Những thiết kế táo bạo trên sân khấu opera của Quỳnh Paris
(Dân trí) - Nhà thiết kế đình đám Việt Nam đã được mời đảm nhận vai trò thiết kế trang phục cho các nhân vật trong vở nhạc kịch nổi tiếng Cây sáo thần, sẽ diễn ra tại Nhà hát TP.HCM vào tối 8 và 9/11.
Kể từ lần công diễn đầu tiên vào năm 1791, "Cây sáo thần" là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất thuộc thể loại opera. Hiện nay, tác phẩm đứng thứ tư trong các vở nhạc kịch được biểu diễn thường xuyên nhất trên toàn thế giới.
Chính vì thế, nhiều khán giả Việt Nam đang rất háo hức trông chờ thưởng thức vở nhạc kịch này công diễn tại Nhà Hát TP HCM vào ngày 8 và 9 tháng 11 sắp tới. Đây là chương trình lớn và được đầu tư qui mô nhất từ trước đến nay của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM (HBSO) kết hợp dự án Transposition – Na Uy và Việt Nam thực hiện. Theo đó, vở diễn sẽ do nhà đạo diễn tài ba người Đức David Hermann dàn dựng. Tuy còn trẻ tuổi nhưng thành tích của David Hermann trong lĩnh vực opera tại châu Âu rất đáng khâm phục.
Đặc biệt, nhà thiết kế Quỳnh Paris đã được mời đích danh thiết kế trang phục cho toàn vở nhạc kịch: các nhân vật chính (15), diễn viên nhảy núa ba lê (20), các ca sĩ của hợp xướng (37). Tổng cộng, chị đã thực hiện khoảng 30 mẫu và hoàn thành hơn 100 trang phục trong vòng 4 tháng.
Chia sẻ về điều này, nhà thiết kế cho biết: "Đây là một đơn đặt hàng rất bất ngờ và thú vị với Quỳnh. Lần đầu tiên giữ một trọng trách lớn như vậy, bản thân tôi cũng cảm thấy áp lực và hạnh phúc khi những sáng tạo của mình được các nghệ sĩ lớn đón nhận".
Để thực hiện nên những trang phục của từng nhân vật qua từng lớp diễn, Quỳnh Paris đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về hình mẫu, lời hát cũng như sự chuyển động trên sân khấu của từng nhân vật. "Các thiết kế thật sự đã làm tôi nhiều đêm phải thức trắng. Sau khi hoàn tất, Quỳnh Paris đã nhận ra một điều: thời trang cao cấp vẫn có tính ứng dụng của nó. Đó chính là tính ứng dụng cho tinh thần, truyền tải văn hóa qua góc nhìn mỹ thuật của một NTK. Đây cũng là cơ sở vì sao thời trang cao cấp có thể tồn tại một cách bền vững đến ngày nay, dù đã gặp rất nhiều sóng gió và đang dần bị thương mại", chị chia sẻ thêm.
Cách đây một năm, Cây sáo thần đã được diễn thử tại Nhà Hát TP. HCM, chủ yếu là thể hiện phần âm nhạc và không trang phục cũng như cảnh trí. Khi đó, dự án Transposition - Na Uy đã mời NTK Quỳnh Paris đến xem với ý định mời chị thực hiện trang phục cho buổi diễn hoành tráng sắp tới.
Lấn sân sang lĩnh vực nhạc kịch là một thử thách lớn với nhà thiết kế Quỳnh Paris. Chị chia sẻ là mình rất tự hào khi được mời tham gia một dự án nghệ thuật kinh điển. Đây cũng là cơ hội mà Quỳnh Paris phát huy năng lực sáng tạo vốn có của mình. Sự hợp tác này cũng giúp chị kết nối lại với thế giới âm nhạc cổ điển mà mình từng nhiều năm theo học trước đây.
KM