Nhiều đơn vị băn khoăn việc trả lương, nạn sách giả ở Ngành xuất bản
(Dân trí) - Tại hội thảo lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, các nhà xuất bản (NXB) đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế để tìm phương án phát triển ngành xuất bản.
Các doanh nghiệp in của Việt Nam đang chịu nhiều áp lực
Ngày 19/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản.
Hội thảo được tổ chức ở cả hai hình thức: Trực tiếp và trực tuyến. Có khoảng 15 tham luận, tập trung vào các vấn đề, nhóm vấn đề liên quan đến chủ đề chính của hội thảo nhằm nhận thức vị trí vai trò của hoạt động xuất bản, trao đổi sâu về một số vấn đề lớn, làm tiền đề cho phát triển ngành, như: Mô hình nhà xuất bản, chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản trong tình hình mới.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho biết, trong 20 năm qua, nhịp độ tăng trưởng khoảng 6-8%/ năm, số đầu sách tăng 1,8 lần, số bản sách tăng 2,2 lần, doanh thu tăng 3,2 lần.
Năm 2022 đạt 6 bản/người/năm, năm 2023 có gần 37.000 đầu xuất bản phẩm, trên 530 triệu bản sách in và sách điện tử, đưa tỉ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 5,3 bản/người/năm.
Lĩnh vực in tăng trưởng cả về quy mô và số lượng, với tăng trưởng toàn ngành khoảng 6%. Đến năm 2023, cả ngành có trên 2.100 cơ sở in với doanh thu gần 100 ngàn tỷ, vươn mình trở thành ngành công nghiệp có phát triển.
Tuy nhiên, quy mô của cả 3 lĩnh vực còn hạn chế với tổng doanh thu mới đạt khoảng 102.000 tỉ năm 2023. Lĩnh vực xuất bản doanh thu vượt 100 tỉ đồng/năm còn ít. Lĩnh vực in quy mô còn nhỏ lẻ, năng lực công nghệ còn hạn chế, thiết bị lạc hậu. Hệ thống phát hành phát triển không đều, nhiều yếu tố bất cập; việc đưa sách về các địa phương vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn...
Nhiều vấn đề bất cập mới đã nảy sinh đòi hỏi phải sớm có biện pháp khắc phục: Quy định về chính sách; quy định về mô hình; việc thực hiện các thủ tục hành chính; các quy định về xuất bản điện tử...
Ba nguyên nhân chủ quan dẫn đến các hạn chế, gồm: Việc thể chế hóa các nội dung, định hướng, chỉ đạo của Chỉ thị 42 còn chậm, thiếu quan tâm bố trí nguồn lực; nhận thức trách nhiệm của các cơ quan chưa đầy đủ; hạn chế, yếu kém của một bộ phận lãnh đạo.
Tại Hội thảo, các tham luận chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong quy định về chính sách; quy định về mô hình; việc thực hiện các thủ tục hành chính; các quy định về xuất bản điện tử...
Ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam - cho biết, hiện nay số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp in Việt Nam là trên 400 doanh nghiệp với quy mô sản xuất lớn và vừa, phân bổ ở các tỉnh, thành phố lớn có công nghiệp phát triển và các khu công nghiệp lớn.
Ban đầu là các tỉnh thành phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.... nay đã lan rộng ra các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình... và một số tỉnh miền Trung.
"Làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp in Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là từ Trung Quốc. Các năm gần đây Hiệp hội In Việt Nam, Hội In TPHCM liên tục tiếp và làm việc với các đoàn doanh nghiệp in lớn từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á sang tìm hiểu, khảo sát và tạo các mối quan hệ trước khi đầu tư vào thị trường Việt Nam", Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam thông tin.
Theo ông Dòng, cùng với những hiệu ứng tích cực từ việc gia tăng đầu tư nước ngoài thì các doanh nghiệp in Việt Nam cũng phải đối đầu với những khó khăn và thách thức như: Các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng cao trong phân khúc sản phẩm in chất lượng cao trong nước do sự chênh lệch về lợi thế cạnh tranh, năng lực tiếp thị, trình độ công nghệ và năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị chất lượng sản phẩm.
Thứ hai là các chính sách về thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, thuế VAT đối với các doanh nghiệp in Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, thậm chí bất hợp lý. Những sửa đổi, cải cách thủ tục hành chính theo Luật Xuất bản và các nghị định kèm theo đã được tích cực sửa đổi trong những năm gần đây vẫn còn một số điều khoản chưa thực sự thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp in trong nước phát triển.
Thứ ba là nhiều doanh nghiệp in trong nước chậm phát triển, thậm chí quy mô sản xuất ngày một thu hẹp, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp là do chính các doanh nghiệp đó chậm đổi mới phương thức quản lý, điều hành, bộ máy quản lý cồng kềnh, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp, nhất là khối các doanh nghiệp in 100 % vốn nhà nước hoặc nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
Các NXB đang tạo ra sự cạnh tranh chưa bình đẳng
Ông Phạm Trần Long - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thế giới - cho rằng, mô hình hoạt động, tổ chức của các NXB hiện nay chưa thống nhất để có thể đưa ra cơ chế chính sách chung, sao cho các NXB đều được hưởng những cơ chế, chính sách một cách hợp lý, chưa tạo điều kiện thuận lợi để một số nhà xuất bản phát huy hết nội lực của mình để phát triển.
"Ngay trong nội tại mô hình tổ chức và hoạt động của các NXB đang tạo ra sự cạnh tranh chưa bình đẳng. Các nhà xuất bản theo mô hình Công ty TNHH MTV tự hạch toán, tự chủ về tài chính trong hoạt động lại phải cạnh tranh với các NXB theo mô hình sự nghiệp công lập tự chủ được đảm bảo chi thường xuyên hay đảm bảo đầu tư hạ tầng, hỗ trợ chi phí", đại diện NXB Thế giới nhấn mạnh.
Ông Phạm Trần Long mong muốn có sự thống nhất về mô hình của các NXB vì chỉ như vậy mới có thể đưa ra những cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển đồng nhất cho các nhà xuất bản.
Cần phải xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp các NXB với tư cách là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng.
Đó là cơ chế, chính sách về giá thuê nhà đất, trụ sở, về miễn, giảm các loại thuế, về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ, ưu đãi lãi suất vay vốn ngân hàng, các dự án đặt hàng lâu dài, có chiều sâu…
Còn đại diện NXB Phụ nữ chỉ ra, chất lượng nhân lực trong việc chuyển đổi số cũng là một nhu cầu quan trọng trong ngành xuất bản khi biên tập trên bản điện tử khác hoàn toàn trên sách giấy, đòi hỏi nhân sự cũng phải có trình độ về công nghệ, chuyên môn cao hơn.
Vì thế, NXB Phụ nữ luôn chú trọng bồi dưỡng, đào tạo biên tập viên theo hướng vừa thông thạo các kỹ năng của biên tập viên trên môi trường số, vừa sử dụng tốt các kỹ năng truyền thông mạng xã hội; kỹ năng viết bài giới thiệu sách trên các kênh thương mại điện tử, hội nhóm online...
"Chúng tôi có chính sách bồi dưỡng, đào tạo theo hướng ngắn hạn, trực tiếp cho nhân sự như mời chuyên gia của các đối tác có kinh nghiệm kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các kênh truyền thông mạng xã hội có các gian hàng đang phát triển tốt như Shopee, Tiktok,…
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tập huấn về bán hàng online (trong đó có hoạt động livestream), marketing cho đội ngũ phát hành, kinh doanh của NXB. Đây là chính sách mang lại hiệu quả tốt và đang được NXB thường xuyên sử dụng; cập nhật các hướng dẫn mới của các đối tác là các kênh thương mại điện tử", đại diện NXB Phụ nữ nói.
Tuy nhiên, đại diện NXB Phụ nữ thẳng thắn, việc tập huấn này vẫn còn manh mún, toàn ngành chưa có hệ thống chuẩn cho việc đào tạo biên tập, hiện mới là việc chia sẻ kinh nghiệm mà chưa có sự bài bản, chưa có tài liệu chuẩn của khu vực, quốc tế.
Để nâng cao chất lượng các ấn phẩm, NXB Phụ nữ còn có đội ngũ bản quyền gồm các cán bộ có trình độ ngoại ngữ tốt, am hiểu thị trường sách, xuất bản trong nước và thế giới; am hiểu các quy định của pháp luật và thành thạo các kỹ năng công nghệ thông tin.
Đơn vị này còn có chính sách tạo điều kiện để tham gia các khóa học ngắn ngày ở nước ngoài để nâng cao trình độ ngoại ngữ, cập nhật các xu hướng xuất bản, tìm hiểu các cơ hội hợp tác quốc tế,… nhằm giúp NXB phát triển bền vững.
"Khi tự chủ, các NXB gặp nhiều khó khăn như ràng buộc về việc trả lương thế nào. Khi thu hút được nhân lực chất lượng cao, các NXB sẽ phải trả mức lương cao hơn, việc này lại xung đột với các quy định trả lương hiện tại của các đơn vị tự chủ.
Chúng tôi muốn trả lương cao, đòi hỏi phải có tính toán phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị. Có NXB nào dám trả lương cho 1 nhân sự làm Trưởng phòng kinh doanh gấp 2 lần lương của Ban Giám đốc không?", đại diện NXB Phụ nữ đặt câu hỏi.
Trong khi đó, phía công ty Cổ phần Phát hành Sách TPHCM (Fahasa) cho biết, năm 2023 đơn vị này đạt hơn 3.900 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến đạt doanh thu 4.000 tỉ đồng với nhân sự là 2.100 người.
Tuy nhiên, nhìn nhận về những hạn chế, khuyết điểm, đại diện Fahasa cho rằng, hiện chưa có nhiều giải pháp cạnh tranh mạnh mẽ để phối hợp với các đơn vị xuất bản, góp phần giảm vấn nạn sách giả sách kém chất lượng trên thị trường, đặc biệt là trên các nền tảng kinh doanh online.
Công tác phát hành sách trực tiếp vào các thư viện ở các trường học, thư viện ở các tỉnh, các cơ quan ban ngành còn nhiều hạn chế.
Các nguyên nhân được xác định, gồm: Tình trạng sách giả ngày càng nhiều; chưa đầu tư đội ngũ nhân sự; chính sách bán hàng chưa linh hoạt.
Thời gian tới, Fahasa và nhiều đơn vị xác định tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển hệ thống nhà sách chuyên nghiệp, hiện đại nhằm góp phần đem những xuất bản phẩm chất lượng đến phục vụ người dân trên khắp các mọi miền đất nước, bảo đảm nguồn sách phục vụ cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu khi có nhu cầu học hành, tham khảo…. qua đó góp phần nâng cao văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho xã hội.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác uy tín ở nước ngoài, mở thêm các nhà sách, gian hàng sách tiếng Việt tại các nước để phục vụ bạn đọc là các du học sinh, Việt kiều, người nước ngoài yêu thích văn hóa Việt Nam, góp phần mở rộng thị trường, giới thiệu và phát hành sách của các nhà xuất bản trong nước ra nước ngoài.
Tại sự kiện, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - khẳng định, những vấn đề đặt ra tại hội thảo là cơ sở vô cùng quan trọng, cần thiết để Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam lắng nghe, ghi nhận những đề xuất của các NXB, đơn vị in, phát hành cùng nhau nghiên cứu, phối hợp, đề xuất các giải pháp căn cơ trong quá trình tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW.
Đồng thời, các đơn vị cũng kịp thời tham mưu tới Ban Bí thư Trung ương Đảng để có chủ trương, đường lối mới, hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định sẽ tiếp thu và sẽ cụ thể hóa để thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển hơn nữa trong thời gian tới.