NTK Đỗ Mạnh Cường: “Tôi thành công vì mẹ”
“Chính mẹ đã hướng dẫn, động viên tôi đến với thời trang. Mẹ làm việc không biết mệt mỏi để nuôi tôi ăn học”, nhà thiết kế trải lòng về mẹ.
Lúc này, đằng sau vẻ mặt lạnh lùng có chút kiêu bạc, đằng sau những show diễn “hàng khủng” là người đàn ông U40 chỉ mong được bình yên. Chưa bao giờ anh hiền lành, trầm tĩnh như vậy.
Anh đang dồn hết năng lượng vào phát triển thương hiệu, mở thêm cửa hàng ở các thành phố lớn và chăm chút cho cậu con trai nuôi chưa đầy 2 tuổi.
Từng bị nói là vô tích sự
* Đã gần 10 năm vẫy vùng ở thị trường thời trang trong nước, dù có tai tiếng nhưng DMC vẫn là thương hiệu đáng nể. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, anh nghĩ gì?
- Tôi cũng chẳng ngờ mình lại trở thành nhà thiết kế thời trang, có được vị trí như ngày hôm nay. Thú thật là tới tận lúc phải tính đến nghề nghiệp tương lai, trong đầu tôi chưa bao giờ có hai chữ “thời trang”.
Lúc thi đại học, tôi chọn nghề báo nhưng thi trượt 3 năm liền. Chán nản, tôi học vẽ và ôn thi 6 tháng rồi đỗ 3 trường Mỹ thuật liền. Chẳng bao giờ tôi nghĩ một đứa học hành tầm thường như mình lại đậu vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp – trường mà nhiều người vẽ giỏi thi trầy trật vẫn rớt.
* Nhưng anh cũng bỏ học ngay ở năm thứ hai?
- Ở thời điểm đang hình thành nhân cách, tôi yêu và thất tình rồi chán nản, nổi loạn. Tôi bỏ học triền miên. Một thời gian sau nhìn lại mình thấy chán quá, học hành không ra sao, chuyện tình cảm thì không ổn, tôi sợ đời mình sẽ không ra gì.
Lúc ấy mẹ tôi đang ở Mỹ làm lụng kiếm tiền gửi về cho gia đình. Còn ở Hà Nội thì có phong trào đi du học Pháp. Tôi không thích cả Pháp lẫn thời trang nhưng đành đi vì cảm thấy nếu cứ ở đây thì sẽ chẳng đi đến đâu.
Tôi định sẽ tiếp tục học hội họa nhưng mẹ nói nên chọn một nghề ổn định, thời trang là nghề có thể mang lại sự ổn định, vậy là tôi thi vào khoa thời trang.
Chính mẹ đã hướng dẫn, động viên tôi đến với thời trang. Chứ lúc đó, mẹ đang rất vất vả. Còn họ hàng, người thân thì gièm pha với mẹ: “Ôi thằng này vô tích sự thế, không làm được gì đâu. Cho nó đi học rồi phí tiền”. Nhưng mẹ đã bỏ ngoài tai hết và đổ sức làm việc không biết mệt mỏi để kiếm tiền cho tôi học.
* Được biết anh sống xa mẹ từ nhỏ, điều đó có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của anh không?
- Từ nhỏ tôi rất gần gũi gắn bó với mẹ. Tôi hay chải tóc, làm đẹp với mẹ.
Nhưng tôi là người sống độc lập từ nhỏ, độc lập từ trong suy nghĩ. Từ khi còn rất bé, tôi đảm nhiệm việc đi chợ nấu nướng cho cả gia đình, nghĩa là cũng có sự quán xuyến việc nhà. Thế nên dù có xa mẹ, nhớ mẹ nhưng việc vắng mẹ trong đời sống không làm cho tôi buồn phiền ủ rũ.
Mẹ cũng gọi về thường xuyên nên tôi không thấy thiếu thốn tình yêu của mẹ. Tôi nghĩ thành công của tôi hôm nay luôn có bóng dáng của mẹ.
Không xù lông nhím nữa
* Anh đã từng rất quyết liệt khi chống trả dư luận. Điều gì khiến anh trở nên “nhu mì” như hiện tại, mặc kệ người ta nói?
- Nghề nghiệp của tôi rất dễ va chạm, dễ gặp scandal. Bản thân tôi cũng dễ bị vướng vào thị phi dù tôi có làm công việc gì. Thời gian gần đây tôi đã nhận ra rằng chẳng việc gì phải để mình bị lôi vào các cuộc tranh cãi.
Có lẽ tôi đã đến cái tuổi mà bất kỳ ai cũng trầm lại, tự suy nghĩ tích cực hơn. Và tôi nghĩ rằng tất cả những người gây scandal cho tôi đều không liên quan đến mình. Bên cạnh mình vẫn còn những người bạn thân hiểu mình, họ vẫn ở bên cạnh mình dù có chuyện gì xảy ra. Khách hàng của mình vẫn ở lại với mình. Thế thì thôi, nên cứ nhẹ nhàng đi qua, làm việc và phát triển thương hiệu của mình.
* Anh cũng không còn xuất hiện trên truyền hình hay các event như trước nữa.
- Tôi từ chối tất cả các show để tập trung vào công việc của mình. Thời gian rảnh rỗi tôi ở nhà, nấu nướng, chơi facebook và tranh thủ lúc rảnh rỗi đi thăm Nhím – con nuôi của tôi.
Tôi mong sớm đưa được Nhím về sống với tôi để tôi có thể chủ động chăm sóc con hoàn toàn. Tôi không có nhu cầu ra ngoài đường nữa.
Thành công vì biết lắng nghe phụ nữ
* Một nhà thiết kế đầy cá tính và có phần “ngang ngược” như anh sẽ phục vụ khách hàng thế nào nhỉ?
- Tôi nghĩ là không ai bán hàng tốt bằng chính tôi. Từ một nhà thiết kế tôi trở thành người bán hàng giỏi. Tôi nghĩ rằng nhà thiết kế cũng bình thường thôi, công việc của mình là đi phục vụ, làm đẹp cho phụ nữ. Thế nên nếu đặt cái tôi cao quá thì sẽ thiệt thòi.
Tôi thích tiếp xúc với khách hàng, thích gặp gỡ nhiều người, chịu khó gặp và nói chuyện với họ tôi đã thay đổi rất nhiều trong thiết kế. Thậm chí ngay cả những câu chuyện về gia đình, con cái mà những người phụ nữ đã chia sẻ với tôi cũng tác động đến công việc thiết kế của tôi.
* Xin anh ví dụ về sự tác động của họ tới thiết kế của anh?
- Ngày xưa tôi thích làm áo, váy không có tay nhưng khi nói chuyện với khách hàng của mình tôi thấy rất nhiều người muốn áo phải có tay và họ còn yêu cầu tay phải dài đến đâu rất chi tiết. Tôi đã chuyển sang thiết kế đồ có tay.
* Nếu nói như vậy thì có mâu thuẫn với quan niệm của thời trang xưa nay rằng nhà thiết kế phải là người tạo ra trào lưu chứ không phải chạy theo trào lưu?
- Ở một mức độ nào đó, tôi là người đi đầu tạo ra trào lưu thời trang tại Việt Nam đấy chứ. Lần đầu tiên trình diễn bộ sưu tập ở VN, tôi đã làm cả một bộ sưu tập gồm 45 mẫu chỉ toàn màu đen, màu mà không ít người Việt Nam tránh và chưa nhà thiết kế nào ở Việt Nam dám làm cả bộ chỉ toàn màu này. Sau đó là trào lưu màu sắc mạnh.
Hay là trào lưu mặc đồ rộng thùng thình cũng vậy. Thường phụ nữ Việt Nam rất thích mặc đồ ôm sát người, bất kể họ gầy hay béo. Nhưng tôi đã làm họ thích những chiếc đầm rộng, đơn giản, một màu.
* Trong mắt anh, gu ăn mặc của phụ nữ Việt Nam hiện nay ra sao?
- Phụ nữ hiện đại không rườm rà và rất năng động. Họ thích những món đồ tiện dụng, có thể mặc đi làm, đi chơi, đi tiệc và họ chọn mua những chiếc xe có thể phù hợp với mọi trang phục của họ. Như vậy mới là tiết kiệm. Nếu mua một chiếc đầm chỉ để đi tiệc, bạn sẽ chỉ mặc được 1 – 2 lần bởi không lẽ đi tiệc nào bạn cũng chỉ diện mỗi một bộ?
* Anh từng mang bộ sưu tập đến Mỹ, anh sẽ mở rộng thị trường với nước ngoài?
- Tôi mang đồ đến Mỹ để giới thiệu với người Việt Nam ở hải ngoại chứ không nhằm đến khách nước ngoài. Tôi chỉ cần phục vụ thị trường thời trang Việt Nam, cho người thì đã đủ mệt nhoài. Một thị trường quá rộng lớn mà nhà thiết kế Việt Nam chưa phục vụ được hết thì nói gì đến phục vụ nước ngoài
* Vậy thì điều thú vị gì khiến anh nhận lời tham gia dự án NÀNG mở màn năm 2016 ? “Nàng” của Đỗ Mạnh Cường có “dung nhan” ra sao?
- Vâng, đó là một dự án khá thú vị và làm cùng những người bạn cũng thú vị không kém. Tôi và các nhà thiết kế tham gia dự án sẽ “kể” câu chuyện của mình liên quan tới phụ nữ, tất nhiên là câu chuyện thời trang.
Câu chuyện của tôi có tên là Love với họa tiết trái tim và nhiều sắc thái của màu. Bộ sưu tập này cũng rất chú ý tới dáng (form) của chị em, chú ý các nét cắt vừa vặn, thắt eo và tôn vòng một căng tròn, dáng vẻ thanh tao. Chúng muốn nói rằng Nàng hãy luôn sống trong tình yêu vì tình yêu nuôi dưỡng thanh xuân và sức sống của Nàng.
Đối với tôi, Nàng quyến rũ vì nàng biết mình muốn gì, dù nàng xuất hiện ở đâu, thảm đỏ, nhà hát, hay ở chợ, đi bộ hay đi xe… cũng phải luôn đẹp và cầu toàn.
Có thể là một câu hỏi kỳ cục: Liệu chúng ta có là một giống loài đặc biệt? Hạnh phúc là được đi con đường riêng của mỗi người, dù đó có là ngược chiều.
Không phải vì ta khát khao một sự khác biệt. Vì khi một người không biết rõ họ là ai, họ muốn gì, thì chẳng thể nào biết người ta nghĩ gì về mình.
Vậy ta chọn đi con đường riêng với sự tự tin từ những trải đời sâu sắc.
Xu hướng đến và đi. Nhưng nó không dành cho ta. Ta chọn sự tiến hóa là một cuộc cách mạng. Ta đón chào những thay đổi theo cách riêng của mình.
Tuyên ngôn của người Vespa
“Một cái tôi sâu sắc” chính là dấu ấn dễ nhận thấy của người đi Vespa.
Vespa, biểu tượng của thời trang và phong cách Ý, được một số nghệ sĩ, nhà thiết kế Việt Nam chọn làm nhân vật trong dự án tôn vinh người phụ nữ mang tên NÀNG, được kể bằng những câu chuyện và hình ảnh hấp dẫn.
An Chi (thực hiện)