1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

NS Phó Đức Phương: “Vi phạm bản quyền do bất cập pháp luật”

(Dân trí) - “Vi phạm bản quyền âm nhạc thì chả cứ cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà nhiều trường hợp của các nhạc sỹ khác cũng bị xâm hại, nhất là trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn...”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.

NS Phó Đức Phương: “Vi phạm bản quyền do bất cập pháp luật” - 1
Nhạc sỹ Phó Đức Phương
 
Trao đổi với nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam quanh vấn đề bản quyền âm nhạc, ông Phương cho biết:

Trong năm 2010, trung tâm đã thu về từ tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc là 32,5 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2009. Trong đó đáng chú ý là gần 10 tỷ đồng là nguồn thu từ bản quyền nhạc chuông điện thoại; 7,5 tỷ đồng từ các phòng trà, karaoke, vũ trường, nhà hàng; 2,5 tỷ đồng từ các trang web tải nhạc…. Riêng lĩnh vực biểu diễn vốn được coi là khá “rầm rộ” chỉ thu được về được 1,9 tỷ đồng.

Thống kê của trung tâm cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2010 có gần 400 buổi biểu diễn được cấp phép tại Hà Nội thì chỉ có 8 buổi được sự đồng ý của tác giả. Thậm chí trong 6 tháng cuối năm còn không có buổi diễn được cấp phép nào tôn trọng quyền tác giả.

Ông lý giải thế nào về việc vi phạm quyền tác giả tràn lan như vậy?

Tôi cho rằng, vấn đề nằm ở những bất cập về mặt pháp luật. Cụ thể là trong Quy chế 47 về tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp của Bộ Văn hóa Thể thao ban hành năm 2004, điều 22 quy định: các cơ quan Nhà nước có quyền cấp phép biểu diễn mà chưa biết nhà tổ chức đã xin phép tác giả hay chưa, không yêu cầu có hợp đồng xin phép tác giả trong hồ sơ xin cấp phép.

Ngoài ra, Luật sở hữu trí tuệ còn quy định sử dụng tác phẩm đã công bố “không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao”. Rõ ràng, điều luật này khiến chủ sở hữu tác phẩm “không còn quyền không cho phép” các tổ chức biểu diễn và phát sóng sử dụng tác phẩm của mình.

NS Phó Đức Phương: “Vi phạm bản quyền do bất cập pháp luật” - 2
Đơn đề nghị không cấp phép công diễn những tổ chức vi phạm bản quyền của gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
 
Mới đây, bà Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vừa có đơn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng gửi Cục nghệ thuật biểu diễn lên tiếng về việc có một số chương trình âm nhạc diễn ra ở Hà Nội có sử dụng các tác phẩm âm nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà gia đình không được thông báo. Ông nghĩ sao về việc này?

Đối với các tác phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Trung tâm không phải là đại diện bảo vệ quyền tác giả. Nhưng về sự vi phạm bản quyền này thì chả cứ cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà nhiều trường hợp của các nhạc sỹ khác cũng bị xâm hại, nhất là trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn.

Họ được Cục Nghệ thuật biểu diễn cho phép biểu diễn là cứ thế tổ chức, không cần hỏi quyền tác giả nữa. Họ không xin phép gì hết, bọn tôi làm sao có thể săn lùng tất cả hàng nghìn trường hợp như thế được.

Cũng trong đơn này, bà Trinh đã đề nghị cơ quan chức năng không cấp phép công diễn cho bất kỳ đơn vị tổ chức biểu diễn nào có sử dụng các tác phẩm của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà không có sự đồng ý của bà bằng văn bản. Theo ông, điều này có khả thi?

Như đã nói ở trên, đây không phải vấn đề riêng một trường hợp cá biệt nào. Và để đảm bảo quyền lợi cho các tác giả, trước khi cơ quan chức năng cấp giấy phép cho một đơn vị nào hoạt động thì anh phải xem họ đã thực hiện đầy đủ luật pháp chưa, mà cụ thể ở đây là họ đã xin phép tác giả hoặc các đơn vị đại diện sở hữu bản quyền tác giả chưa. Trừ các chương trình phát sóng (bao gồm phát thanh và truyền hình) thì không cần xin phép trước nhưng phải trả tiền sau.

Theo tôi, việc các cơ quan chức năng đóng dấu cấp phép các chương trình biểu diễn hiện nay có thể hiểu là kiểm duyệt thì đúng hơn là cấp phép, để chúng ta xem các đơn vị tổ chức ấy có vi phạm về chính trị hay thuần phong mỹ tục không…

Xin cảm ơn ông!
 

NS Phó Đức Phương: “Vi phạm bản quyền do bất cập pháp luật” - 3

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời nhiều ca khúc bất hủ.

Việc quá nhiều chương trình vi phạm bản quyền âm nhạc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn buộc gia đình phải lên tiếng. Sự lên tiếng ấy còn nhằm mục đích góp phần để công tác tổ chức biểu diễn Việt Nam phát triển một cách chuyên nghiệp và lành mạnh hơn.

Điển hình như chương trình “Ru tình” đã tổ chức được thường xuyên tại Hà Nội suốt 10 năm nay vào dịp 8/3. Gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đánh giá cao chương trình này không chỉ với sự nghiêm túc trong việc tổ chức mà cả trong việc thực hiện trách nhiệm về bản quyền tác phẩm.

(Ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn)

 

Bằng Linh