt ngạc nhiên.

 

Sau này em vẫn thường xuyên nhận được những lời mà người ta vẫn gọi là “lời mời khiếm nhã”. Nếu một cô gái bị người đàn ông “ngỏ lời” như thế thì có thể coi là mình bị xúc phạm nhưng chúng em – những người phục vụ ở quán bar thì thấy là bình thường. Tất cả những người đàn ông bước vào bar đều nghĩ rằng tiền có thể làm được tất cả.

 

Từ một cô nhân viên phục vụ trong quán bar, tình cờ Kiều Trinh “bén duyên” với điện ảnh. Sau quán bar mà cô đang làm việc mở thêm cơ sở hai tại Hà Nội, Trinh được cất nhắc lên làm quản lý. Sau phim Mùa len trâu Kiều Trinh nhận được khá nhiều lời mời của các đạo diễn, nhưng “nàng Bân” mới chỉ xuất hiện trở lại trong bộ phim truyền hình dài tập Người Bình Xuyên. Tháng 9 tới, Kiều Trinh sẽ tham gia một bộ phim nhựa ở Hà Nội, nhân vật chính trong phim có khá nhiều điểm tương đồng với cuộc đời cô gái Bình Dương này.

 

Trở thành diễn viên điện ảnh là điều không khó khăn với Kiều Trinh, nhưng cô lại có một mơ ước khác – một mơ ước rất giản đơn: làm nghề trang điểm cô dâu. Tự tin vào đôi tay chai sần nhưng cũng rất khéo léo đã kinh qua nhiều việc cực nhọc, Kiều Trinh mong mười chiếc hoa tay trên những đầu ngón tay của mình sẽ làm đẹp được cho đời. Hiện Kiều Trinh đang “tầm sư” để “học đạo”. Mong rằng nghề làm đẹp đấy sẽ là điểm cuối để Trinh dừng chân, sau một chặng đường dài gian nan, vất vả.

 

 

Theo Tân Phong

Công An Nhân Dân