NSND Thanh Hoa hát bằng những thầm kín lặng câm

"Trong số khán giả đến xem tôi hát, không ít người muốn nhìn thấy người đàn bà đã ruồng rẫy chồng mình như thế nào. Họ nhìn tôi bằng những ánh mắt thương hại mà không hiểu được rằng tôi đã và sẽ yêu anh ấy đến tận sau khi anh ra đi", Thanh Hoa nói về cuộc hôn nhân với nhạc sĩ Phan Lạc Hoa.

Năm 1971, tôi và anh Hoa chính thức yêu nhau dù gia đình phản đối. Bố tôi bảo, là người đàn ông bố không thích nhận xét về người đàn ông khác, nhưng bố không chấp nhận người này. Thế nhưng thật kỳ lạ, càng trắc trở bao nhiêu thì khát vọng đến với nhau càng lớn bấy nhiêu. Bố mẹ tôi không hiểu con gái mình là người đã thích cái gì là đeo đuổi đến cùng. Tôi và anh Hoa kết hôn trong sự phản đối của gia đình, và sau đấy là một cuộc sống vô cùng vất vả. Rất nhiều điều tiếng đã đến trong và sau cuộc hôn nhân này, đặc biệt khi anh Hoa mất.

 

100 ngày sau khi anh ra đi, tôi nhận lời đi hát trở lại. Buổi biểu diễn ấy tổ chức tại rạp Công Nhân, vé xem hát không còn để bán. Không ít người muốn đến để xem tôi hát như thế nào sau khi đã ruồng rẫy chồng mình. Họ nhìn tôi bằng những ánh mắt thương hại mà không hiểu được rằng tôi đã và sẽ yêu anh ấy đến tận sau khi anh ra đi. Đêm hôm đó, tôi hát đúng 3 bài mà tôi đã hát đêm Phan Lạc Hoa mất: Tình yêu bên dòng sông quan họ, Vì sao anh ra đi Tàu anh qua núi.

 

Tôi hát xong bài thứ nhất, khán phòng lặng phắc. Hát bài thứ hai, tôi nghe thấy tiếng khóc ở dưới. Và hát xong bài thứ ba, người ta đứng lên vỗ tay như chưa bao giờ được vỗ. Tôi bước vào trong cánh gà, gần như ngất đi. Một số người bạn của Phan Lạc Hoa khi ấy nói thẳng với tôi: "Bọn anh định xóa sổ em nhưng không xóa nổi, bởi em ca hay quá. Tiếng hát của em đã làm mọi người quên đi tất cả suy nghĩ trong đầu. Em thuyết phục họ bằng chính giọng ca của em".

 

Cuộc sống tưởng rồi sẽ bình an, nhưng tôi không được yên bởi ngày nào cũng có người muốn đến để chia sẻ. Trong số những người ấy, có một người từng quen biết Phan Lạc Hoa, người chẳng bao giờ nói, chỉ nhìn tôi và luôn chăm sóc hai con gái của tôi, lúc đèo đi ăn, khi đèo đi học. Tôi hiểu trong anh có sự thương cảm, dường như có gì đó cảm thông, rất người ẩn sâu trong vẻ lạnh lùng ấy. Anh không bao giờ nói anh muốn có trách nhiệm với cuộc sống của tôi. Anh chẳng nói, vì anh quá trẻ. Trong mắt tôi lúc ấy, anh chỉ như cậu bé mới lớn, kém tôi 6 tuổi, nhưng thật chân tình.

 

Đã có lần tôi nói với anh: "Mình trẻ quá, còn tôi đã quá mệt mỏi với cuộc sống này, tôi không còn ý định đi bước nữa". Nhưng anh ấy chỉ nói: "Suy nghĩ của mình không ai có quyền áp đặt. Nhưng cứ sống như thế này liệu có yên không? Ngày nào cũng năm bảy người đàn ông vào nhà, liệu mình có bình yên để nuôi con không?".

 

Những lời nói của anh đã làm tôi phải suy nghĩ nhiều. Nhưng lúc ấy, anh chị em ruột và cả bố mẹ của anh đều không đồng ý. Tất cả gần như cuống cuồng khi nghe anh có tình ý với tôi, một người đàn bà hai mặt con và chồng lại mới chết. Gia đình hốt hoảng gọi anh về Huế bắt lấy vợ. Tôi cũng khuyên anh ấy trở về, để không phụ lòng cha mẹ. Nhưng rồi anh ấy trở lại Hà Nội.

 

Tôi và Tôn Thất Lợi đã cưới nhau. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ cái quý giá nhất còn lại sau mọi sự là các con tôi cùng bốn cháu ngoại. Các con gái tôi rất tôn trọng anh Lợi, luôn coi anh là người cha thực sự. Tôi nghĩ, để giữ được niềm vui như thế không phải đơn giản.

 

Tôi đã có mặt ở gần khắp các sân khấu để cất lên tiếng hát. Không chỉ dừng ở đó, tôi còn muốn phát triển khả năng của các ca sĩ trẻ, những thế hệ con, cháu của mình. Kỷ niệm 40 năm ca hát, lần đầu tiên, tôi muốn tổ chức một liveshow để tri ân khán giả, những người đã thầm lặng suốt bao năm chia sẻ cùng tôi niềm vui nỗi buồn. Và chính là để tri ân, chứ không phải tổng kết những ca khúc đã làm nên một NSND nổi tiếng.

 

Tôi quyết định chỉ hát những ca khúc mà suốt 40 năm qua, tôi chỉ dành nó cho riêng mình, những ca khúc được cất giấu như một nỗi niềm riêng của người nghệ sĩ đầy thăng trầm. Tôi tin với Hát thầm, khán giả sẽ gặp lại một Thanh Hoa bằng những đau khổ, những thầm kín và lặng câm, được nhìn lại con đường của người nghệ sĩ dám xả thân, sống hết mình, cống hiến hết mình cho nghệ thuật và những kỷ niệm đôi khi nghiệt ngã nhất trong cuộc đời.

 

Theo Mốt