1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Những làn sóng âm nhạc

1998, tôi làm show “Nghe mưa”. Lúc ấy, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh đi đến đâu cũng đông nghịt người hâm mộ, họ xô đẩy, chen lấn để cố chạm bằng được vào người thần tượng.

Lúc ấy, Bảo Chấn với những bản nhạc pop nhẹ nhàng, nổi tiếng đến nỗi khi làm show cùng nhưng rất đông người hâm mộ gặp tôi cứ hỏi có phải Bảo Chấn không, để xin chữ ký!

Lúc ấy, top ten “Làn sóng xanh”, những sô đầu tiên hấp dẫn được rất nhiều bạn trẻ có học thức cùng những người yêu nhạc. Lúc ấy đi đâu cũng Bên em là biển rộng, Nơi ấy bình yên, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày.

Lúc ấy...

1

Từ năm 1997 đã bắt đầu một làn sóng bài hát Việt mà tôi gọi là “tình ca mới”. Nó đã áp đảo nhạc ngoại, nhạc Việt hải ngoại nhập lậu, tạo nên hiện tượng mà báo chí gọi bằng cụm từ “nhạc Việt lên ngôi”. Thật ra để có được hiện tượng này đã có sự chuẩn bị từ 20 năm trước.

Những người đi đầu trong việc làm mới bài hát Việt từ thập kỷ 1980 phải kể đến Trần Tiến, Nguyễn Cường, Thanh Tùng, cùng một số sáng tác của các nhạc sĩ Vũ Ân Khoa, Tôn Thất Lập, Trần Quang Huy, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung, Vy Nhật Tảo, Nguyễn Văn Hiên... và công đầu thuộc về hai anh Thanh Tùng, Trần Tiến. Nhưng lúc ấy buổi giao thời, cái cũ, cái ngoại lai, cái mới còn lẫn lộn mạnh lắm.

Nhớ lại những năm trước, năm 1987, chính sách cởi mở, nhân cơ hội này nhạc tiền chiến bắt đầu trở lại và theo nó là nhạc Sài Gòn trước 1975, nhạc Việt hải ngoại nhập lậu. Các hãng nhạc hải ngoại như Thúy Nga Paris, Làng Văn, Asia... làm mưa làm gió thị trường âm nhạc trong nước...

Tình hình này khiến giới trẻ có học thất vọng, ngoảnh mặt làm ngơ với nhạc trong nước và chỉ nghe nhạc ngoại quốc (khi tôi ra Hà Nội năm 1998, con gái nhạc sĩ Nguyễn Cường, một học sinh khoa piano nhạc viện, nói với tôi: “Bọn cháu chẳng bao giờ nghe nhạc VN, nhưng cháu có nghe  nhạc của bác, thế là chiếu cố lắm đấy”!). Đúng là một cuộc khủng hoảng thật sự, nhưng chính cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến sự ra đời của làn sóng “tình ca mới” kể trên.

2

Tình ca mới rộ lên được bốn năm, năm 2001 một làn sóng khác bắt đầu, làn sóng nhạc thị trường.

Không chạy theo những giá trị nghệ thuật cao, tính sáng tạo và sự tìm tòi của nhạc thị trường ở nước ta chỉ để đạt được hiệu quả thương mại. Người sản xuất ra loại nhạc này sử dụng mạnh lối tiếp thị của kỹ nghệ bán hàng tân tiến. Họ biết cách tạo dựng thương hiệu, điều mà người làm âm nhạc nghiêm túc do không có ông bầu không tài nào làm được.

Làn sóng này đã ồ ạt giành lấy công chúng trẻ ở các đô thị và vùng nông thôn phát triển. Cũng năm 2001, trong phòng thu, anh bạn làm nghề thu âm nói với tôi điều này: “Các anh cứ chửi nhạc thị trường, nhưng bọn trẻ nó thích thì cũng phải có cái gì đó chứ”. Cái gì đó chứ là cái gì? Một câu hỏi rất đáng được quan tâm nhưng khó có thể có câu trả lời một cách rõ ràng.

Nhạc thị trường lan rộng một cách mạnh mẽ. Nó là sản phẩm tự nhiên của xã hội bao cấp khi chuyển sang cơ chế thị trường. Âm nhạc bao cấp dùng để tuyên truyền, giáo dục quần chúng, nay trở thành hàng hóa giống như mọi sản phẩm tiêu dùng khác. Người nghe trở thành khách hàng. “Khách hàng là thượng đế”, nhưng “thượng đế” của chúng ta là những người không được chuẩn bị để trở thành công chúng âm nhạc thật sự.

Đặc điểm của những “thượng đế” này là thích “món ăn” nào dễ “tiêu hóa” (nhạc dễ, lời dễ, miễn là phần đệm phải màu mè một tí, sung sung một tí). Những “thượng đế” này vô tình đã tạo dựng nên một giới sáng tác và biểu diễn riêng cho mình. Giới này đang đẩy dần lớp nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ nổi lên trong thập kỷ 1990 vào bóng tối. Những người trụ lại được thì công chúng của họ bị thu hẹp đáng kể.

Việc lan rộng “nhạc thị trường made in Vietnam” đã phá vỡ thế cân bằng văn hóa của các hoạt động âm nhạc (cân bằng giữa giải trí với cảm thụ tiếp nhận), vì thế ở một mức độ nào đó nó có ý nghĩa phản văn hóa. Đây là một nguy cơ thật sự, khi giới trẻ lớn lên trong môi trường âm nhạc như thế...

3

Nhưng... cũng đúng bốn năm sau, năm nay 2005, tôi đã cảm nhận đang có một làn sóng mới nữa, làn sóng bài hát Việt đợt 2 mà tôi tạm gọi là làn sóng “tình ca trẻ”. Không thị trường, không “dại tình”, không nhạc kiểu văn công, không lãng mạn kiểu tiền chiến, kiểu Sài Gòn cũ, không đạo nhạc ngoại quốc, để hướng tới một thứ âm nhạc đương đại, hội nhập, văn minh và giàu bản sắc cộng đồng. Âm nhạc của thế hệ 7X, 8X hơi thở mới, giọng điệu mới. Làn sóng này chắc sẽ ồ ạt trong vài năm tới, hi vọng mang lại sự cân bằng cần thiết cho âm nhạc nước nhà.

Lạc quan quá chăng? Không đâu! Lực lượng của nó đã được chuẩn bị hàng chục năm trước.

Từ chục năm trước có một phần trong giới nhạc sĩ trẻ ý thức được phẩm giá của những người làm nghệ thuật và trách nhiệm đối với cộng đồng đã cố gắng tìm một hướng đi cho mình. Từ những năm 1990, họ còn bị lấp bóng bởi những tên tuổi lớn nhưng vẫn âm thầm làm việc. Năm 1993, trong Liên hoan nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ nhất, khi làm giám khảo, nghe được hòa tấu Biển và núi của ban Hoa Sữa, hòa tấu Những con chim của ban Phương Đông, nghe bài hát Thì thầm mùa xuân của Ngọc Châu, tôi nói nhỏ với Nguyễn Cường:

“Chúng nó rồi sẽ hơn bọn mình đấy”. Và từ đó đến nay, khi cộng tác với họ, tôi đã phải cố gắng để không bị tụt hậu, bởi tôi cảm thấy rằng nếu không cập nhật âm nhạc hằng ngày, không làm việc cùng những con người này khoảng sáu tháng thôi, chắc chắn tôi sẽ bị văng ra ngoài lề cái đời sống âm nhạc mà tôi đang sống. Không phải vì họ quá giỏi mà vì cuộc sống là như thế, luôn chuyển động tiến về phía trước, dừng lại là tụt hậu ngay.

Bây giờ những nhân vật bị lấp bóng, một số đã lộ diện đàng hoàng, đang trở thành thủ lĩnh của lực lượng âm nhạc trẻ. Quốc Trung của ban Phương Đông ngày xưa đã trở thành nhân vật phối khí hàng đầu. Bằng “Thiện Thanh” và “Đường xa vạn dặm”, Trung đã mở một hướng đi tốt cho việc hội nhập với âm nhạc đương đại.

Anh Quân, Huy Tuấn từ Đức trở về tái lập ban Anh Em và tìm cách hoàn thiện phong cách âm nhạc mà hai anh theo đuổi từ đầu (funk và R&B) và rèn giũa đẳng cấp để ngang tầm với bên ngoài. Đức Trí đã giỏi hơn rất nhiều sau chuyến du học ở Mỹ. Việt Anh, Đỗ Bảo, Minh Đạo, Hoài Sa, Lê Minh Sơn đã trưởng thành (nhất là Lê Minh Sơn đã cho thấy tầm vóc của một tác giả).

Rồi những nhân vật mới ló dạng trong chương trình Bài hát Việt như Nguyễn Xinh Xô, Phan Cường - Vĩnh Tiến cho tôi cái cảm giác được chờ đợi, cùng nhiều tên tuổi là sinh viên nhạc viện.  Họ là cả một đội ngũ, một đội ngũ có học vấn (đều xuất thân từ nhạc viện trong và ngoài nước), có nghề (đều chơi nhạc và là nhân vật phối khí và sáng tác chính cho các ban nhạc và ca sĩ hàng đầu, hoạt động thường xuyên trên sân khấu và các phòng thu âm), có khát vọng nghệ thuật lớn hơn khát vọng hành nghề kiếm tiền, một đội ngũ đủ sức cho một cuộc chơi đường dài.

4

Trong vòng tám năm, những làn sóng âm nhạc vẫn nối tiếp nhau hết đợt này đến đợt khác. Còn nghi ngờ gì nữa, đó là sự chuyển động về phía trước, là sự phát triển.

Không phải xuân đến khiến tôi hăng lên một chút, lạc quan thêm một chút. Tôi viết bài này giữa chính đông, trời trở rét, mưa phùn gió bấc, khi ngoài kia vẫn karaoke nhạc thị trường bằng cái giọng say lè nhè. Nhưng có một xuân trong lòng tôi kín đáo và thầm lặng. Đó là giọng hát em - tuổi 20 trong sáng, đang cất lên bài hát của ngày mới trong những gì tôi nghe được hôm qua và hôm nay...

DƯƠNG THỤ
Theo Tuổi Trẻ

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm