NSƯT Minh Châu: “Khó khăn dồn đẩy mình đứng lên”
Với hàng trăm vai diễn lớn, nhỏ nhưng điều nổi bật của nữ diễn viên Minh Châu là một gương mặt cá tính mạnh mẽ và tính cách dám sống đến tận cùng những gì mình cho là tốt đẹp và hạnh phúc.
Nhiều diễn viên điện ảnh đã thành công ngay từ vai diễn đầu tiên và không ít đạo diễn cứ khai thác mãi hình tượng đầu tiên của người diễn viên đó. Với Minh Châu thì thế nào?.
Cái nhìn đầu tiên của đạo diễn đối với Châu là: họ nghĩ Châu có thể đóng những vai dịu dàng, tốt bụng, chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Đạo diễn thường giao cho Châu nhiều vai buồn đau, khổ sở nhưng mình lại thích loại vai nổi loạn, đa chiều.
Sự giao thoa nào giữa diễn viên với đạo diễn được xem là hiệu quả nhất?
Có thể kể ra hai phong cách làm việc tiêu biểu: đạo diễn Đặng Nhật Minh đòi hỏi người diễn viên phải tuân thủ ý đồ của đạo diễn đến nghiệt ngã. Diễn viên có tính tự ái cao thì không thể làm việc được với anh. Như khi quay cảnh Nguyệt (trong phim Cô gái trên sông) sau gặp anh cán bộ cách mạng, bị từ chối cô quay ra đường và bật khóc. Minh diễn cảnh này nhiều lần không đạt khiến đạo diễn phát khùng: "Nếu không làm được, tôi không cần diễn viên nữa. Tôi quay cảnh rồi cho tiếng vào”. Đến khi cảm xúc của mình bật ra như một nút chai bị nén mạnh thì đạo diễn mới hài lòng. Thành công luôn đi kèm sự đau đớn, sự chịu đựng tưởng như khó vượt qua.
Ngược lại, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn để cho diễn viên tự tung hoành, tự sáng tạo trong cách thể hiện tính cách nhân vật. Nhờ vậy diễn viên được buông lỏng thần kinh, không bị căng thẳng. Người diễn viên tự vắt kiệt sức mình chứ không phải do đạo diễn. Trong suốt thời gian làm phim Người đàn bà nghịch cát, tôi tưởng như mình bị bệnh thần kinh luôn.
Người ta cho rằng cuộc sống của người diễn viên dễ có sự bấp bênh làm cho tình cảm, quan hệ hôn nhân dễ đổ vỡ, Châu có thấy như vậy không?
Tình yêu đầu đời của mình chỉ là tình bạn và một chút thích nhau của tuổi học trò. Khi gặp Tuấn - một sinh viên kiến trúc thì đó là một tình yêu sét đánh, nó như là số phận, mình cảm giác được ngay người ấy sẽ là chồng mình. Tuấn cũng thế, anh đến với mình như một cơn bão. Một năm sau khi quen biết, hai đứa lấy nhau. Khi sống chung thì cuộc sống lại khác rất nhiều so với thời gian yêu nhau. Châu thì thích ổn định, Tuấn sống nghệ sĩ hơn cả Châu, điều đó đáng yêu nhưng cũng làm Châu mệt mỏi. Tuấn mạnh mẽ như cơn lốc, đến khi chững lại, thấy bị hẫng. Tính mình thì thẳng thắn, gay gắt quá, sự tưởng tượng về người đàn ông của mình lại đẹp đẽ quá. Điều đó cũng làm khổ Tuấn.
Khi đã yêu nhau, chung sống với nhau thì đáng lẽ ta phải chấp nhận cả cái tốt lẫn cái dở của nhau, nhưng Châu và Tuấn như hai người đi trên cùng một con thuyền có... hai thuyền trưởng thật khó điều khiển. Có lẽ đó cũng là những rạn vỡ mà sau này mỗi lần nghĩ lại vẫn cảm thấy đau.
Khi anh Tuấn mất, Châu lại là một người đàn bà lo toan tất cả cho gia đình. Nghe đồn Châu rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc. Rằng Châu bây giờ là một tỉ phú, đổi nhà liên miên...
Ông trời chẳng cho ai tất cả, mà cũng chẳng lấy hết của ai bao giờ. Có lẽ khi không còn chồng đứng cạnh to toan, khó khăn lại dồn đẩy mình đứng lên. Ban đầu, mình mua được căn nhà bé bé, nhưng thấy chỗ ở bất lợi cho con nên phải tìm cách chuyển. Lúc đó sốt nhà đất bùng phát, mình bán căn nhà, dư được một chút. Rồi thấy nhà khác ưng ý hơn, lại bán - bán đi lại dư. Nhà bé thành nhà to. Lại nảy sinh nhu cầu muốn làm căn nhà theo ý mình. Cái nhà có phong cách của mình lại có người thích, hỏi mua. Mình lại bán. Thanh Quý (diễn viên điện ảnh) đùa với Châu rằng “Thôi, đừng mua nhà, đổi nhà nữa mà Châu nên mua cái ô tô ở cho tiện”. Có lẽ mọi người thấy mình đổi nhà nhiều nên cho mình là tỉ phú chăng?
Trong phim Chiếc hộp gia bảo, Kiều Linh - con gái Châu -đóng vai chính, Linh xinh, duyên cũng mặn mà như mẹ. Châu có định hướng sự nghiệp cho con?
Từ lúc con còn bé, Châu đã có thói quen không áp đặt cháu. 15 tuổi, Linh được mời đóng phim, tôi thấy con cũng có năng khiếu nhưng chưa rõ nét. Trong phim này, Châu cũng đóng vai mẹ. Cảnh nào con bé phải khóc mà vắng mẹ là không thể quay được vì cháu không khóc được, thế là phải có mẹ khóc "mồi"cho cháu khóc theo. Đó là những kỷ niệm vui của hai mẹ con trong nghề đóng phim. Hiện cháu đang theo học kiểm toán tại Mỹ. Khác mẹ, cháu chỉ coi nghệ thuật là một sân chơi bên cạnh công việc chính của mình. Hai mẹ con Châu lúc nào cũng như hai người bạn.
Con gái Châu có mong muốn mẹ có hạnh phúc mới không?
Con gái vẫn bảo mẹ rằng: Con thích mẹ có hạnh phúc. Nếu mẹ thích người đó mà con không thích thì con vẫn chấp nhận.
Vậy người đàn bà thế nào là hạnh phúc, theo Châu?
Mỗi người một quan niệm khác nhau. Hạnh phúc là cái mình muốn và làm được. Con cái thành đạt là tất cả hạnh phúc đối với tôi.
Theo Phụ Nữ Chủ Nhật