Những tấm gương ham đọc và tự học thời nay
(Dân trí) - Nhân kỷ niệm lần thứ 3 Ngày Sách Việt Nam (21/4), Nhà sách Tân Việt và NXB Thông tin và Truyền thông đã liên kết cho ra mắt cuốn “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”.
Đây là một tác phẩm viết về Bác Hồ và những nhân vật lỗi lạc thời đại Hồ Chí Minh gắn với việc đọc và tự học suốt đời. Tác giả của sách là TS Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cuốn sách dày 200 trang được chia thành hai phần, trong đó phần một viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với nguồn tư liệu dồi dào, tác giả khẳng định vai trò của việc tự học và đọc sách báo đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ; nêu rõ sự chú trọng đặc biệt của Người trong việc khuyến đọc, xây dựng nơi đọc sách báo cho nhân dân, khuyến khích mọi người thực hiện việc học suốt đời với khát vọng đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái.
Ở phần hai, tác giả viết về 6 nhân vật lỗi lạc gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các GS Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng và Hoàng Tụy. Đây là những trí thức tiêu biểu cho những lĩnh vực khoa học khác nhau của Việt Nam và đều đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình khoa học có giá trị đóng góp cho đất nước.
Tác giả đã dày công tìm hiểu và hệ thống hóa các tư liệu, giới thiệu phương pháp đọc và tự học của các vị trên nhằm giúp độc giả có cái nhìn tổng quan và áp dụng phù hợp với công việc, lĩnh vực nghề nghiệp của mình.
Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và một nhà giáo, GS Tạ Quang Bửu luôn chú trọng đến việc đọc sách của cả thày và trò. Là người có hiểu biết sâu rộng về toán học, ông đã chỉ ra những tài liệu cần đọc để dạy tốt hơn. Ông khuyến khích học sinh đọc các sách văn học để nâng cao lòng ham thích sáng tạo.
Nhà văn hóa Đào Duy Anh chú trọng việc tìm đến những tư liệu gốc kết hợp với điền dã.
Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng chú trọng việc đọc toàn diện, yêu cầu các bác sĩ không chỉ đọc tài liệu ngành Y mà còn phải đọc tài liệu văn hóa lịch sử.
Nhà toán học Hoàng Tụy cũng chú trọng đọc toàn diện, đặc biệt là sách văn học để phát huy trí tưởng tượng, nuôi dưỡng sự sáng tạo, bồi dưỡng tâm hồn…
Mục đích của tác phẩm như trong phần Lời nói đầu tác giả viết, nhằm: “Cung cấp cho bạn đọc những tấm gương sáng để cùng soi chung. Soi để học, học để hành, mỗi người sẽ học được cách nuôi dưỡng và phát triển năng lực tự học qua sách báo, tư liệu, khả năng tư duy sáng tạo, làm cho cuộc sống của mình, của cộng đồng và của dân tộc trở nên tốt đẹp hơn”.
TS Vũ Dương Thúy Ngà còn bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều người cùng chung tay “khơi nguồn và hun đúc thêm truyền thống hiếu học, ham đọc sách và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam gắn với sự phát triển trường tồn của dân tộc và đất nước”.
“Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” ngoài giá trị lịch sử, giá trị tư liệu, sách còn còn là tài liệu tham khảo hữu ích giúp cho độc giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên trau dồi phát triển phương pháp đọc và tự học thông qua các bài học từ các tấm gương trên.
Sách cũng có thể là món quà quý để các bậc phụ huynh, các thày cô giáo có thể thông qua đó hướng dẫn, giúp cho thế hệ trẻ hình thành sự ham thích và gắn bó lâu dài với việc đọc, khích lệ niềm say mê tự học suốt đời, góp phần phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Thanh Vân